‘Tòa hay hủy phán quyết trọng tài vô căn cứ’

Theo dự thảo báo cáo sơ kết, tính đến tháng 6-2014, cả nước có 33 đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, trong đó có bảy phán quyết trọng tài bị tòa hủy (chiếm tỉ lệ 22%). Dù vậy, ông Huỳnh vẫn nhận xét: “So sánh với các nước khác, Việt Nam vô địch về hủy phán quyết trọng tài”.

Theo ông Huỳnh, phán quyết trọng tài là đứa con tinh thần của các trọng tài viên. Khi xem xét vụ việc, các trọng tài viên đã phải vận dụng hết tâm huyết, kiến thức để đưa ra phán quyết hợp tình, hợp lý nhưng nhiều khi sau đó lại bị tòa hủy “không thương tiếc”. Đây là điều rất đáng tiếc khi các trung tâm trọng tài đang cố gắng đưa cho xã hội một phương thức giải quyết tranh chấp “minh bạch nhất, nhanh nhất, thuận tiện nhất”.

Theo Phó Chánh tòa Kinh tế TAND TP.HCM Nguyễn Công Phú, một trong những nguyên nhân khiến phán quyết trọng tài ở Việt Nam hay bị hủy là do “tư duy của thẩm phán Việt Nam không giống các nước”. Ở các nước, thẩm phán chỉ làm theo luật, rất công bằng, ít bị phản ứng. “Từ xưa giờ tôi chưa bao giờ hủy phán quyết trọng tài nhưng các thẩm phán khác thì tôi không ép được” - ông Phú nói.

Ông Phú đề nghị TAND Tối cao phải tổ chức tập huấn cho các thẩm phán để quá trình xem xét các phán quyết trọng tài được thực hiện đúng trình tự, đúng pháp luật. Ông Trần Hữu Huỳnh thì đề xuất TAND Tối cao có bộ phận giám sát việc thực thi phán quyết trọng tài, đồng thời nâng cao tính chuyên nghiệp của thẩm phán, đẩy mạnh tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các thẩm phán khi hủy hoặc từ chối công nhận phán quyết trọng tài.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, hiện nay việc cải cách thể chế, nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với công tác trọng tài, nâng cao năng lực trọng tài viên là yêu cầu cấp thiết. “Trọng tài là một dịch vụ kinh doanh. Nếu chúng ta không có các biện pháp thúc đẩy mạnh mẽ cơ chế trọng tài thì khi hội nhập, các trung tâm trọng tài nước ngoài sẽ vào chiếm lĩnh thị trường Việt Nam” - ông Ngọc nhấn mạnh.

CHÂN LUẬN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm