Tội phạm môi trường: Mức định lượng cao, khó xử lý

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa, có ý kiến cho rằng mức định lượng làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi xả thải, chôn lấp, đổ thải ra môi trường quy định tại Điều 235 BLHS 2015 (tội gây ô nhiễm môi trường) quá cao, dẫn đến không xử lý hình sự được trên thực tế. “Bộ TN&MT cho rằng ý kiến này rất xác đáng, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay - vi phạm pháp luật về môi trường đang diễn ra khá rộng rãi và rất phức tạp” - bà Hoa nói.

Trong khi đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng cho biết mức quy định trong BLHS 2015 đã thấp hơn so với dự thảo mà Chính phủ trình trước đó.

Bà Nguyễn Thị Quốc Khánh (Ủy viên Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường) dẫn chứng: Hành vi chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ từ ba đến năm tấn chỉ bị xử phạt từ 100 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù 1-5 năm hoàn toàn không đủ sức răn đe.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội hỏi chúng tôi: Tại sao tội phạm lại nhiều như thế, tại sao hành vi ăn trộm lại nhiều thế? Tôi nghĩ phải chăng có khoảng trống trong quy định của pháp luật?” - Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại phiên thẩm tra. Điều này từng được ông Lâm lý giải tại một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 21-9: “Quy định trộm cắp từ 2 triệu đồng trở lên mới xử lý hình sự thì rất khó, dẫn đến có loại cứ ăn cắp 1,8 hay 1,9 triệu đồng là không bị xử lý. Chưa kể việc giám định kết luận thế nào cũng phức tạp, cái xe đạp người này nói 2 triệu nhưng người kia nói 1,9 triệu”.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, trong tội trộm cắp tài sản, BLHS 2015 vẫn giữ mức định lượng tối thiểu để xử lý hình sự như BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Đối với trường hợp trộm cắp tài sản dưới 2 triệu đồng, ông Lưu trấn an: “Điều 173 BLHS 2015 quy định rất hay”. Theo đó, trộm cắp dưới 2 triệu đồng nhưng rơi vào một trong bốn trường hợp thì vẫn bị xử lý hình sự...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm