Tòa sơ thẩm không thụ lý, tòa phúc thẩm vẫn xử, có đúng luật?

Thế nhưng vẫn có vụ tòa phúc thẩm đã xử buộc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải trả tiền cho bị đơn, trong khi trước đó tòa cấp sơ thẩm không thụ lý, giải quyết, chẳng hạn như vụ kiện dưới đây.

Theo đơn khởi kiện của Công ty TNHH Phú Thành Long (trụ sở ở huyện Đại Lộc, Quảng Nam) nộp tại TAND thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), tháng 4-2011, công ty này ký hợp đồng mua bán than cám với Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại và Sản xuất Hòa Khánh (trụ sở ở thị xã Ninh Hòa). Công ty Phú Thành Long đã thực hiện hợp đồng theo đúng yêu cầu của Công ty Hòa Khánh, cụ thể là từ ngày 1-3-2011 đến ngày 26-5-2011 đã giao số lượng hàng trị giá gần 867 triệu đồng. Công ty Hòa Khánh đã thanh toán hai lần là gần 320 triệu đồng, còn nợ hơn 546 triệu đồng.

Sau đó, Công ty Phú Thành Long đã nhiều lần yêu cầu Công ty Hòa Khánh thanh toán nhưng không được nên khởi kiện yêu cầu TAND thị xã Ninh Hòa buộc Công ty Hòa Khánh phải trả 546 triệu đồng nợ gốc cộng với 100 triệu đồng tiền lãi tính từ ngày Công ty Hòa Khánh vi phạm thời hạn thanh toán (tháng 5-2011) đến ngày xét xử sơ thẩm.

Ra tòa, Công ty Hòa Khánh chỉ thừa nhận còn nợ Công ty Phú Thành Long hơn 185 triệu đồng, số tiền còn lại Công ty Hòa Khánh đã ký hợp đồng giao khoán cho ông Huỳnh Hữu Hiệt và bà Đặng Thị Ngọc Mỹ (cùng ngụ thị xã Ninh Hòa) nên hai người này có trách nhiệm phải trả.

TAND thị xã Ninh Hòa xác định ông Hiệt, bà Mỹ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Tháng 3-2015, tòa mở phiên xử sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, buộc Công ty Hòa Khánh phải trả cho Công ty Phú Thành Long hơn 646 triệu đồng, buộc Công ty Hòa Khánh phải nộp án phí sơ thẩm gần 30 triệu đồng. Về yêu cầu của Công ty Hòa Khánh với ông Hiệt, bà Mỹ, tòa không chấp nhận thụ lý, giải quyết và nêu rõ trong phần nhận định của bản án là nếu các bên có tranh chấp thì khởi kiện bằng một vụ kiện khác. Công ty Hòa Khánh kháng cáo. Tháng 8-2015, TAND tỉnh Khánh Hòa mở phiên xử phúc thẩm. Tại phiên xử, phía Công ty Phú Thành Long giữ nguyên yêu cầu khởi kiện. Đại diện VKS thì đề nghị HĐXX bác kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Tòa phúc thẩm nhận định cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là có căn cứ nhưng chưa xem xét trách nhiệm của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là chưa đảm bảo quyền lợi của bị đơn. Từ đó, tòa phúc thẩm vẫn tuyên buộc Công ty Hòa Khánh phải trả cho Công ty Phú Thành Long hơn 646 triệu đồng nhưng sửa án sơ thẩm, buộc ông Hiệt, bà Mỹ phải trả cho Công ty Hòa Khánh gần 426 triệu đồng. Cạnh đó, tòa buộc hai người này phải chịu án phí hơn 21 triệu đồng (bị đơn vẫn phải trả cho nguyên đơn hơn 646 triệu đồng thì tòa tuyên bị đơn chỉ phải chịu án phí gần 9 triệu đồng).

Sau phiên xử, ông Hiệt, bà Mỹ đã làm đơn khiếu nại giám đốc thẩm, cho rằng việc TAND tỉnh Khánh Hòa chấp nhận yêu cầu của Công ty Hòa Khánh đối với họ khi trước đó TAND thị xã Ninh Hòa không thụ lý, giải quyết là vượt quá phạm vi xét xử phúc thẩm, vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

Về tình huống pháp lý nói trên, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều chuyên gia cũng nhận xét đúng ra nếu không đồng tình với việc tòa sơ thẩm không thụ lý, giải quyết yêu cầu của bị đơn với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, tòa phúc thẩm cần hủy bản án sơ thẩm để yêu cầu tòa sơ thẩm giải quyết lại. Việc tòa phúc thẩm không hủy án mà xét xử luôn yêu cầu này vừa sai tính chất của xét xử phúc thẩm (chỉ giải quyết những phần mà tòa sơ thẩm đã giải quyết có kháng cáo, kháng nghị...), vừa xâm hại đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vì họ chỉ được một cấp xét xử (bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật ngay).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm