Tòa, Viện đồng tình 'phá' hợp đồng giả cách ngoạn mục

Theo hồ sơ năm 2014 thông qua một người quen nên ông Kha Tú Phi (ngụ phường 11, quận 6) vay của bà ĐTTV 70 tỉ đồng với lãi suất 3%/tháng. Thay vì làm hợp đồng vay tiền thì hai bên thống nhất lập hợp đồng mua bán nhà số 357/47A, đường Hậu Giang, quận 6 để đảm bảo cho khoản vay.

Ngày 26-5-2016, vợ ông Phi và bà V. ra phòng công chứng ký hợp đồng chuyển nhượng căn nhà trên với giá 70 tỉ đồng. Hai bên cũng nhờ Thừa phát lại lập vi bằng thỏa thuận trong thời hạn 12 tháng, ông Phi có quyền mua lại với đúng giá ban đầu là 70 tỉ kèm theo lãi suất phạt là 3%, trong thời gian này bà V. không được quyền đăng bộ sang tên. Phía ông Phi vẫn được tiếp tục quản lý, sử dụng, kinh doanh tại căn nhà.

Ảnh minh họa

Sau đó bà V. đã giao cho ông Phi 63,7 tỉ đồng nhưng trên biên nhận thể hiện là 70 tỉ (do bà V. đã trừ trước 6,3 tỉ tiền lãi). Tiếp đó do hai bên không thực hiện theo thỏa thuận nên ông Phi khởi kiện yêu cầu TAND quận 6, TP.HCM tuyên hợp đồng mua bán nhà vô hiệu vì giả cách để che đậy quan hệ vay mượn. Về nợ gốc, nguyên đơn cho rằng chỉ nhận được 63,7 tỉ từ bà V. nên chỉ trả lại số tiền này...

Tại toà, đại diện bị đơn khẳng định không có việc bà V. cho vợ chồng ông Phi vay 70 tỉ mà đây là việc mua bán nhà. Bà V. vẫn tôn trọng thoả thuận giữa hai bên đảm bảo cho bà quản lý, khai thác trong thời hạn 12 tháng không làm thủ tục đăng bộ.

Phía nguyên đơn thì khẳng định giao dịch mua bán nhà giữa hai bên là giả tạo, thực tế là vay 70 tỉ đồng, thời hạn vay là 12 tháng, số tiền lãi 6,3 tỉ đồng bị cấn trừ đã thể rõ bản chất giao dịch thật của các bên.

Đại diện VKSND quận 6 cho rằng nếu việc mua bán nhà khi hoàn tất thì bên mua phải nhận nhà và thực hiện việc sang nhượng. Căn cứ theo biên bản định giá tài sản do tòa án thành lập thì thực tế nhà và đất nêu trên có giá trị hơn 163 tỉ đồng.

VKS cho rằng tại thời điểm việc mua bán diễn ra thì giá 70 tỉ đồng là chênh lệch gấp đôi so với giá thị trường. Hơn nữa theo quy định pháp luật lãi suất do các bên thoả thuận không quá 150%. Hợp đồng trên được xác nhận là hợp đồng có lãi và không kỳ hạn nên đề nghị HĐXX tuyên hợp đồng trên là vô hiệu do giả tạo.

Trong bản án HĐXX TAND quận 6 nhận định, hai bên mua bán nhà quen biết nhau qua môi giới, không phải bạn bè hay đối tác làm ăn. Vì vậy, không có lý do gì bà V. thỏa thuận cho vợ chồng ông Phi mua lại căn nhà với giá ban đầu với lãi 3%/tháng, và bên bán không có nghĩa vụ trả lãi hàng tháng.

Mặt khác, ngày 25-6-2016 sau khi ký hợp đồng mua bán nhà thì bà V. cũng nhận số tiền lãi của ba tháng là 6,3 tỉ đồng. Việc nhận số tiền lãi này một lần nữa khẳng định bản chất giao dịch giữa hai bên là vay tiền.

Về giá chuyển nhượng, hội đồng thẩm định giá kết luận vào năm 2016 căn nhà là hơn 163 tỉ đồng, trong khi đó bà V. chỉ mua với giá 70 tỉ đồng. Mặc dù, giá cả là do hai bên tự thoả thuận, nhưng thời điểm này ông Phi đang rất khó khăn.

Biết rõ giá trị thực tế của căn nhà, việc chuyển nhượng nhà với giá chênh lệch gần gấp đôi cho thấy hai bên thực hiện một giao dịch giả tạo nhằm che giấu giao dịch vay tiền. Như vậy, HĐXX có đủ cơ sở khẳng định, ngày 26-5-2016, ông Phi và bà K. đã vay của bà V. số tiền 70 tỉ đồng.

Từ đó HĐXX quyết định tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Phi tuyên hợp đồng mua bán nhà là vô hiệu do giả tạo. Do hợp đồng mua bán nhà vô hiệu nên phía ông Phi phải trả lại cho bà V. số tiền đã vay, kèm theo lãi suất ngân hàng. Cụ thể tòa buộc ông Phi phải trả số tiền nợ gốc là 70 tỉ đồng và 22,3 tỉ đồng tiền lãi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm