Tòa phúc thẩm đặc biệt khoan hồng cho 4 bị cáo là trái luật?

Ngày 25-12, sau gần nửa tháng xét xử và nghị án, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên án phúc thẩm đối với vụ cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây thiệt hại 6.126 tỉ đồng xảy ra tại Ngân hàng (NH) Xây dựng Việt Nam - VNCB (nay gọi là CB Bank).

Phiên phúc thẩm được mở theo kháng nghị của VKSND Cấp cao tại TP.HCM và kháng cáo của Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch HĐQT NH Xây dựng), Phan Thành Mai (nguyên tổng giám đốc VNCB) cùng một số bị cáo khác.

HĐXX cho rằng về tội danh, cấp sơ thẩm tuyên phạt các bị cáo là có căn cứ, đúng quy định.

Bác toàn bộ kháng cáo của Phạm Công Danh

Đối với kháng cáo của bị cáo Danh đề nghị ghi nhận nguyên nhân xảy ra vụ án xuất phát từ hành vi vi phạm pháp luật của bà Hứa Thị Phấn và một số cá nhân có trách nhiệm điều hành NH Đại Tín, HĐXX cho rằng bối cảnh dẫn đến vụ án là có phần thiếu sót từ tình trạng yếu kém của NH Đại Tín khi ông Danh tiếp quản nhưng đây không phải là nguyên nhân cơ bản dẫn đến vụ án. Mặt khác, HĐXX cũng đã xem xét đến nguyên nhân, bối cảnh hành vi phạm tội của các bị cáo nên không có cơ sở chấp nhận.

Bị cáo Danh cho rằng việc tách vụ án ảnh hưởng đến việc quyết định hình phạt, HĐXX cho rằng đây là các vụ án độc lập, xử lý các hành vi độc lập nên không làm tăng nặng trách nhiệm hình sự của các bị cáo.

Đối với việc bị cáo Danh đề nghị thu hồi thêm một số khoản tiền ông Danh cho là vật chứng vụ án nhưng chưa thu hồi, HĐXX cho rằng không có cơ sở chấp nhận.

Đối với các kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của một số bị cáo, HĐXX cho rằng bị cáo Lê Đài tại tòa cung cấp thêm một số tình tiết giảm nhẹ mới, gia đình có công với cách mạng, là lao động chính trong gia đình, có con nhỏ…; bị cáo Trần Hiệp có ông nội là liệt sĩ, đang bị bệnh hiểm nghèo. Hành vi phạm tội của hai bị cáo với vai trò phụ thuộc, không đáng kể nên cần chấp nhận đối với kháng cáo của Đài và Hiệp, cho hai bị cáo hưởng án treo.

Các bị cáo còn lại xét thấy hậu quả là đặc biệt nghiêm trọng, mức hình phạt cấp sơ thẩm tuyên là tương ứng với hành vi phạm tội nên không có cơ sở giảm nhẹ.

Bị cáo Phạm Công Danh đang nghe tòa tuyên án. Ảnh: YẾN CHÂU

Tòa phúc thẩm đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng?

Đáng chú ý là tòa phúc thẩm đã bác tất cả kháng nghị của VKS, cho bốn bị cáo được hưởng sự khoan hồng đặc biệt.

Cụ thể, theo kháng nghị của VKSND Cấp cao, bản án sơ thẩm áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo đối với bốn bị cáo Nguyễn Thị Kim Vân, Hồ Thị Đi, Nguyễn Tấn Thành, Nguyễn An Vinh (cả bốn bị cáo đều bị tuyên ba năm tù treo) là trái với quy định pháp luật.

Về phần dân sự, VKS cũng kháng nghị cho rằng không có cơ sở thu hồi khoản tiền 4.500 tỉ đồng từ CB Bank để trả lại và khấu trừ hậu quả cho bị cáo Phạm Công Danh.

Tòa phúc thẩm nhận định xét về hành vi, các bị cáo Đi, Thành, Vinh phạm tội với vai trò phụ thuộc, mức độ phạm tội không đáng kể. Xét về thân nhân gia đình các bị cáo có công với cách mạng, hiện nay gia đình các bị cáo hết sức khó khăn. Do đó HĐXX đặc biệt khoan hồng, không buộc các bị cáo chấp hành hình phạt tù mà cho các bị cáo hưởng án treo.

Đối với bị cáo Vân đã bị xét xử tại giai đoạn 1 nhưng xét bị cáo thực hiện cùng loại tội phạm trong cùng vụ án, mức độ phạm tội có hạn chế, gia đình có công với cách mạng, hiện nay là lao động chính duy nhất nuôi con nhỏ nên không cách ly bị cáo ra khỏi xã hội, tạo điều kiện để bị cáo tiếp tục nuôi con.

HĐXX phúc thẩm cho rằng cấp sơ thẩm cho các bị cáo hưởng án treo như nêu trên là đúng với tính chất, mức độ phạm tội, nhân thân, vai trò của từng bị cáo. Xét nếu không tách ra xét xử thành hai giai đoạn thì các bị cáo này đủ điều kiện hưởng án treo nên cần giữ nguyên án sơ thẩm về mức hình phạt đối với các bị cáo này.

Tuy nhiên, nêu ý kiến về vấn đề này, ông Võ Văn Thêm, nguyên Phó Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM, khẳng định việc HĐXX vẫn cho bốn bị cáo hưởng án treo là trái luật.

Theo ông Thêm, tại Điều 3 Nghị quyết 02/2018 ngày 15-5-2018 của Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn áp dụng điều 65 của BLHS về án treo quy định rất rõ “không cho hưởng án treo đối với người đang được hưởng án treo bị xét xử về một tội khác thực hiện trước khi được hưởng án treo”. Nghị quyết này của chính Hội đồng Thẩm phán ban hành.

“Ở đây, bốn bị cáo trên, trong đại án VNCB giai đoạn 1 xét xử vào năm 2016 đã được tuyên hưởng án treo, nay tiếp tục bị xét xử về một tội khác nhưng vẫn được TAND TP.HCM áp dụng án treo là vi phạm điều luật nêu trên. Nó còn cho thấy pháp luật không nghiêm minh khi “treo chồng treo”.

Tôi rất cảm thông với hoàn cảnh của các bị cáo nhưng việc HĐXX phúc thẩm chỉ nhận định về tính chất, mức độ hành vi phạm tội, hoàn cảnh, nhân thân,… của bị cáo mà không đưa ra được quy định nào, lập luận nào để bác bỏ quan điểm của VKS là không thuyết phục. Phán quyết của tòa phải dựa trên các quy định của pháp luật chứ không thể chỉ dựa vào cảm tính.

HĐXX còn cho rằng “nếu không tách ra xét xử thành hai giai đoạn thì các bị cáo này đủ điều kiện hưởng án treo nên cần giữ nguyên án sơ thẩm về mức hình phạt đối với các bị cáo này” là mâu thuẫn với chính mình khi từng nhận định đây là hai vụ án độc lập, xét xử về những hành vi độc lập.

Trong trường hợp này (không bàn đến những nội dung khác), thiết nghĩ viện trưởng VKSND Cấp cao nên báo cáo về cấp trên có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án trên vì có những vi phạm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật, đảm bảo cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Có như vậy mới góp phần đấu tranh phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, xây dựng trật tự pháp luật ngày càng ổn định, văn minh, công bằng xã hội” - ông Thêm nói.

Trả 4.500 tỉ đồng cho Phạm Công Danh

Liên quan đến số tiền 4.500 tỉ đồng, HĐXX cho rằng số tiền mà 29 công ty vay được từ ba NH sau đó chuyển cho Danh sử dụng. Đây chính là đối tượng của tội phạm mà bị cáo Danh và đồng phạm hướng tới nên số tiền này mới là vật chứng vụ án cần thu hồi để trả cho CB Bank chứ không phải là số tiền mà CB Bank gửi tại ba NH và bị ba NH này tiến hành thu hồi nợ như ý kiến của VKS.

Mặt khác, HĐXX cho rằng không có chứng cứ nào xác định Danh đã sử dụng số tiền tăng vốn điều lệ cho cá nhân bị cáo. Số tiền này đã sử dụng cho CB Bank thì CB Bank phải chịu trách nhiệm như án sơ thẩm đã tuyên (án sơ thẩm buộc CB Bank phải trả lại 4.500 tỉ đồng cho bị cáo Danh, sau khi khấu trừ hơn 2.000 tỉ đồng, CB Bank chỉ cần phải trả lại hơn 2.000 tỉ đồng cho Danh) nên không chấp nhận kháng nghị của VKS đề nghị không thu hồi số tiền này cũng như kháng cáo của CB Bank.

Về kháng cáo của BIDV liên quan đến số tiền hơn 1.600 tỉ đồng, theo HĐXX đây là hai khoản vay vào năm 2012, trước thời điểm bị cáo Danh mua NH Đại Tín. Số tiền trên đã được tổng hòa chung vào nguồn vốn hoạt động của BIDV và dòng tiền này không còn lưu tại NH BIDV. BIDV là NH thương mại do Nhà nước nắm giữ 95% vốn điều lệ và hiện tại NH Nhà nước đang chỉ đạo NH hoàn thiện phương án cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Do đó, án sơ thẩm tuyên thu hồi và buộc BIDV trả lại cho CB Bank hơn 1.600 tỉ đồng là không đúng, ảnh hưởng đến hậu quả giao dịch của NH BIDV với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước nên cần chấp nhận kháng cáo của BIDV…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm