Tòa mời buổi sáng nhưng tới chiều mới mở phiên xử

Như PLO đưa tin, theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, sáng 15-7, TAND tỉnh Bắc Giang mở lại phiên phúc thẩm đối với bị cáo Nguyễn Văn Toàn (51 tuổi, ngụ xã Đồng Tiến, huyện Yên Thế) về tội cố ý gây thương tích.

Đáng chú ý, dù quyết định nêu rõ phiên tòa sẽ bắt đầu làm việc vào lúc 7 giờ 30 sáng nhưng đến tận 9 giờ 35 vẫn không có thông báo gì. Được biết, trong ngày 15-7, hội trường xét xử số 2 của TAND tỉnh Bắc Giang diễn ra bốn phiên tòa khác nhau nên bị trùng lịch.

Điều đáng nói là các thành viên HĐXX cũng như thư ký phiên tòa không có thông báo nào cho luật sư (LS) và người nhà bị cáo, bị hại. Sau nhiều tiếng chờ đợi, các LS bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Toàn đã lập biên bản ghi nhận việc phiên tòa không được mở theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, rồi ra về.

Quyết định hoãn phiên tòa do tất cả các LS bào chữa cho bị cáo vắng mặt.

Phải đến 14 giờ 45 chiều, khi kết thúc vụ án thứ nhất, thẩm phán chủ tọa Ngô Quang Dũng mới thông báo bằng miệng cho mọi người trong phòng xử rằng sẽ còn hai vụ án khác mới tới vụ án Nguyễn Văn Toàn.

15 giờ 20 (sau gần 8 tiếng so với quyết định đưa vụ án ra xét xử), bị cáo Toàn được cảnh sát hỗ trợ tư pháp đưa tới bục khai báo, phiên tòa bắt đầu với phần làm thủ tục.

Tuy nhiên, thời điểm này, cả bốn LS bào chữa cho Nguyễn Văn Toàn đều vắng mặt. Theo trình bày của bà Lưu Thị Lan - vợ bị cáo, do chờ đợi quá lâu nhưng phiên tòa không được mở theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, cũng không có thông báo hoặc giải thích gì, nên tất cả luật sư đã ra về.

Đến lượt mình, bị cáo Toàn đề nghị hoãn phiên tòa vì không có luật sư bào chữa.

Lý giải về việc không thông báo có mở phiên tòa hay không, chủ tọa Ngô Quang Dũng cho biết tại hội trường xét xử số 2 có tổng cộng bốn vụ án khác nhau, tất cả đều được triệu tập vào lúc 7 giờ 30. Để có thông báo với từng vụ thì phải xong phiên tòa, chứ đang diễn ra thì không thể dừng để thông báo được.

Sau ít phút vào hội ý, HĐXX nhận thấy bị cáo có kháng cáo kêu oan, các LS bào chữa đều vắng mặt, để đảm bảo tính khách quan nên sẽ hoãn phiên tòa, mở lại vào ngày 6-8 tới đây.

Ngay khi quyết định của HĐXX được tuyên bố, cả bị hại và người nhà bị cáo đều bày tỏ sự bức xúc. Họ cho rằng phải ngồi chờ gần một ngày trời nhưng cuối cùng tòa lại hoãn. Họ đã phải dừng tất cả công việc, thuê xe để di chuyển từ huyện Yên Thế tới tòa lúc sáng sớm…

Một trong bốn LS bào chữa cho bị cáo Toàn không đồng tình với giải thích của chủ tọa. Bởi nếu có nhiều phiên tòa cùng diễn ra trong một phòng xử thì ít nhất HĐXX hoặc thư ký phiên tòa phải thông báo cho LS và người nhà được biết.

“Việc thông báo này sẽ chỉ mất đến một phút, có thể làm ngay ở thời điểm bắt đầu phiên tòa đầu tiên. Nhưng tòa đã không có bất cứ thông báo nào, kể cả khi chúng tôi đã gặp trực tiếp Chánh án để hỏi” – luật sư, nói.

Trong khi ông Thân Văn Quang, Chánh án TAND tỉnh Bắc Giang, cho biết do một ngày có thể cùng xử 4-5 vụ án, lẽ ra thư ký phải thông báo xử vụ nào trước vụ nào sau để mọi người biết và chờ.

Bị cáo kêu oan

Theo hồ sơ, Toàn cùng ông Vũ Văn Phong (51 tuổi) ký hợp đồng làm bảo vệ rừng cho một gia đình ở Yên Thế. Quá trình canh tác, giữa gia đình trên và ông Đặng Văn Trường (43 tuổi) xảy ra tranh chấp.

Khoảng 13 giờ ngày 24-1-2018, ông Trường ra rừng đi dọn đốt bãi. Tay trái ông cầm một con dao quắm, tay phải cầm mồi lửa để đốt cành cây củi, sườn trái đeo một con dao mũi bằng.

Lúc này, Toàn và ông Phong đến ngăn cản, không cho ông Trường làm. Ông Phong giằng co dao quắm khiến lưỡi dao va vào trán ông Trường chảy máu. Ngay sau đó Toàn lùi về phía sau, dùng một đoạn gậy gỗ vụt nhiều nhát vào vùng vai và cánh tay ông Trường. Kết luận giám định cho thấy ông Trường bị tổn thương với tỉ lệ 22% sức khỏe.

Ông Phong bị xử lý hành chính về hành vi xâm hại đến sức khỏe người khác, còn Toàn bị khởi tố, bắt tạm giam về tội cố ý gây thương tích. Tháng 3-2018, TAND huyện Yên Thế tuyên phạt Toàn 36 tháng tù giam, bị cáo kháng cáo. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm