Tòa bác đơn kiện đòi thừa phát lại bồi thường

Như đã thông tin, tháng 5-2015, TAND huyện Hóc Môn tuyên buộc vợ chồng bà Phạm Thị Ánh phải trả bà Trinh hơn 240 triệu đồng. Bà Trinh yêu cầu Văn phòng TPL huyện Hóc Môn tổ chức thi hành án (THA).

Tháng 9-2015, Văn phòng TPL huyện Hóc Môn nhận được công văn trả lời của UBND xã Tân Thới Nhì rằng bà Ánh (người phải THA) có một căn nhà ở xã này, đã được cấp giấy tờ nhà. Văn phòng lại không ra quyết định ngăn chặn để đảm bảo THA nên bà Ánh bán được nhà cho người khác và cập nhật đăng bộ cuối tháng 10-2015.

Tháng 3-2016, Văn phòng TPL huyện Hóc Môn mới ra quyết định ngăn chặn đối với căn nhà. Cho rằng việc văn phòng ngăn chặn khi tài sản không còn thuộc quyền sở hữu của bà Ánh là sai, Cục THA dân sự TP.HCM đã yêu cầu trưởng văn phòng thu hồi, hủy bỏ quyết định ngăn chặn và quyết định cưỡng chế kê biên.

Do bà Ánh đã bán nhà, không còn tài sản để THA nên bà Trinh yêu cầu bồi thường nhưng Văn phòng TPL huyện Hóc Môn từ chối. Bà Trinh khởi kiện Văn phòng TPL huyện Hóc Môn ra tòa yêu cầu bồi thường gần 300 triệu đồng.

Tháng 8-2017, tại phiên xử sơ thẩm, đại diện VKSND huyện Hóc Môn cho rằng trong quá trình thực hiện dịch vụ, Văn phòng TPL huyện Hóc Môn đã để cho người phải THA bán tài sản duy nhất để đảm bảo THA nên không còn khả năng THA. Từ đó, đại diện VKS huyện đề nghị TAND huyện Hóc Môn buộc văn phòng này bồi thường cho bà Trinh. Tuy nhiên, TAND huyện Hóc Môn đã bác đơn khởi kiện của bà Trinh. Bà Trinh kháng cáo.

Bà Nguyễn Thuỵ Kiều Trinh sẽ yêu cầu giám đốc thẩm vụ án. Ảnh: NGÂN NGA

Đầu tháng 1-2018, TAND TP.HCM mở phiên xử phúc thẩm, bà Trinh yêu cầu hủy bản án sơ thẩm vì vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Bởi theo bà, đây là hành vi tẩu tán tài sản THA, vợ chồng người mua nhà là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng tòa sơ thẩm lại không đưa vào tham gia tố tụng.

Tòa phúc thẩm nhận định tại phiên tòa sơ thẩm, đương sự không đề nghị đưa những người mua nhà vào tham gia tố tụng và những người này cũng không liên quan đến vụ án nên cấp sơ thẩm không đưa vào là có căn cứ.

Theo tòa phúc thẩm, tháng 9-2015, UBND xã Tân Thới Nhì có văn bản phúc đáp nhưng không ghi đúng tên chồng bà Ánh mà ghi sai tên từ Hảo thành Hạo. Tháng 1-2016, Văn phòng TPL huyện Hóc Môn mới xác minh lại và nhận được nội dung: Căn nhà đã được chuyển nhượng vào tháng 10-2015. Theo Điều 44 Luật THA dân sự, trường hợp người phải THA chưa có điều kiện THA thì ít nhất sáu tháng một lần, chấp hành viên phải xác minh điều kiện THA. Ở đây việc xác minh của văn phòng TPL còn nằm trong thời hạn này nên văn phòng không có lỗi. Từ đó, tòa phúc thẩm đã bác kháng cáo của bà Trinh.

Sau phiên xử, bà Trinh cho biết sẽ khiếu nại giám đốc thẩm.

Cuối tháng 10-2017, trả lời PV Pháp Luật TP.HCM, Trưởng Văn phòng TPL huyện Hóc Môn Lê Hữu Hạnh thừa nhận văn phòng này có chậm trễ trong việc ra quyết định ngăn chặn đối với tài sản của bà Ánh. “Chúng tôi có khoảng hở ở chỗ khi có kết quả xác minh lại không ra quyết định ngăn chặn liền, để người phải THA bán xong tài sản mới ra quyết định ngăn chặn là quá chậm. Qua vụ này chúng tôi sẽ thành lập bộ phận chuyên biệt để giải quyết công việc liên quan đến THA” - ông Hạnh nói. Ông cũng cho biết: “Tuần này chúng tôi sẽ mời bà Trinh đến làm việc, xem xét chuyện bồi thường cho bà ấy”. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm