Tòa trên ‘nhượng bộ’ tòa dưới

Mới đây, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã bác kháng cáo của nguyên đơn, kháng nghị của VKSND huyện Đất Đỏ và tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND huyện Đất Đỏ xử vụ kiện do bà N. là nguyên đơn. Điều lạ là cũng vẫn vụ án này nhưng ở hai phiên phúc thẩm trước đây, tòa án tỉnh có nhận định khác với cấp sơ thẩm nên đã hai lần hủy án. Lần này, không hiểu sao tòa tỉnh lại “nhượng bộ” tòa huyện và tuyên y án sơ thẩm, dù nội dung không có gì thay đổi.

Theo đó, tháng 5-2009, bà N. khởi kiện yêu cầu tòa chia tài sản chung là di sản do ông bà để lại gồm nhà và đất tại xã Long Mỹ (Đất Đỏ) do hết thời hiệu chia thừa kế. Diện tích đất trên đã được cấp giấy đỏ cho bà A. Cả bà N. lẫn bà A. đều thừa nhận đây là tài sản do bà ngoại để lại. Nhưng bà A. nói bà là người phụng dưỡng bà ngoại, trực tiếp quản lý, sử dụng đất hợp pháp và đã được cấp giấy đỏ nên không chấp nhận trả đất cho bà N.

Trong các lần xử sơ thẩm trước đó vào năm 2010, 2013, TAND huyện Đất Đỏ đều xác định đây là “tranh chấp quyền sử dụng đất” và bác yêu cầu khởi kiện của bà N., công nhận quyền sử dụng đất cho bà A. Khi xử phúc thẩm, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng quan hệ tranh chấp mà TAND huyện Đất Đỏ đã xác định là không đúng. Bởi lẽ các đương sự đều thừa nhận diện tích đất tranh chấp là di sản để lại không có di chúc. Yêu cầu của bà N. đã quá thời hạn 10 năm kể từ ngày phát sinh quyền thừa kế. Theo Nghị quyết 02/2004 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì di sản trên trở thành tài sản chung của các đồng thừa kế, được phân chia theo các quy định về tài sản chung… Do vậy, các bản án sơ thẩm đều bị tuyên hủy để khắc phục.

Ngoài ra, trong lúc thụ lý giải quyết lại, ngày 13-3-2014, TAND huyện Đất Đỏ bất ngờ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án với lý do… nguyên đơn không cung cấp được tài liệu, chứng cứ cho yêu cầu khởi kiện của mình. Quyết định này lập tức bị VKS cùng cấp kháng nghị và TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ra quyết định hủy vì không đúng pháp luật.

Trong lần xử sơ thẩm lần ba hồi tháng 10-2014, TAND huyện Đất Đỏ lại bác yêu cầu của bà N. và tiếp tục nhận định đây không phải là tài sản chung chưa chia và bà A. là người sử dụng đất hợp pháp. Bản án này đã bị VKS cùng cấp kháng nghị vì cho rằng tòa sơ thẩm xác định quan hệ tranh chấp không chính xác. Tuy nhiên, xử phúc thẩm lần này, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu không hiểu sao lại tuyên y án sơ thẩm.

Việc xác định quan hệ tranh chấp trong vụ án dân sự là điều rất quan trọng, vì nó liên quan đến việc áp dụng luật nội dung để giải quyết. Trong vụ này, VKS cấp sơ thẩm cho rằng tòa cùng cấp xác định sai quan hệ tranh chấp nên đã kháng nghị. Tòa phúc thẩm cũng có nhận định tương tự nên đã hai lần tuyên hủy án. Thế nhưng không hiểu sao đến lần thứ ba thì cấp phúc thẩm lại thay đổi quan điểm lạ lùng như vậy. Phải chăng lần này tòa trên đã nhượng bộ tòa dưới vì một lý do nào khác?!

ĐỨC TRÍ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm