Tòa bắt đầu quá trễ, nhân chứng đợi không nổi bỏ về

Ngày 28-3, TAND huyện Củ Chi mở phiên tòa xử lưu động vụ án Nguyễn Văn Chiến, Huỳnh Tiến Sĩ (bị truy tố về tội cố ý gây thương tích) tại Cụm nhà văn hóa xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi.
Đúng 8 giờ sáng, bị cáo Chiến được công an dẫn giải đến tòa, bị cáo Sĩ được tại ngoại cùng một số nhân chứng, luật sư cũng có mặt. Tuy nhiên, HĐXX thông báo phải xử một vụ án khác nên yêu cầu tất cả mọi người liên quan trong vụ án Chiến, Sĩ… ngồi chờ.
Đến gần 11 giờ, HĐXX mới kết thúc phiên tòa trước, bắt đầu phiên tòa xử Chiến, Sĩ. Nhiều nhân chứng trong vụ án này chờ không nổi đã bỏ về. Theo đề nghị của đại diện VKS và luật sư, HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa. Thời gian mở lại phiên tòa sẽ được thông báo sau.
Theo cáo trạng, khoảng 14 giờ ngày 16-12-2016, Chiến đi ô tô tải cùng một số người khác vào bãi phơi phân bò của anh trai Chiến tại ấp Bàu Đưng, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi để lấy phân bò đi bán.
Khi xe đi vào đường cát cách chòi của anh trai Chiến khoảng 300 m thì bị Sĩ đi xe máy ngăn cản không cho vào vì sợ hư đường.
Chiến xuống xe đi bộ vào, Sĩ chạy vào chòi của mình lấy một con dao dọa sẽ chém Chiến. Lúc này em trai của Sĩ dùng ghế nhựa đánh Chiến. Chiến bỏ chạy thì bị Sĩ chém một nhát vào tay phải. Chiến lượm được một cái rựa nên quay lại tấn công Sĩ. Sau đó cả hai được đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Ngày 11-1-2017, Chiến đến công an xã tố cáo hành vi của Sĩ. Ngày 12-6-2017, Chiến bị bắt tạm giam để điều tra. Trong khi đó, Sĩ vẫn được tại ngoại.
Cáo trạng sau đó truy tố cả hai người cùng về tội cố ý gây thương tích.
Đáng chú ý, sau khi nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử lưu động, luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TP.HCM, bào chữa cho bị cáo Chiến) đã có đơn gửi đến TAND huyện Củ Chi, TAND TP.HCM, VKSND các cấp và Huyện ủy huyện Củ Chi kiến nghị không xét xử lưu động vụ án này. Đồng thời luật sư Dũng cũng đề nghị TAND huyện Củ Chi trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vì cho rằng vụ án còn nhiều khuất tất.
Theo nhiều chuyên gia, việc tiếp tục tổ chức phiên tòa lưu động là đi ngược với quan điểm của người đứng đầu ngành. Vì tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác ngành tòa án năm 2018, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã nhấn mạnh từ năm 2018 ngành tòa án sẽ dừng việc xét xử lưu động.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm