Tòa ra quyết định giúp đương sự tẩu tán tài sản

Bà Bùi Thị Ngọc Màu (35 tuổi, ngụ thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, Hậu Giang) phản ánh, bản án phúc thẩm dân sự của TAND tỉnh Hậu Giang buộc dì ruột của bà là DTMA phải trả cho bà hơn 409 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đó TAND huyện Vị Thủy đã ra quyết định công nhận thỏa thuận giữa bà A. và chồng cũ, giúp bà A. tẩu tán tài sản, không còn tiền để trả cho bà.

Tranh chấp khi nhà, đất bị giải tỏa

Theo bà Màu, bà A. và chồng cũ ly hôn vào cuối năm 2012. Tháng 10-2013, bà A. nhận chuyển nhượng phần đất nằm cập sông Nàng Mau (thị trấn Nàng Mau) với giá 35 triệu đồng. Do đất nằm trên hành lang an toàn giao thông đường thủy nên không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến tháng 2-2015, bà A. bán phần đất này cho bà Màu, trên đó có một căn nhà với giá 120 triệu đồng. Hai bên giao dịch bằng giấy tay.

Sau đó bà Màu bỏ thêm tiền cải tạo lại làm nơi kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát. Từ khi hai dì cháu chuyển nhượng cho nhau đến tháng 4-2018 không có ai tranh chấp.

Tháng 4-2018, UBND huyện Vị Thủy thực hiện dự án bờ kè nội ô thị trấn Nàng Mau thì phần nhà, đất trên của bà Màu bị giải tỏa trắng. Khi cơ quan chức năng tiến hành kiểm đếm đo đạc để tính giá trị bồi thường thì bà A. yêu cầu bà Màu trả thêm một số tiền và nền tái định cư. Do bà Màu không đồng ý nên bà A. và chồng cũ tranh chấp với bà Màu. Bà A. cho rằng nhà, đất trên là tài sản chung vợ chồng, sau khi ly hôn đã thỏa thuận giao lại cho chồng cũ và bà A. chỉ mượn sử dụng nhưng lại đem bán…

Bà Bùi Thị Ngọc Màu mong cơ quan tố tụng sớm giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm để trả lại quyền lợi hợp pháp cho bà. Ảnh: NHẪN NAM

Quyết định hòa giải thành “có vấn đề”

Sau đó bà Màu kiện ra tòa. Tháng 11-2018, TAND huyện Vị Thủy xét xử sơ thẩm vụ kiện tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng đất và nhà. Theo đó, tòa quyết định hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất giữa bà Màu và bà A. là vô hiệu. Mỗi bên phải chịu 50% lỗi. Bà A. phải bồi hoàn cho bà Màu 120 triệu đồng và 50% giá trị nhà, đất theo định giá, tổng cộng hơn 409 triệu đồng. Khi bà A. bồi thường cho Màu xong số tiền trên thì bà Màu trả lại nhà, đất cho bà A. Bản án sơ thẩm còn nhận định do chồng cũ bà A. không làm đơn yêu cầu độc lập nên không xem xét cho ông này (yêu cầu lấy lại căn nhà).

Sau đó cả ba người cùng kháng cáo. Tháng 5-2019, TAND tỉnh Hậu Giang xử phúc thẩm, bác kháng cáo của bà Màu, bà A., chấp nhận kháng cáo của chồng cũ bà A. Theo đó, tòa buộc bà A. phải trả cho bà Màu hơn 409 triệu đồng. Bà A. và chồng cũ được nhận giá trị bồi thường, hỗ trợ đối với phần nhà, đất đã bị thu hồi.

Ngày 11-7-2019, TAND huyện Vị Thủy ra quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa bà A. và chồng cũ. Theo đó, tòa công nhận việc bà A. đồng ý để ông TTC (chồng cũ bà) được quyền nhận toàn bộ giá trị bồi thường, hỗ trợ và tái định cư với số tiền gần 800 triệu đồng theo quyết định của UBND huyện Vị Thủy và bản án dân sự phúc thẩm nêu trên của TAND tỉnh Hậu Giang.

Bà Màu cho rằng chồng cũ bà A. không có đơn yêu cầu độc lập, không nộp tạm ứng án phí, tòa sơ thẩm đã không xem xét yêu cầu của ông này nhưng tòa phúc thẩm lại chấp nhận, như vậy có đúng pháp luật không? Sau bản án phúc thẩm, trong khi bà chưa nhận được tiền từ bà A. thì TAND huyện Vị Thủy đã thụ lý giải quyết vụ việc của bà A. và chồng cũ nhanh chóng. Cụ thể, theo quyết định công nhận thỏa thuận nêu trên thì cùng ngày 3-7-2019, tòa này vừa thụ lý hồ sơ vụ án, cho đương sự nộp tạm ứng án phí và ra biên bản hòa giải thành.

TAND huyện Vị Thủy hẹn trả lời sau

Ngày 28-8, chúng tôi đã liên hệ với TAND huyện Vị Thủy để tìm hiểu về việc ra quyết định công nhận thỏa thuận nêu trên và xin được gặp thẩm phán TTN, người ký quyết định.

Ông Phạm Văn Hùng, Quyền Chánh án TAND huyện Vị Thủy, cho biết: “Nhiệm vụ này thẩm phán đã được phân công giải quyết, tôi không thể can thiệp được”. Ông Hùng nói rằng do ông bận nhiều việc nên yêu cầu PV để lại nội dung yêu cầu trả lời rồi sẽ yêu cầu thẩm phán giải trình và sẽ trả lời cho báo sau. Ông Hùng cũng cho biết do thẩm phán N. đang đi học nên không thể gặp được. 

VKS tỉnh chỉ ra nhiều sai phạm

Theo tìm hiểu của Pháp Luật TP.HCM, ngày 9-8-2019, chồng cũ bà A. đã nhận toàn bộ gần 800 triệu đồng tiền mặt từ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Vị Thủy.

Trong tháng 8-2019, VKSND tỉnh Hậu Giang đã có thông báo về việc quyết định công nhận thỏa thuận nêu trên của TAND huyện Vị Thủy cần xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm gửi VKSND Cấp cao tại TP.HCM. Theo đó, VKSND tỉnh Hậu Giang cho rằng quyết định công nhận thỏa thuận có các vi phạm như ông C. có bản tự khai yêu cầu tòa án sơ thẩm giải quyết buộc bà A. giao toàn bộ quyền quyết định đối với số tiền gần 800 triệu đồng cho ông nhưng bản tự khai không ghi thời gian và địa điểm. Do vậy chưa đủ cơ sở pháp lý xác định quyền tự định đoạt của ông C. đối với yêu cầu khởi kiện của mình.

TAND huyện Vị Thủy không ra thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải mà ngày 3-7-2019 tòa án vẫn tiến hành lập biên bản về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và biên bản hòa giải, sau đó lập biên bản hòa giải thành là vi phạm khoản 1 Điều 208 BLTTDS 2015.

TAND huyện Vị Thủy biết rõ việc bà A. đang phải thi hành nghĩa vụ trả nợ cho bà Màu, nộp án phí và bà A. được hưởng giá trị phần tài sản chung với ông C. đối với số tiền gần 800 triệu đồng nhưng lại ra quyết định công nhận thỏa thuận giữa ông C. và bà A. như trên là vi phạm điểm b khoản 2 Điều 205 BLTTDS 2015. Trong khi đó, theo xác minh, bà A. không còn tài sản nào khác ngoài số tiền trên.

Theo VKSND tỉnh Hậu Giang, quyết định công nhận thỏa thuận nêu trên của TAND huyện Vị Thủy nhằm để cho bà A. trốn tránh thực hiện nghĩa vụ thi hành án, làm ảnh hưởng đến lợi ích Nhà nước và quyền lợi của công dân. VKSND tỉnh Hậu Giang báo cáo VKSND Cấp cao tại TP.HCM kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm theo hướng hủy quyết định công nhận thỏa thuận trên.

Án phúc thẩm cũng vi phạm tố tụng

Bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Hậu Giang vi phạm về tố tụng. Cụ thể là vi phạm quyền tự định đoạt của đương sự và vi phạm chế độ hai cấp xét xử của tòa án. Ở đây, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập nên tòa sơ thẩm không cho đóng tiền tạm ứng án phí, vì vậy mà yêu cầu của người liên quan không được tòa sơ thẩm xem xét. Trong khi đó, tòa phúc thẩm xem xét và chấp nhận yêu cầu của người liên quan làm mất đi quyền kháng cáo của các đương sự còn lại.

Quyết định công nhận thỏa thuận của TAND huyện Vị Thủy vi phạm tố tụng và vi phạm BLDS. Cụ thể là không đưa bà Màu tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Tòa cho nộp tạm ứng án phí, thụ lý và lập biên bản hòa giải thành cùng ngày là sai vì thông báo thụ lý phải quy định cho đương sự trong thời hạn 15 ngày có ý kiến đối với yêu cầu của nguyên đơn.

Luật sư TRẦN CHẤN HOÀNG, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...