‘Tôi đề xuất án lệ mới’

Vì vậy, tôi đề xuất lấy quyết định giám đốc thẩm số 98/2013 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao trong một vụ tranh chấp quyền sử dụng đất để phát triển thành án lệ.

Cụ thể, bản án dân sự phúc thẩm ngày 24-7-1979 của TAND tỉnh Phú Khánh (cũ) về vụ kiện “chia di sản thừa kế” đã quyết định: Công nhận sự thỏa thuận của bà Lê Thị Liễu (nguyên đơn) với ông Võ Đình Lạc (người có quyền lợi liên quan) cho ông Lê Công Tú (bị đơn) được sở hữu 1/3 lô đất vườn tại xã Vĩnh Phương (Nha Trang). Phần đất còn lại ông Lạc và bà Liễu thỏa thuận mỗi người một nửa…

Luật sư Nguyễn Hồng Hà. Ảnh: baomoi

Khi còn sống, ông Lạc và ông Tú (đều mất năm 2002) không yêu cầu thi hành án (THA). Tháng 10-2006, bà Liễu mời vợ con ông Tú, ông Lạc về chia đất nhưng ba nhà không thỏa thuận được. Tháng 4-2007, vợ ông Tú khởi kiện đòi đất mà phía bà Liễu đang quản lý, sử dụng. Vợ ông Lạc (người có quyền lợi liên quan) cũng có yêu cầu độc lập đối với bị đơn.

Tháng 9-2007, TAND tỉnh Khánh Hòa xử sơ thẩm đã chấp nhận một phần yêu cầu của vợ ông Tú và vợ ông Lạc. Tháng 4-2008, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng đã hủy án sơ thẩm vì cho rằng việc vợ ông Tú, vợ ông Lạc đòi lại đất do phía bà Liễu quản lý, sử dụng đã được giải quyết tại bản án dân sự phúc thẩm của TAND tỉnh Phú Khánh (cũ). Lẽ ra tòa sơ thẩm phải trả lại đơn khởi kiện cho đương sự, đình chỉ giải quyết vụ án, xóa tên trong sổ thụ lý nhưng lại xét xử là không đúng pháp luật.

Tháng 4-2011, chánh án TAND Tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm bản án phúc thẩm. Tại Quyết định giám đốc thẩm số 98 ngày 12-8-2013, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao chấp nhận kháng nghị, hủy hai bản án sơ, phúc thẩm, giao hồ sơ cho TAND tỉnh Khánh Hòa xử sơ thẩm lại.

Hội đồng thẩm phán kết luận: Việc tòa phúc thẩm đình chỉ giải quyết vụ án là không chính xác. Đây không phải là trường hợp sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án. Quan hệ tranh chấp trong vụ án là tranh chấp đòi lại tài sản đang do người khác chiếm giữ chứ không phải là kiện chia thừa kế. Việc kiện chia thừa kế đã được giải quyết tại bản án dân sự phúc thẩm của TAND tỉnh Phú Khánh (cũ). Bản án này đã xác lập quyền tài sản (quyền sử dụng đất) cho ông Tú và ông Lạc. Họ đã có quyền sử dụng đất, nay họ chết thì quyền tài sản này được thừa kế nên các thừa kế của ông Tú, ông Lạc có quyền khởi kiện đòi lại. Tòa sơ thẩm thụ lý, giải quyết là có cơ sở. Tòa phúc thẩm hủy án sơ thẩm, đình chỉ việc giải quyết vụ án là đánh giá không đúng quan hệ pháp luật cần giải quyết, không đảm bảo quyền lợi của các đương sự.

Theo tôi, trong vụ án trên nên phát triển nội dung sau thành án lệ: Khi hết thời hiệu THA thì đương sự chỉ mất quyền được THA, còn quyền sở hữu tài sản đã ghi nhận trong bản án, quyết định của tòa vẫn còn hiệu lực. Do đó, trong những vụ kiện chia thừa kế đã được giải quyết bằng bản án, quyết định có hiệu lực nhưng hết thời hiệu yêu cầu THA thì đương sự vẫn có quyền khởi kiện đòi lại tài sản, tòa không được từ chối thụ lý, giải quyết.

Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm