Tòa nói về việc 'giải mật' tài liệu vụ ông Nguyễn Hữu Tín

Sáng nay (26-12), phiên xử sơ thẩm vụ ông Nguyễn Hữu Tín (SN 1957, cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM) cùng các đồng phạm giao đất 15 Thi Sách (quận 1) cho Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 (do Vũ “nhôm" làm chủ tịch HĐQT) bắt đầu.
Ông Tín cùng bốn cán bộ cấp dưới Đào Anh Kiệt (cựu giám đốc Sở TN&MT TP), Trương Văn Út (cựu phó trưởng Phòng Quản lý đất đai thuộc Sở TN&MT TP), Lê Văn Thanh (cựu phó chánh Văn phòng UBND TP) và Nguyễn Thanh Chương (cựu trưởng Phòng Đô thị thuộc Văn phòng UBND TP) bị cáo buộc vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí (theo khoản 3 Điều 219 BLHS).

Chủ tọa phiên xử là thẩm phán Nguyễn Thị Hà. Ảnh: TRƯỜNG GIANG

Trong phần thủ tục, luật sư bào chữa cho bị cáo Kiệt nhắc lại kiến nghị giải mật một số văn bản, tài liệu có trong hồ sơ vụ án. Luật sư cho biết tới thời điểm này, luật sư chưa nhận kết quả giải quyết sau khi gửi kiến nghị từ cơ quan có thẩm quyền.
Đồng thời, luật sư đề nghị HĐXX cho biết rõ hơn về phạm vi tiếp cận hồ sơ, đặc biệt là những văn bản trong diện mật, tối mật. Vì các tài liệu mật này là cơ sở xác định sự thật khách quan của vụ án.

Hai luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hữu Tín. Ảnh: TRƯỜNG GIANG

Về vấn đề này, đại diện VKS cho rằng pháp luật có quy định về giải mật văn bản, tài liệu trong hồ sơ vụ án. Đây là phiên tòa xét xử công khai. Vì thế, tùy thời điểm thích hợp sẽ có một số văn bản tự động được giải mật, đó là những văn bản đề cập trong kết luận điều tra, cáo trạng.
Sau khi lắng nghe ý kiến các bên, chủ tọa phiên tòa cho rằng trước đó, tòa án có chuyển đơn kiến nghị liên quan đến việc giải mật một số hồ sơ, tài liệu trong vụ án đến cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết. Đến nay, tòa án chưa nhận về quyết định phản hồi từ những cơ quan trên.

Bị cáo Nguyễn Hữu Tín tại phiên xử sáng 26-12. Ảnh: TRƯỜNG GIANG

Chủ tọa lưu ý hồ sơ vụ án có một số tài liệu chưa được giải mật, đề nghị các luật sư trong quá trình bào chữa, tranh tụng không được làm lộ bí mật nhà nước, nếu vi phạm sẽ bị xử lý.
"Quá trình xét xử, tòa tiếp tục kiến nghị giải các văn bản mật và tối mật. Tuy nhiên, phần lớn các tài liệu quan trọng liên quan đến vụ án đã được thể hiện trong các bản kết luận điều tra và cáo trạng" - chủ tọa nói.
Về một số cá nhân, tổ chức vắng mặt tại phiên xử, HĐXX nhận thấy việc vắng mặt này không ảnh hưởng đến quá trình xét xử. Nếu cần thiết, HĐXX sẽ tiếp tục triệu tập hoặc sử dụng lời khai đã có trong hồ sơ vụ án.
Sau phần thủ tục, đại diện VKS công bố toàn văn cáo trạng cáo buộc các bị cáo. Hiện phiên tòa đã bắt đầu phần xét hỏi.

Phải xưng là bị cáo để giữ sự tôn nghiêm tại tòa

Cũng trong phần thủ tục, VKS có ý kiến buộc các bị cáo phải xưng bị cáo, không được xưng tôi để giữ sự trang nghiêm tôn trọng phiên tòa.

Về việc này, luật sư của ông Tín cho là phiên tòa tuân thủ sự điều khiển của chủ tọa. Tuy nhiên, pháp luật không cấm, việc xưng tôi hay bị cáo cũng không làm thay đổi bản chất vụ án nên đề nghị HĐXX chấp thuận cho phép xưng tôi hoặc bị cáo.

Thẩm phán chủ tòa cho biết trong phần đầu thủ tục, tòa phổ biến nội quy phiên tòa thì các bị cáo xưng là bị cáo và thưa HĐXX... nên yêu cầu phải xưng là bị cáo để giữ sự tôn nghiêm của phiên tòa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm