Tổng cục THA nói về thu hồi tài sản tham nhũng

Mới đây, Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh thực trạng nhiều quan tham bị kết án trong hàng loạt đại án tham nhũng nhưng tài sản nhà nước mà họ biển thủ, tham nhũng chỉ thu hồi được với tỉ lệ rất thấp. Công tác thi hành án (THA) liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng đang gặp nhiều vướng mắc, bất cập...

Không kê biên, phong tỏa tài sản

Ngày 12-4, Tổng cục THA dân sự (Bộ Tư pháp) đã có văn bản thông tin tới Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này.

Theo đó, Tổng cục THA dân sự thừa nhận tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng là không cao dù các cơ quan THA đã nỗ lực xác minh, rốt ráo truy tìm tài sản của đương sự để xử lý. “Ví dụ như vụ Vinashin, tổng số tiền phải THA cho tổ chức, cá nhân là trên ngàn tỉ nhưng đến nay mới thi hành được trên 3 tỉ” - văn bản của Tổng cục THA dân sự nêu.

Theo Tổng cục THA dân sự, nguyên nhân lớn nhất dẫn đến hiệu quả THA thấp là do trong quá trình điều tra, xét xử đã không có tài sản nào bị kê biên, phong tỏa hoặc có nhưng ít hơn nhiều so với nghĩa vụ phải thi hành đã được tuyên trong bản án.

Chính vì vậy, khi bản án có hiệu lực pháp luật, cơ quan THA dân sự xác minh điều kiện THA thì kết quả rất hạn chế. Các tài sản mà cơ quan THA xác minh được phần lớn là nhà ở, nơi cư trú của gia đình người phải THA, dẫn đến kết quả thi hành được rất thấp so với nghĩa vụ phải THA.

Nhiều người lo ngại khó thu hồi 630 tỉ đồng mà ông Đinh La Thăng (thứ hai từ phải sang) phải bồi thường. Ảnh: TTX

Có khó thu hồi 630 tỉ của ông Đinh La Thăng?

Trong hai vụ án liên quan đến ông Đinh La Thăng vừa xét xử sơ thẩm, hai HĐXX đã buộc ông Thăng phải bồi thường tổng cộng 630 tỉ đồng. Ở hai vụ án này, trong quá trình tố tụng, các cơ quan tố tụng cũng không kê biên tài sản của ông Thăng. Điều này đã khiến nhiều người lo ngại đến tính khả thi trong việc thu hồi số tiền 630 tỉ đồng cho Nhà nước.

Về vấn đề này, Tổng cục THA dân sự cho hay trách nhiệm của cơ quan THA dân sự là thi hành theo đúng bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Đối với các bản án chưa có hiệu lực pháp luật, cơ quan THA chưa tổ chức thi hành và “chưa thể có ý kiến đối với trình tự thu hồi và tính khả thi” (hai bản án trong hai vụ án liên quan tới ông Thăng là án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật - NV).

Tuy nhiên, Tổng cục THA dân sự cũng cho rằng việc kê biên, phong tỏa tài sản trong giai đoạn điều tra, xét xử vô cùng quan trọng, có giá trị rất lớn đối với hiệu quả thi hành phần dân sự của bản án, tránh việc tẩu tán tài sản, đến giai đoạn THA thì không còn tài sản để thi hành. Cơ quan THA mặc dù nỗ lực xác minh, truy tìm tài sản để xử lý nhưng hiệu quả thi hành phần dân sự của bản án sẽ không cao.

Từ đó, Tổng cục THA dân sự đề nghị: “Trong quá trình tố tụng, các cơ quan chức năng có các biện pháp kê biên, phong tỏa tài sản của bị cáo kịp thời, hiệu quả, tránh việc tẩu tán tài sản sau này. Cùng với đó thì cần hoàn thiện về mặt thể chế, tạo điều kiện cho việc áp dụng pháp luật được thống nhất, thuận lợi, hạn chế tối đa những vướng mắc, bất cập khi áp dụng”.

Tổng cục THA dân sự cũng cho hay hiệu quả THA phụ thuộc rất lớn vào công tác phối hợp, kết hợp, hỗ trợ, đồng thuận của các cơ quan khác. Chính vì vậy nếu có sự phối hợp tốt của các đơn vị khác thì việc THA, thực hiện bản án đã có hiệu lực của tòa mới đạt kết quả tốt.

Giải pháp thu hồi

Về giải pháp để thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả hơn, Tổng cục THA dân sự cho biết đối với án kinh tế, tham nhũng có giá trị thi hành lớn, Tổng cục đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo thi hành riêng đối với loại vụ việc này, thành lập các tổ công tác đối với từng việc cụ thể. Tổng cục cũng tiến hành rà soát và cập nhật sát sao tình hình THA của từng việc cụ thể để có chỉ đạo kịp thời.

Các cơ quan THA dân sự địa phương thì thành lập các tổ, nhóm, xây dựng kế hoạch thi hành, định kỳ, đột xuất báo cáo về Tổng cục. Tổng cục chỉ đạo thông qua nhiều biện pháp: Ban hành văn bản chỉ đạo chung hoặc đối với từng vụ việc cụ thể; về địa phương làm việc trực tiếp; yêu cầu báo cáo tiến độ, kết quả theo định kỳ hoặc đột xuất… nhằm đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải quyết.

Tuyên nhiều, thu được ít

Trong vụ Vinashin, tổng số tiền THA là hơn 1.144 tỉ đồng. Đến nay đã gần năm năm sau khi bản án có hiệu lực cơ quan THA mới thu hồi được hơn 3 tỉ đồng.

Trong vụ Vinalines, tòa buộc nguyên chủ tịch HĐTV Vinalines Dương Chí Dũng nộp 10 tỉ đồng tiền tham ô, bồi thường 100 tỉ đồng cho Vinalines nhưng đến nay mới THA được hơn 21 tỉ đồng.

Trong vụ Công ty Cho thuê tài chính II, tổng số tiền phải THA hơn 559 tỉ đồng nhưng đến tháng 3-2017 mới thi hành được hơn 30 tỉ đồng...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm