Tòa trả hồ sơ vụ Ngân hàng Đông Á

Chiều 13-7, TAND TP.HCM không tuyên án như dự kiến mà quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ ông Trần Phương Bình và các đồng phạm gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB) hơn 8.800 tỉ đồng (còn gọi là đại án DAB giai đoạn 2).

Phiên xử bắt đầu từ ngày 23-6, trải qua nhiều ngày xét xử và kết thúc vào ngày 6-7, HĐXX bước vào giai đoạn nghị án. Chiều 10-7, HĐXX đã không tuyên án mà quyết định quay trở lại xét hỏi, tranh luận bổ sung đối với chứng cứ mới mà một luật sư của bị cáo đã trình trong giai đoạn đang nghị án.

Theo quyết định trả hồ sơ bổ sung của HĐXX do chủ tọa Phạm Lương Toản công bố, VKSND Tối cao cần làm rõ vai trò của chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vốn Thái Thịnh Nguyễn Thiện Nhân và các đối tượng liên quan đến khoản vay thiệt hại 3.139 tỉ đồng.

Trước đó, theo hồ sơ tố tụng, cơ quan điều tra (CQĐT) và VKS đã tách ra để xử lý hành vi của Nguyễn Thiện Nhân và nhóm khách hàng Hiệp Phú Gia sau. HĐXX cho rằng như vậy là chưa xem xét toàn diện, ảnh hưởng đến quyền lợi, nghĩa vụ không chỉ của các bị cáo mà còn các cá nhân, tổ chức có liên quan.

Ông Trần Phương Bình tại tòa. Ảnh: HY

Từ đó, TAND TP.HCM đề nghị VKSND Tối cao phải điều tra bổ sung làm rõ các yêu cầu nêu trên của HĐXX.

Cáo trạng giai đoạn 2, VKSND Tối cao xác định từ năm 2007 đến 2013, ông Bình đã chỉ đạo các bị can trong vụ án và những người liên quan khác thực hiện hành vi phạm tội gây thiệt hại cho DAB hơn 8.827 tỉ đồng. Trong đó, DAB cho bốn nhóm khách hàng vay gây thiệt hại lần lượt là 3.139 tỉ đồng, 393 tỉ đồng, 3.949 tỉ đồng...

Ông Bình còn đưa ra chủ trương và chỉ đạo DAB Chi nhánh quận 10 chuyển dư nợ các khoản vay của Công ty Tân Vạn Hưng và Doanh nghiệp tư nhân Kim Hiền về Sở Giao dịch DAB để cơ cấu.

Để tránh nợ xấu cho ngân hàng, ông Bình chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên tại Sở Giao dịch DAB cơ cấu các khoản vay vàng đến hạn thành dư nợ Việt Nam đồng và cho vay hai khoản vay mới không có tài sản đảm bảo.

Các bị cáo tiếp tục cơ cấu thành ba khoản vay của Công ty Tân Vạn Hưng và xác định khách hàng này không đủ khả năng tài chính trả nợ, các hợp đồng được tái cơ cấu đều quá hạn hơn một năm… Hành vi của ông Bình cùng các đồng phạm đã gây thiệt hại hơn 1.269 tỉ đồng.

Để có tiền sử dụng vào mục đích cá nhân và trả lãi cho các khoản vay, ông Bình nhờ người khác đứng tên vay ở DAB. Sau đó, ông Bình chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ, chứng từ thu, nộp khống chiếm đoạt của DAB hơn 75 tỉ đồng.

Ông Trần Phương Bình bị đề nghị án chung thân

Tại tòa, đại diện VKS khẳng định ông Bình (cựu tổng giám đốc, phó chủ tịch HĐQT, chủ tịch HĐTD DAB) có vai trò chủ mưu, cầm đầu trong hàng loạt vi phạm dẫn đến thiệt hại vô cùng lớn.

Từ đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt ông Bình tù chung thân về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, 20 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, tổng hợp hình phạt là chung thân.

Bị cáo khách hàng nhóm vay lớn Phùng Ngọc Khánh (chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty M&C) bị đề nghị mức án 18-20 năm tù do có bàn bạc thống nhất với ông Bình trong việc vay sai quy định. Các bị cáo khác được xác định là đồng phạm giúp sức cho ông Bình, đại diện VKS đề nghị xử phạt mức án từ hai đến tám năm tù.

Đáng chú ý trong phần tranh luận, hàng loạt đại diện các đơn vị có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt. Chủ tọa cho rằng những người này vắng mặt không lý do và đã tự từ bỏ quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp trước tòa.

Nói lời sau cùng trước tòa, ông Bình gửi lời xin lỗi các bị cáo khác nguyên là lãnh đạo, nhân viên DAB đã vì mình mà vướng vào lao lý. Bị cáo cũng xin HĐXX xem xét cho bị cáo hưởng mức án khoan hồng của pháp luật. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...