Tòa đình chỉ vụ kiện giám đốc sở, VKS kháng nghị

Mới đây, viện trưởng VKSND TP Tây Ninh đã kháng nghị quyết định đình chỉ vụ ông Đặng Thanh Việt, nguyên phó giám đốc (PGĐ) Trung tâm Phát triển quỹ đất (PTQĐ), kiện Sở TN&MT tỉnh Tây Ninh của TAND TP này.

Theo đó, VKSND TP Tây Ninh đề nghị cấp phúc thẩm hủy quyết định nói trên của TAND TP Tây Ninh để tòa này giải quyết lại. Theo VKS, việc TAND TP Tây Ninh đình chỉ vụ kiện kèm theo hậu quả pháp lý là đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu tòa giải quyết lại vụ án là sai, làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của đương sự.

Yêu cầu phục hồi chức vụ

Trước đó, trong đơn khởi kiện, ông Việt trình bày: Tháng 2-2008, ông được tuyển dụng vào làm việc tại Sở TN&MT theo quyết định của Sở Nội vụ tỉnh. Tháng 3-2009, ông ký hợp đồng làm việc không thời hạn với Trung tâm PTQĐ (thuộc Sở TN&MT tỉnh). Bốn năm sau ông được bổ nhiệm giữ chức PGĐ Trung tâm PTQĐ theo quyết định của giám đốc Sở TN&MT tỉnh. Quá trình công tác, ông luôn hoàn thành nhiệm vụ, đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở năm 2013, 2014 và được nâng lương trước thời hạn năm 2015. Đến tháng 10-2015, giám đốc Sở TN&MT tỉnh ra quyết định cho ông tiếp tục giữ chức PGĐ Trung tâm PTQĐ với nhiệm kỳ năm năm.

Tuy nhiên, tháng 10-2016, ông Việt bị giám đốc Sở TN&MT tỉnh ký quyết định thi hành kỷ luật viên chức bằng hình thức buộc thôi việc với lý do có sai phạm, sau khi có đơn tố cáo.

Cho rằng quyết định buộc thôi việc này là không chính xác, ông Việt khởi kiện vụ án hành chính tại TAND tỉnh Tây Ninh nhưng bị từ chối và trả lại đơn vì tòa xác định quan hệ này là tranh chấp lao động. Ông Việt khiếu nại việc từ chối thụ lý thì bị TAND tỉnh bác đơn.

Sau đó, ông Việt khởi kiện vụ án tranh chấp lao động yêu cầu TAND TP Tây Ninh tuyên hủy quyết định kỷ luật, buộc Sở TN&MT tỉnh phải nhận ông trở lại làm việc, phục hồi chức vụ và thanh toán các khoản thu nhập từ khi bị nghỉ việc. Tháng 12-2016, TAND TP Tây Ninh ra thông báo thụ lý vụ kiện tranh chấp hợp đồng lao động của ông Việt và xác định giám đốc Sở TN&MT tỉnh là bị đơn.

Quang cảnh phiên tòa sơ thẩm ngày 29-9-2017. Ảnh: S.NGUYỄN

Tòa: Đình chỉ sau khi xét xử

Trước khi TAND TP Tây Ninh xử sơ thẩm, phía Sở TN&MT tỉnh có văn bản gửi tòa cho rằng mình không liên quan đến vụ kiện và tòa xác định sai quan hệ tranh chấp. Theo Sở TN&MT tỉnh, ông Việt ký hợp đồng lao động với Trung tâm PTQĐ, trong khi đây là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở và là một pháp nhân. Sở TN&MT tỉnh không ký hợp đồng làm việc với ông Việt nên nếu có tranh chấp thì là tranh chấp giữa ông Việt với Trung tâm PTQĐ. Quyết định của giám đốc Sở TN&MT tỉnh buộc thôi việc đối với ông Việt là đúng quy định của Luật Viên chức và các văn bản liên quan. Ông Việt chỉ có quyền khiếu nại quyết định này nhưng chưa làm.

Sau đó, TAND TP Tây Ninh từng mở phiên xử sơ thẩm. Trong phần thủ tục tại phiên xử này, đại diện Sở TN&MT tỉnh cũng đề nghị tòa xem lại thẩm quyền giải quyết vụ án nhưng sau khi vào hội ý, HĐXX khẳng định đã thụ lý đúng. Sau phần hỏi, HĐXX đã hoãn xử để hai bên đương sự cung cấp thêm chứng cứ.

Ngày 29-9-2017, TAND TP Tây Ninh mở lại phiên xử. Theo đại diện VKS, về tố tụng, việc tòa thụ lý vụ án lao động là đúng. Tuy vậy, sau phần hỏi và tranh luận khá căng thẳng, HĐXX vào nghị án rồi ra tuyên bố đình chỉ giải quyết vụ án.

Theo HĐXX, ông Việt là viên chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý được Sở TN&MT tỉnh bổ nhiệm và cơ quan này cũng là nơi ra quyết định kỷ luật viên chức với hình thức buộc thôi việc. Ông Việt khởi kiện vụ án lao động nhưng quyết định buộc thôi việc trong trường hợp này không phải là đối tượng khởi kiện vụ án lao động.

HĐXX còn cho rằng Điều 52 Luật Viên chức quy định khi viên chức vi phạm các quy định của pháp luật thì phải chịu bốn hình thức kỷ luật, trong đó có buộc thôi việc. Điều 20 Nghị định 27-2012 của Chính phủ (về xử lý kỷ luật viên chức) quy định viên chức khi bị xử lý kỷ luật có quyền khiếu nại các quyết định kỷ luật. Vì thế yêu cầu khởi kiện của ông Việt không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa. Ông Việt có quyền kháng cáo quyết định đình chỉ nhưng không có quyền khởi kiện yêu cầu tòa giải quyết lại vụ án.

VKS: Là đối tượng khởi kiện vụ án lao động

Theo quyết định kháng nghị của VKSND TP Tây Ninh, Điều 2 Luật Viên chức quy định viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo hợp đồng, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập.

Ở đây, ông Việt được tuyển dụng vào làm việc tại Sở TN&MT tỉnh, ký hợp đồng làm việc không thời hạn với Trung tâm PTQĐ và giữ chức PGĐ theo quyết định của giám đốc Sở TN&MT tỉnh. Như vậy, ông Việt là viên chức (lao động) có ký hợp đồng làm việc không thời hạn với Trung tâm PTQĐ. Sở TN&MT tỉnh là nơi quản lý viên chức đang công tác tại Trung tâm PTQĐ và Sở cũng là nơi ban hành quyết định kỷ luật viên chức.

Điều 32 BLTTDS quy định những tranh chấp về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án cũng bao gồm trường hợp này.

Như vậy, quyết định kỷ luật của giám đốc Sở TN&MT tỉnh Tây Ninh đối với ông Việt là đối tượng khởi kiện của vụ án lao động. Ông Việt có quyền khởi kiện. Việc chọn hình thức khởi kiện hay khiếu nại là quyền của ông Việt, luật không bắt buộc. Từ đó, VKSND TP Tây Ninh kháng nghị đề nghị TAND tỉnh xử theo hướng hủy quyết định đình chỉ của TAND TP Tây Ninh như đã nói.

Một số quy định liên quan

- Tranh chấp liên quan đến việc ký kết, thực hiện hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc được giải quyết theo quy định của pháp luật về lao động (theo Điều 30 Luật Viên chức 2010).

- Viên chức bị xử lý kỷ luật, bị tạm đình chỉ công tác hoặc phải bồi thường, hoàn trả theo quyết định của đơn vị sự nghiệp công lập nếu thấy không thỏa đáng thì có quyền khiếu nại, khởi kiện hoặc yêu cầu giải quyết theo trình tự do pháp luật quy định (theo khoản 6 Điều 56 Luật Viên chức 2010).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm