TP.HCM đang có 84 quản tài viên

Ông Phan Thanh Tùng (Trưởng phòng Bổ trợ Sở Tư pháp TP.HCM) báo cáo với hội nghị tổng quan về tổ chức hoạt động của quản tài viên (QTV) và quản lý, thanh lý tài sản trên địa bàn TP.HCM.

Theo đó QTV doanh nghiệp hành nghề quản lý thanh lý tài sản trên địa bàn TP thường xuyên cập nhật danh sách đăng tải trên trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp TP.

Trang này cũng có chuyên trang “QTV và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản tại TP.HCM” để cung cấp thông tin các hoạt động trong lĩnh vực QTV và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản; cung cấp thông tin và công văn hướng dẫn nghiệp vụ trong lĩnh vực quản tài viên; đăng tải, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật quy định về lĩnh vực QTV và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản…

Bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, phát biểu tại hội nghị ngày 27-11. Ảnh: KP

Tính từ ngày 6-4-2015 (ngày Nghị định 22/CP có hiệu lực thi hành) đến nay, Sở Tư pháp tiếp nhận 84 hồ sơ đăng ký QTV và 18 hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản; giải quyết chấm dứt hành nghề quản lý, thanh lý tài sản cho một QTV. Hiện nay, trên địa bàn TP có 84 QTV và 18 doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản.

Ông Tùng nhận định qua từng năm triển khai thực hiện pháp luật về phá sản cho thấy số lượng người là luật sư, kiểm toán viên, người có trình độ cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật về phá sản đã tham gia đăng ký QTV và doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản tại Sở Tư pháp ngày một tăng.

Qua hơn ba năm triển khai thực hiện Luật Phá sản năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, cho thấy hoạt động của QTV và doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản có những khó khăn vướng mắc.

Cụ thể Luật Phá sản chưa quy định việc QTV được quyền đề nghị Thẩm phán quyết định thực hiện kiểm toán doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong trường hợp cần thiết. Một số quy định của Luật Phá sản về thời gian trả lời doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, thời hạn gửi giấy đòi nợ của chủ nợ cho QTV…, thủ tục giải quyết phí tạm ứng phá sản cho QTV còn mất nhiều thời gian, phức tạp, mức phí tạm ứng thấp…

Trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc này đại diện Sở Tư pháp kiến nghị Bộ Tư pháp xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Phá sản. Các vấn đề cụ thể như QTV được quyền đề nghị thẩm phán quyết định thực hiện kiểm toán doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong trường hợp cần thiết.

Việc mở tài khoản tại ngân hàng do thẩm phán thụ lý vụ án là chủ tài khoản. Ngoài ra là các quy định về thời gian trả lời doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, thời hạn gửi giấy đòi nợ của chủ nợ cho QTV. Cạnh đó là thời gian lập danh sách chủ nợ, thời gian lập danh sách người mắc nợ và niêm yết công khai tại TAND đối với những vụ việc phức tạp…

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: KP

Tại buổi này, ông Nguyễn Công Phú (Phó Chánh Tòa Kinh tế, TAND TP.HCM) có tham luận về những khó khăn, vướng mắc khi giải quyết những vụ việc phá sản tại TAND TP.HCM.

Cục THADS TP.HCM, Công ty HD quản lý và thanh lý tài sản Sài Gòn.. có tham luận về lĩnh vực liên quan đến QTV, thanh lý tài sản… Các QTV cũng có ý kiến trao đổi những vướng mắc, khó khăn khi hành nghề tại hội nghị và những đề xuất, hướng tháo gỡ trong thời gian tới.

Quản tài viên Nguyễn Tiến Mạnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: KP 

Bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, kết luận ghi nhận những ý kiến đóng góp và sẽ tổng hợp đề xuất, kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

 

Từ ngày 1-1-2015 đến ngày 31-5-2018 (gần ba năm rưỡi): TAND TP.HCM đã nhận và thụ lý 100 đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, đã giải quyết được 49 vụ, trong đó có chín  vụ ra quyết định tuyên bố phá sản;

TAND 24 quận, huyện thụ lý 51 đơn yêu cầu, ra quyết định mở thủ tục 17 vụ, không mở thủ tục 21 vụ, tuyên bố phá sản ba vụ.

(Trích tham luận của TAND TP.HCM tại hội nghị ngày 27-11)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm