Tòa muốn đình chỉ, VKS muốn truy tố

Theo hồ sơ, tối 25-12-2012, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí HTV (Đài Truyền hình TP.HCM) Nguyễn Ngọc Thư điều khiển ô tô lưu thông trên đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp, TP.HCM). Khi đến gần giao lộ Lê Đức Thọ - Phạm Huy Thông, do lách tránh xe ngược chiều nên xe của ông Thư đã tông liên tiếp vào hai xe máy rồi lao lên lề đường mới dừng lại được. Tai nạn xảy ra làm một người chạy xe máy là ông ĐNQ (chở con gái ngồi phía sau) bị thương nặng và tử vong tại bệnh viện. Người điều khiển xe máy còn lại là ông NĐT bị thương nhẹ.

Hủy hai bản án vì có sai lầm nghiêm trọng

Sau đó, Công an quận Gò Vấp đã khởi tố, bắt tạm giam ông Thư về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Đến tháng 4-2013, bị can này được cho tại ngoại. CQĐT xác định bị can lái xe trong tình trạng có sử dụng rượu bia nên không làm chủ được tay lái, đi không đúng phần đường.

Trong quá trình điều tra, phía bị can đã bồi thường tổn thất cho gia đình nạn nhân ĐNQ hơn 1,4 tỉ đồng và được gia đình nạn nhân làm đơn bãi nại, xin miễn trách nhiệm hình sự.

Bị can Nguyễn Ngọc Thư, người mà tòa cho rằng không phải chịu trách nhiệm hình sự do sự kiện bất ngờ. Ảnh: SN

Tháng 8-2013, TAND quận Gò Vấp xử sơ thẩm đã phạt bị cáo Thư ba năm tù về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Bị cáo kháng cáo nhưng TAND TP.HCM xử phúc thẩm đã tuyên y án sơ thẩm.

Giữa năm 2014, chánh án TAND Tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm vụ án theo hướng hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm. Tháng 3-2015, Tòa Hình sự TAND Tối cao đã họp phiên giám đốc thẩm, chấp nhận kháng nghị của chánh án TAND Tối cao, tuyên hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm, chuyển hồ sơ cho VKSND Tối cao điều tra lại vụ án.

Theo cấp giám đốc thẩm, hai bản án có thiếu sót và sai lầm nghiêm trọng. Cụ thể, căn cứ vào biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ vụ tai nạn cho thấy ông ĐNQ (người chạy xe máy đã tử vong) chạy xe không đúng phần đường quy định và chuyển hướng rẽ trái không đúng quy định, vi phạm Điều 9 và Điều 15 Luật Giao thông đường bộ. Việc hai cấp tòa đánh giá lỗi của ông Q. không phải là nguyên nhân gây ra tai nạn là chưa đầy đủ, chưa đánh giá đúng tính chất, chưa rõ mức độ lỗi của người bị hại đến đâu để xác định trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Thư được khách quan hơn. Tòa cấp phúc thẩm nhận định lỗi hoàn toàn thuộc về bị cáo là không đúng. Ngoài ra, hồ sơ cũng không thể hiện lúc bị tai nạn ông Q. có đội mũ bảo hiểm hay không.

Từ lỗi một phía thành lỗi hỗn hợp

Sau đó, VKSND Tối cao đã ủy quyền cho VKSND TP.HCM điều tra lại. Cơ quan này có văn bản yêu cầu Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM phải xác định điểm va chạm giữa ô tô của ông Thư với xe máy của ông Q. nằm trên đường Lê Đức Thọ hay đường Phạm Huy Thông nhằm xác định lỗi của hai bên.

Tháng 4-2016, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM có kết luận điều tra nêu: “Với hồ sơ hiện có, cơ quan CSĐT không đủ cơ sở xác định chính xác kích thước vị trí va chạm giữa ô tô với xe máy trên đường Phạm Huy Thông hay Lê Đức Thọ”. Tuy nhiên, khác với ban đầu, kết luận điều tra lần này xác định nguyên nhân chính của tai nạn là do lỗi hỗn hợp của ông Thư và ông Q. nhưng do ông Q. đã chết nên CQĐT không truy cứu trách nhiệm hình sự với ông này.

Sau đó, VKSND TP.HCM ra cáo trạng truy tố ông Thư về tội danh cũ và chuyển hồ sơ sang tòa.

Tòa: Sự kiện bất ngờ

Tháng 12-2016, TAND TP.HCM đã ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Tòa nhận định trong biên bản bắt người quả tang, ông Thư khai chạy xe trên đường Lê Đức Thọ, do lách tránh xe máy chạy ngược chiều nên đánh lái sang phải thì đụng vào xe máy của ông T. đang dừng chờ bạn gái mua bắp và tiếp tục đụng vào xe máy của ông Q. Lời khai này được ông T. và bạn gái xác nhận là đúng. Các lời khai này cũng phù hợp với biên bản khám nghiệm xe máy của ông T.

Theo biên bản và sơ đồ hiện trường thì vết cày cách mép đường phải đường Lê Đức Thọ (hướng Phan Văn Trị về Nguyễn Văn Lượng) là 0,8 m và cách xe máy của ông T. là 5,3 m. Như vậy, ông T. đã dừng xe máy không đúng quy định (dưới lòng đường và cản trở giao thông). Ông Q. điều khiển xe máy chở theo con gái lưu thông không đúng phần đường, chuyển hướng không đúng quy định như nội dung bản cáo trạng trang 348 ngày 18-8-2016 của VKSND TP.HCM nêu là có căn cứ.

Tòa chốt lại: “Với các tình tiết trên, xét thấy Nguyễn Ngọc Thư điều khiển ô tô trước thời điểm gây tai nạn liên tiếp bị tác động do lỗi trực tiếp của những người có liên quan cùng tham gia giao thông đã góp phần tạo nên tình huống, do đó có dấu hiệu của sự kiện bất ngờ quy định tại Điều 11 BLHS. Vì vậy đề nghị viện xem xét lại theo thẩm quyền”.

Tuy nhiên, đầu năm 2017, sau khi có kết luận điều tra lại lần thứ hai, VKSND TP.HCM tiếp tục ra cáo trạng giữ nguyên quan điểm truy tố ông Thư như ban đầu.

Ngày 16-6-2017, TAND TP.HCM lại ra quyết định trả hồ sơ lần thứ hai với nội dung yêu cầu VKS cùng cấp xem xét lại vụ án theo hướng áp dụng Điều 11 BLHS với ông Thư. Ngoài những phân tích giống quyết định trả hồ sơ lần đầu, tòa phân tích thêm hai điểm.

Thứ nhất, đối chiếu với hiện trường và thực tế thời gian, không gian xảy ra tai nạn là giờ cao điểm của đêm Giáng sinh 25-12-2012. Phần đường theo hướng ông Thư điều khiển ô tô lách tránh xe ngược chiều lấn tuyến nhưng ngay sau đó lại tiếp tục gặp hai tình huống vi phạm do lỗi của người điều khiển xe máy đi cùng chiều là ông T. và ông Q. nên mới tạo ra tai nạn như trên.

Thứ hai, mặc dù điều khiển xe có nồng độ cồn trong máu nhưng ông Thư đã đi một đoạn đường dài cũng như việc xử lý tình huống trước khi va chạm với xe của ông Q. cho thấy chưa đủ cơ sở cho rằng đây là nguyên nhân gây tai nạn.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ án này có diễn biến mới.

Sự kiện bất ngờ

Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội do sự kiện bất ngờ, tức là trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

(Theo Điều 11 BLHS) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm