Tòa tối cao hướng dẫn việc tranh chấp nuôi con

Theo quy định tại khoản 3 Điều 208 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì “Đối với vụ án tranh chấp về nuôi con khi ly hôn hoặc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, thẩm phán phải lấy ý kiến của con chưa thành niên từ đủ bảy tuổi trở lên...

Như vậy, có được hiểu rằng chỉ những vụ án có tranh chấp về nuôi con mới lấy ý kiến của con? Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì: "...con từ đủ bảy tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con”. Vậy áp dụng quy định nào mới đúng?

TAND Tối cao đã hướng dẫn như sau:

Đoạn thứ 2 khoản 3 Điều 208 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Đối với vụ án tranh chấp về nuôi con khi ly hôn hoặc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, thẩm phán phải lấy ý kiến của con chưa thành niên từ đủ bảy tuổi trở lên, trường hợp cần thiết có thể mời đại diện cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em chứng kiến, tham gia ý kiến.

Việc lấy ý kiến của con chưa thành niên và các thủ tục tố tụng khác đối với người chưa thành niên phải bảo đảm thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người chưa thành niên, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, giữ bí mật cá nhân của người chưa thành niên”.

Điều 55 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 về thuận tình ly hôn quy định: “Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì tòa án giải quyết việc ly hôn”.

Khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: “Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ bảy tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con”.

Như vậy, theo các quy định nêu trên, để bảo đảm quyền lợi của người con, tòa án phải lấy ý kiến của người con, xem xét nguyện vọng của người con từ đủ bảy tuổi trở lên; phương pháp lấy ý kiến phải bảo đảm thân thiện với trẻ em. Tuy nhiên, tòa án phải căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của người con để quyết định giao cho một bên trực tiếp nuôi dưỡng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm