Tòa trưng cầu giám định ADN 4 con bò đi lạc

Theo hồ sơ, ông Dương Đình H. (trú xã Lưu Sơn Vĩnh, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), cho rằng, gia đình ông có nuôi đàn bò gồm 9 con. Gia đình ông H. nuôi bò bằng cách hằng ngày đưa đàn bò ra thả nuôi gặm cỏ tại khu vực Đá Dóc- gần nhà.

Những con bò liên quan đến vụ tranh chấp. Ảnh: CTV. 

Đếm răng bò xác định chủ không được

Tuy nhiên, chiều 7-5, ông H. ra lùa bò về chuồng, phát hiện đàn bò thiếu mất ba con. Trong ba con bò đó, có một con đang mang bầu ở tháng thứ tám. Ông H. cùng gia đình đi tìm bò khắp làng trên xóm dưới, nhưng không thấy bò. Gia đình cũng đã trình báo với chính quyền địa phương.

Một tuần sau (ngày 12-5), con trai của vợ chồng ông H. đi tìm bò trên cánh đồng xã Thạch Xuân và cho rằng ba con bò bị mất đang gặm cỏ cùng đàn bò của ông Hồ Sỹ Ch. (trú xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà).

Tuy nhiên, ông C. nói đó là ba con bò của gia đình ông từng bị mất và vừa tìm về được. Theo ông C. gia đình ông có 23 con bò nuôi thả tại trang trại trong núi ở Khu bảo tồn hồ Kẻ Gỗ. Ngày 11-2, khi lên thăm bò ông C. cũng phát hiện ra mất hai con bò cái, trong đó có một con đang có thai. Khoảng cuối tháng 3-2020, con trai ông C. tìm được bò, thì bò mẹ đã sinh thêm bê con.

Ông H. trình báo chính quyền địa phương nhưng cán bộ chính quyền không thể xác định được ba con bò của gia đình ông H. hay ông C.

Do vậy, ông H. khởi kiện ông C. ra TAND huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh yêu cầu ông C. trả lại bò.

Trong thời gian Tòa án đang thụ lý đơn thì một con bò đã sinh ra một con bê con. Như vậy, số lượng bò, bê tranh chấp lên bốn con và nâng tổng giá trị lên gần 40 triệu đồng.

Hội đồng thẩm định tại chỗ (có sự tham gia của các cán bộ ngành chăn nuôi, thú y và đại diện chính quyền địa phương) vào tận chuồng bò để đếm răng để xác định độ tuổi của bốn con bò và đếm vú bò cái. Hội đồng ghi nhận các đặc điểm, xem xét cơ chế hình thành lỗ và vết rách trên tai bò… một cách cẩn thận, tỉ mỉ.

Khi tòa hòa giải, ông C. không chấp nhận đề nghị của ông H. rằng: “Dùng phương pháp truyền thống, đưa các con bò đang tranh chấp ra giữa hai đàn bò của hai gia đình, bò đi theo bên nào bên đó là chủ sở hữu…”.

Các nhân chứng cũng được hai bên tìm kiếm. Ông H. đưa ra đặc điểm con bò cái thứ nhất có vết rách ở tai phải, con bò con (bò đực) có vết sẹo trên vai. Ông C. cho rằng tai bò cái từng bị thương và ông đưa lưỡi dao lam ra cạo vết thương, bò bị đau quật mạnh nên bị vấp lưỡi lam rách tai.

Các buổi hòa giải đều không thành vì bên nào cũng khẳng định bố con bò đó của mình.

Giám định ADN bò

TAND huyện Thạch Hà phải trưng cầu giám định ADN bò trước khi đưa vụ án ra xét xử.

Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ tế bào động vật thuộc Viện chăn nuôi Việt Nam giám định, kết luận: “Mẫu bò có ký hiệu M1 (mẫu vật của con bò cái thứ nhất đang tranh chấp) có quan hệ huyết thống mẹ con với mẫu bò có ký hiệu M2 (mẫu vật của con bò trong đàn của nguyên đơn mà nguyên đơn cho rằng có quan hệ huyết thống với con bò cái thứ nhất)”.

Ngày 18-8, TAND huyện Thạch Hà xử sơ thẩm, tuyên chấp nhận đơn khởi kiện của ông H. buộc ông C. trả lại bốn con bò và bê. Trong đó, riêng con bê thứ 4, do sinh sau thời điểm đại diện chính quyền xã bàn giao cho ông C. chăm sóc nên bị đơn được hưởng ½ giá trị con bê. Cụ thể, ông H. phải thanh toán cho ông C. số tiền 1 triệu đồng.

Trong trường hợp bị đơn làm mất hoặc để xẩy ra thiệt hại đối với bốn con bò trên thì phải đền bù bằng tiền cho nguyên đơn trị giá là hơn 37 triệu đồng theo kết quả định giá tài sản ngày 3-7. Ông C. cũng được tính chi phí chăm nuôi bốn con bò (tính từ ngày 14-5, tiền công chăn dắt mỗi con 25 ngàn đồng/ngày) là hơn 2,4 triệu đồng.

Tòa án buộc ông C. phải thanh toán 7,3 triệu đồng chi phí giám định huyết thống ADN và chấp nhận nguyện vọng của ông H. tự thanh toán 2,8 triệu đồng chi phí thẩm định và định giá.

Không đồng tình với phán quyết trên, ông C. làm đơn kháng cáo lên cấp phúc thẩm.

Ngày 11-12, TAND tỉnh Hà Tĩnh xử phúc thẩm thì ông C. cho rằng “không tin tưởng kết quả giám định ADN bò”. Tuy nhiên, ông C. lại không đưa ra được bằng chứng, chứng cứ nào khác chứng minh bốn con bò của ông.

Theo tòa phúc thẩm quá trình làm việc, người bị kiện không thống nhất trong lời khai, nhiều tình tiết không hợp lý. Ông C. không miêu tả được đặc điểm con vật một cách cụ thể, chính xác, đặc biệt là con bò thứ nhất và con bê thứ ba.

Ngoài ra, kết luận giám định là khách quan, phù hợp với trình bày của người khởi kiện, phù hợp với các tình tiết sự việc khách quan đã diễn ra và phù hợp với lời trình bày của một số người làm chứng sinh sống tại địa phương. Kết luận xác định con bò cái thứ nhất có quan hệ huyết thống mẹ con với con bò phía đàn của ông H, trong khi theo hai bên đương sự nguồn gốc đàn bò hai bên không liên quan đến nhau.

HĐXX phúc thẩm đã tuyên bác đơn kháng cáo của ông C. và buộc ông C. phải chịu án phí.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm