Tòa 'nhầm' giữa án treo và cải tạo không giam giữ?

VKSND Cấp cao tại TP.HCM vừa kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm của TAND TP.HCM xét xử hai bị cáo Đinh Ngọc Tuấn và Nguyễn Thanh Vũ về tội đánh bạc. Kháng nghị cho rằng: Hình phạt cải tạo không giam giữ nhẹ hơn hình phạt tù cho hưởng án treo.

Không đủ điều kiện treo nhưng cho cải tạo không giam giữ

Theo đó, đầu năm 2020, TAND huyện Bình Chánh xử sơ thẩm, phạt Tuấn và Vũ mỗi người sáu tháng tù về tội đánh bạc, phạt bổ sung mỗi người 20 triệu đồng. Nhiều bị cáo khác trong vụ án cũng bị tòa tuyên án tù. Sau đó Tuấn, Vũ và một số bị cáo khác kháng cáo xin hưởng án treo.

Ngày 27-4-2020, TAND TP.HCM xử phúc thẩm, chỉ chấp nhận kháng cáo của Tuấn và Vũ, chuyển hình phạt đối với hai bị cáo này thành 12 tháng cải tạo không giam giữ.

Ảnh minh họa

Kháng nghị cho rằng hai bị cáo phạm tội hai lần trở lên là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, thuộc trường hợp không được hưởng án treo theo Nghị quyết 02/2018 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Việc tòa phúc thẩm chuyển hình phạt thành cải tạo không giam giữ là không phù hợp, có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

Từ đó, kháng nghị đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM xử giám đốc thẩm theo hướng giữ nguyên hình phạt sáu tháng tù theo bản án của TAND huyện Bình Chánh.

Gần đây có nhiều vụ án tòa sơ thẩm cho bị cáo hưởng án treo, VKS kháng nghị vì bị cáo không đủ điều kiện để được hưởng án treo. Khi xét xử phúc thẩm, tòa phúc thẩm chấp nhận kháng nghị, tuy nhiên lại chuyển hình phạt đối với bị cáo sang cải tạo không giam giữ.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều ý kiến cho rằng việc bị cáo không đủ điều kiện hưởng án treo nhưng tòa sửa hình phạt cải tạo không giam giữ như trên là không đúng.

Làm mất đi ý nghĩa của hình phạt

Theo ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao, vụ án trên tòa phúc thẩm đã sai khi quyết định chuyển hình phạt sang cải tạo không giam giữ trong trường hợp bị cáo không đủ điều kiện hưởng án treo.

Ông Quế phân tích hình phạt trước hết là hậu quả pháp lý của tội phạm, là thước đo thái độ lên án của Nhà nước đối với cá nhân người phạm tội, là tiêu chí của công lý và công bằng xã hội. Hình phạt công minh là yếu tố tiên quyết, quan trọng để đảm bảo mục đích giáo dục. Việc áp dụng hình phạt phải đạt được mục đích mong muốn của pháp luật.

Căn cứ khoản 2 Điều 357 BLTTHS 2015 thì trường hợp này, nếu VKS kháng nghị đúng thì tòa phúc thẩm phải không cho hưởng án treo và phải chuyển sang án giam hoặc chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nặng hơn.

Thứ tự nặng nhẹ trong hình phạt đã được BLHS quy định rõ trong phân loại về hình phạt và các mức cấu thành trong các điều luật về tội phạm cụ thể.

“Người áp dụng pháp luật cần hiểu rằng hình phạt cải tạo không giam giữ nhẹ hơn hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo. Tòa đã nhận định không đủ điều kiện để hưởng án treo thì không có lý do gì để chuyển hình phạt thành cải tạo không giam giữ. Phán quyết của tòa như đã phân tích là trái nguyên tắc của tố tụng” - ông Quế nói.

Luật sư Nguyễn Văn Hồng, Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích thêm, nhà làm luật đã sắp xếp thứ tự của các loại hình phạt trong BLHS theo một trật tự nhất định từ nhẹ đến nặng, hình phạt sau nặng hơn hình phạt trước.

Chẳng hạn như các điều luật quy định về hình phạt của các tội phạm cụ thể đều sắp xếp thứ tự cấu thành từ nhẹ đến nặng, như từ hình phạt tiền đến cải tạo không giam giữ, rồi mới đến tù có thời hạn…

Theo thứ tự này, đối chiếu với quy định của khoản 1 Điều 32 BLHS thì hình phạt cải tạo không giam giữ nhẹ hơn hình phạt tù có thời hạn (có thể được cho hưởng án treo hoặc không tùy thuộc vào việc đáp ứng các điều kiện theo quy định).

Hơn nữa, điều kiện để được cho hưởng án treo khó hơn, hậu quả nặng hơn so với hình phạt cải tạo không giam giữ.

Ngoài ra, án treo theo hướng dẫn của TAND Tối cao thì không phải là hình phạt, mà là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. Điều kiện đó được quy định tại Điều 65 BLHS 2015 và Nghị quyết 02/2018 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.

Tuy nghị quyết này không có quy định nào về việc nếu không cho hưởng án treo thì buộc phải xử án giam nhưng thông qua nghị quyết, Hội đồng Thẩm phán đã tạo một sự căn bản. Nghị quyết không nhất thiết phải nói rõ hình phạt cải tạo không giam giữ nhẹ hơn án tù. Mà tinh thần này phải được hiểu như một quy định bản lề để tiếp tục nghiên cứu những vấn đề khác của luật.

Một số vụ tòa “quyết” tương tự

- Ngày 5-5-2020, TAND TP.HCM xử phúc thẩm vụ án con chủ nhà trộm tiền của người thuê phòng. HĐXX đã đồng tình với quan điểm kháng nghị của VKS rằng bị cáo không đủ điều kiện để được hưởng án treo. Tuy nhiên, HĐXX đã sửa án từ hai năm tù cho hưởng án treo sang hai năm cải tạo không giam giữ.

Phạm Thanh T. là con của chủ nhà trọ ở đường Tôn Thất Thuyết, quận 4, TP.HCM. Một buổi trưa, do trời mưa nên T. đi kiểm tra để đóng các cửa sổ phòng trọ. Nhìn thấy một phòng trọ trên lầu 1 không khóa cửa nên T. vào lục lọi, lấy được 30 triệu đồng. Xử sơ thẩm, TAND quận 4 phạt T. hai năm tù treo về tội trộm cắp tài sản. VKSND TP.HCM kháng nghị đề nghị sửa án theo hướng không cho hưởng án treo vì sau khi trộm cắp, bị cáo còn sử dụng trái phép chất ma túy, bị xử phạt hành chính.

- Ngày 11-1 vừa qua, TAND TP.HCM xử phúc thẩm vụ một nữ bị cáo về tội trộm cắp tài sản. Theo đó, bị cáo này có hai lần lấy trộm tiền và vàng của gia đình người em. Tháng 9-2020, TAND quận 6 phạt chín tháng tù, bị cáo kháng cáo xin được hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ.

Đại diện VKSND TP.HCM cho rằng mặc dù bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng bị cáo phạm tội hai lần nên không đủ điều kiện hưởng án treo theo hướng dẫn của TAND Tối cao. Tuy nhiên, tòa phúc thẩm đã sửa án, chuyển sang hình phạt chín tháng cải tạo không giam giữ. Tòa phúc thẩm viện lẽ bị hại xin cho bị cáo được hưởng án treo, bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nơi cư trú rõ ràng, hoàn cảnh gia đình khó khăn, đang ly thân chồng, có con còn nhỏ, việc cho bị cáo được cải tạo không giam giữ không gây nguy hiểm cho xã hội, không ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương, không cần cách ly khỏi xã hội. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm