Tòa cho cựu phó thống đốc hưởng án treo có đúng luật?

Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, sáng 10-12, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên án vụ Đặng Thanh Bình, cựu phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các đồng phạm về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Đáng chú ý là việc cả năm bị cáo trong vụ án đều xin hưởng án treo nhưng HĐXX chỉ chấp nhận đối với hai bị cáo trên 60 tuổi, trong đó có cựu thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình.

HĐXX cho rằng xét chung với các bị cáo trên 60 tuổi, khi có điều kiện về nhân thân tốt, bị tuyên án mức hình phạt từ ba năm tù trở xuống thì nên vận dụng thêm các quy định trong Luật Người cao tuổi để áp dụng chế định án treo đối với các bị cáo. Trong năm bị cáo chỉ có hai bị cáo là Phạm Thế Tuân (sinh năm 1956) và Bình (sinh năm 1954) trên 60 tuổi nên HĐXX chỉ chấp nhận kháng cáo xin hưởng án treo của hai bị cáo Bình và Tuân.

HĐXX đang tuyên án. Ảnh: YC

Áp dụng Luật Người cao tuổi để cho treo là không đúng?

Nhiều chuyên gia cho rằng việc HĐXX vận dụng Luật Người cao tuổi để cho hai bị cáo Tuân và Bình hưởng án treo là không đúng.

Cụ thể, theo luật sư (LS) Trịnh Văn Hiệp, Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Quảng Nam, Điều 65 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù thì tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.

Điều kiện cho người bị kết án phạt tù được hưởng án treo được hướng dẫn cụ thể tại Điều 2 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15-5-2018.

"Người bị xử phạt tù có thể được xem xét cho hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Bị xử phạt tù không quá ba năm.

2. Có nhân thân tốt.

Được coi là có nhân thân tốt nếu ngoài lần phạm tội này, người phạm tội luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc.

Đối với người đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích, người bị kết án nhưng đã được xóa án tích, người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật mà thời gian được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 06 tháng, nếu xét thấy tính chất, mức độ của tội phạm mới được thực hiện thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc người phạm tội là đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo.

3. Có từ hai tình tiết giảm nhẹ TNHS trở lên, trong đó có ít nhất một tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại khoản 1 Điều 51 của BLHS và không có tình tiết tăng nặng TNHS quy định tại khoản 1 Điều 52 của BLHS.

Trường hợp có tình tiết tăng nặng TNHS thì số tình tiết giảm nhẹ TNHS phải nhiều hơn số tình tiết tăng nặng TNHS sự từ hai tình tiết trở lên, trong đó có ít nhất một tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại khoản 1 Điều 51 của BLHS.

4. Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục.

5. Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội".

Như vậy, theo LS Hiệp, việc HĐXX tách hai bị cáo trên 60 tuổi để nhận định rằng “xét chung với các bị cáo trên 60 tuổi, khi có điều kiện về nhân thân tốt, bị tuyên án mức hình phạt từ ba năm tù trở xuống thì nên vận dụng thêm các quy định trong Luật Người cao tuổi để áp dụng chế định án treo đối với hai bị cáo trên 60 tuổi” là không đúng quy định.

Bởi như đã viện dẫn ở trên, không có quy định nào nói rằng các bị cáo trên 60 tuổi thì được vận dụng chế định án treo so với các bị cáo có đủ điều kiện hưởng án treo nhưng dưới 60 tuổi. Luật Người cao tuổi cũng không có quy định nào nói về việc người cao tuổi (người từ đủ 60 tuổi trở lên) sẽ được ưu tiên hưởng án treo. BLHS chỉ quy định “Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên” là tình tiết để giảm nhẹ TNHS (điểm o khoản 1 Điều 51 BLHS).

Vì vậy LS Hiệp cho rằng tòa có quyền cho các bị cáo hưởng án treo nhưng phải dựa vào các quy định của BLHS, việc tòa vận dụng Luật Người cao tuổi để cho hai bị cáo hưởng án treo là sai.

Không phù hợp?

Đồng tình, Thạc sĩ Võ Văn Tài (giảng viên Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát TP.HCM) cũng cho rằng việc HĐXX vận dụng Luật Người cao tuổi cho hai bị cáo trên 60 tuổi hưởng án treo là không phù hợp với quy định tại Điều 51 và Điều 65 BLHS.

"HĐXX áp dụng như vậy còn tạo sự không công bằng đối với các bị cáo khác trong vụ án khi họ cũng đáp ứng được các điều kiện hưởng án treo nhưng lại không được hưởng án treo" - ThS Võ Văn Tài nói.

Cạnh đó, ThS Tài còn cho rằng: “Nếu cấp sơ thẩm đã xem xét đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ và không cho hưởng án treo thì lên cấp phúc thẩm muốn sửa án theo hướng giảm nhẹ tội hoặc cho hưởng án treo thì phải có thêm tình tiết giảm nhẹ mới. Nếu cấp phúc thẩm không chỉ ra tình tiết giảm nhẹ mới mà cấp sơ thẩm đã xem xét thì không có cơ sở để HĐXX phúc thẩm cho các bị cáo được giảm nhẹ hình phạt hoặc hưởng án treo".

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm