Tòa giữ hồ sơ, viện không thể kháng nghị

Tại một hội nghị do VKSND Cấp cao tại TP.HCM tổ chức mới đây, vấn đề cách nào VKS thuận lợi rút hồ sơ từ tòa án để nghiên cứu giám đốc thẩm và tái thẩm đã được nêu ra. Theo tìm hiểu thực tế, việc VKSND Tối cao không rút được hồ sơ từ tòa án như trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người dân.

Có hồ sơ thì hết thời hiệu kháng nghị

Năm 2019, Vụ 7 (VKSND Tối cao) từng có công văn gửi VKSND tỉnh Sóc Trăng thông báo đã nhận được báo cáo tháng 5-2018 của cơ quan này đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm vụ Trương Văn Hòa. Đây là vụ án được TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm vào tháng 3-2018 về tội sử dụng mạng máy tính, mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Vụ 7 đã ba lần có văn bản yêu cầu TAND Cấp cao tại TP.HCM chuyển hồ sơ vụ án. Tuy nhiên, đến đầu tháng 4-2019, tòa này mới chuyển, hậu quả là hết thời hạn kháng nghị.

Theo một thông báo khác của VKSND Tối cao, có sáu vụ án mà TAND Cấp cao tại TP.HCM không chuyển hồ sơ. “Vụ 7 đã yêu cầu tòa án (TAND Cấp cao tại TP.HCM - PV) đang quản lý hồ sơ chuyển những vụ án để xem xét việc kháng nghị theo thẩm quyền. Tuy nhiên, đến nay một số hồ sơ vụ án chưa được chuyển tới Vụ 7 và tòa án đang quản lý hồ sơ cũng không nêu lý do của việc không chuyển hồ sơ” - thông báo nêu.

Cụ thể, Vụ 7 đã hai lần yêu cầu tòa chuyển hồ sơ vụ án Võ Thái Bình (tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản) và vụ án Phan Thiên Hậu cùng đồng phạm (tội sử dụng trái phép tài sản).

Do đó, căn cứ vào các điều 376, 379, 401 BLTTHS, VKSND Tối cao cho biết thời hạn kháng nghị theo hướng không có lợi cho những người bị kết án đã hết. VKSND Tối cao không có hồ sơ để nghiên cứu theo thẩm quyền. Viện sẽ kiến nghị việc TAND Cấp cao tại TP.HCM có vi phạm BLTTHS trong việc chuyển hồ sơ vụ án hình sự.

Năm công dân trong vụ án cưa gỗ khô cùng luật sư trong một lần đi kêu oan. Ảnh: KT

Cách nào để khắc phục?

Ông Võ Văn Thêm, nguyên Phó Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM, nói: “Khi tôi còn đương chức, không bao giờ có chuyện chỉ dựa vào báo cáo của VKS địa phương mà VKSND Cấp cao ban hành kháng nghị, buộc phải rút hồ sơ lên để đọc hồ sơ chính. Đây là nguyên tắc”.

Theo ông Thêm, sở dĩ VKS cấp sơ thẩm ban hành kháng nghị mà không cần tới hồ sơ từ tòa án vì VKS đã theo dõi vụ án ngay từ giai đoạn đầu tố tụng đến khi tòa tuyên án. Giai đoạn này, VKS cũng chỉ có thời hạn trong vòng 15 ngày phải ban hành kháng nghị (Điều 337 BLTTHS).

Riêng kháng nghị phúc thẩm của VKS trên một cấp có thời hạn 30 ngày kể từ ngày tuyên án (Điều 337 BLTTHS). Đối với giám đốc thẩm, thời hạn một năm (nếu gây bất lợi cho bị cáo), còn nếu có lợi cho bị cáo thì là vô thời hạn.

Dùng quy chế ngành để xem xét trách nhiệm

Nếu vì một lý do nào đó để quá thời hạn chuyển hồ sơ để xem xét trình tự giám đốc thẩm thì cứ áp dụng theo quy chế của từng ngành xem xét trách nhiệm để kiểm điểm.

Ông VÕ VĂN THÊMnguyên Phó Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM

Lập biên bản để báo cáo Quốc hội

Khi VKSND Tối cao đã có văn bản yêu cầu chuyển hồ sơ nhưng chưa được đáp ứng thì viện nên cử cán bộ đến cơ quan đang giữ hồ sơ để nhận trực tiếp. Nếu tòa vẫn không đưa hồ sơ thì kiểm sát viên lập biên bản, yêu cầu tòa nêu lý do. Từ đó có cơ sở để báo cáo với Quốc hội, tìm hướng giải quyết.

Một kiểm sát viên cao cấp đã nghỉ hưu 

Viện trưởng VKSND Tối cao hoặc chánh án TAND Tối cao được quyền xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm đối với tất cả bản án của tòa sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm của TAND Cấp cao. Khi có đơn khiếu nại của đương sự đến viện trưởng VKSND Tối cao hoặc chánh án TAND Tối cao, hai cơ quan này được quyền yêu cầu các cơ quan xét xử án đã có hiệu lực pháp luật, buộc phải gửi hồ sơ lên xem xét theo trình tự giám đốc thẩm.

Cũng theo ông Thêm, có thời điểm hồ sơ ở cấp tỉnh và cấp huyện chuyển lên VKSND Cấp cao khá chậm. Những lúc đó ông phải dùng phương pháp tác động để tòa chuyển hồ sơ đúng theo luật định vì nếu để lâu, hết thời hạn giám đốc thẩm sẽ rất tội cho người dân.

Sau ba lần có văn bản nhắc nhở mà viện vẫn chưa nhận được hồ sơ, lần nhắc tiếp theo lãnh đạo viện sẽ có văn bản gửi đồng thời qua HĐND, MTTQ, đại biểu Quốc hội tỉnh của địa phương đó để ngầm cảnh báo về việc chậm trễ này. Cách làm khác là VKSND Cấp cao sẽ đề nghị VKS cấp dưới trực tiếp qua tòa tác động để rút hồ sơ lên.

Lãnh đạo VKS một tỉnh ở miền Tây kể đơn vị này có một vụ án khi xử sơ thẩm là tội buôn lậu, sau đó TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm về tội trốn thuế và tuyên bị cáo mức án bằng thời gian tạm giam. Trước đó, VKSND tỉnh có kháng nghị nhưng lại bị VKSND Cấp cao rút kháng nghị. Cho rằng tòa phúc thẩm xử không đúng tội danh nên VKSND tỉnh đã báo cáo về VKSND Tối cao.

Tuy nhiên, sau đó VKSND Tối cao lại có văn bản trả lời không rút được hồ sơ để xem xét nên đã hết thời hiệu kháng nghị. “Ngành chúng tôi xem việc kháng nghị là chỉ tiêu. Việc không rút được hồ sơ sẽ ảnh hưởng đến kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xét xử các vụ án hình sự” - vị này chia sẻ.

Có khi lại gặp “trục trặc” việc chuyển hồ sơ

Trong vụ án mà Pháp Luật TP.HCM thường gọi là vụ “cưa gỗ khô ở Kon Tum”, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng cũng không rút được hồ sơ do cấp tỉnh đã chuyển cho TAND Tối cao.

Nội dung vụ án, tháng 4-2016, kiểm lâm Phan Tiến Dũng để cho Lê Quốc Khánh, Nguyễn Ngọc Bình, Nguyễn Văn Thụ và Nguyễn Văn Bảy vào rừng đặc dụng Đăk Uy cưa 0,123 m3 cây gỗ trắc đã chết khô (trị giá hơn 19 triệu đồng). Theo quy định, hành vi của năm bị cáo chỉ có thể xử phạt hành chính theo Nghị định 157/2013. Dù vậy, hai lần xử sơ thẩm, TAND huyện Đăk Hà vẫn phạt năm bị cáo 11-15 tháng tù về tội trộm cắp tài sản.

Ngày 1-6-2018, TAND tỉnh Kon Tum xét xử phúc thẩm lần hai tuyên cả năm bị cáo không phạm tội. Sau đó, TAND Tối cao kháng nghị. Giữa năm 2019, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm đã hủy bản án phúc thẩm lần hai.

Tháng 8-2019, TAND tỉnh Kon Tum xử phúc thẩm lần ba thay đổi quan điểm, phạt các bị cáo về tội trộm cắp tài sản và chỉ giảm nhẹ hình phạt cho năm bị cáo (hai bị cáo phải đi thi hành án phạt tù, ba bị cáo được hưởng án treo). Các bị án tiếp tục có đơn kêu oan và đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm.

Tháng 10-2019, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã đề nghị TAND tỉnh Kon Tum chuyển hồ sơ vụ án để tòa này nghiên cứu theo thủ tục giám đốc thẩm. Tuy nhiên, TAND tỉnh cho biết đã chuyển hồ sơ cho TAND Tối cao.

Tương tự, tháng 11-2019 và mới đây là ngày 4-2, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng cũng có văn bản trả lời hồ sơ vụ án đã được TAND tỉnh chuyển cho TAND Tối cao. Điều trúc trắc khó hiểu là dù tòa tỉnh đã chuyển hồ sơ cho TAND Tối cao nhưng ngày 12-2, TAND Tối cao lại có văn bản đề nghị năm bị án cung cấp hồ sơ bản sao để tòa này xem xét. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm