Tòa án, VKS… ở TP.HCM giữa cao điểm chống dịch

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Chánh Văn phòng VKSND TP.HCM Lê Ngọc Tiến cho biết: “Ngay sau khi có chỉ thị của Thủ tướng, VKS đã thông báo tổ chức quán triệt đầy đủ tinh thần, nội dung của chỉ thị và tổ chức thực hiện. Chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp không chấp hành yêu cầu trong phòng, chống dịch”.

Từ trung tuần tháng 3-2020, TAND TP.HCM đã thực hiện đo thân nhiệt ngay tại cổng tòa cho tất cả những người đến liên hệ công việc. Ảnh: HOÀNG YẾN

Làm tại nhà nhưng phải an toàn thông tin

Cụ thể, ông Lê Ngọc Tiến cho biết VKSND TP.HCM bố trí cán bộ, công chức, người lao động sử dụng công nghệ thông tin để làm việc tại nhà trong thời hạn 15 ngày (từ ngày 1 đến 15-4). Mọi trường hợp làm việc tại nhà phải đảm bảo mật và an toàn thông tin, tài liệu theo quy định của pháp luật và của ngành.

Đối với việc trực cơ quan trong giờ hành chính, các phó viện trưởng VKSND TP sắp xếp công việc để luân phiên mỗi ngày một người làm việc tại cơ quan. Các phó viện trưởng khác sử dụng công nghệ thông tin để điều hành công việc tại nhà.

Thủ trưởng các phòng 1, 2, 3 phân công mỗi ngày có một lãnh đạo phòng, một kiểm sát viên trung cấp và một kiểm sát viên sơ cấp hoặc kiểm tra viên, chuyên viên đến làm việc tại công sở.

Thủ trưởng các đơn vị còn lại phân công mỗi ngày có một lãnh đạo phòng và một công chức (có thể là kiểm sát viên trung cấp, kiểm sát viên sơ cấp hoặc kiểm tra viên, chuyên viên) đến làm việc tại công sở để giải quyết công việc phát sinh.

Ông Tiến cho biết viện trưởng VKSND quận, huyện chịu trách nhiệm nếu để cán bộ lây nhiễm do không chấp hành quy định phòng, chống dịch tại đơn vị. Các đơn vị chỉ bố trí nhân sự tối thiểu luân phiên trực nghiệp vụ, giải quyết, xử lý tài liệu mật, tài liệu khẩn và thực hiện các nhiệm vụ khác do viện trưởng VKSND TP giao.

“Viện trưởng đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và VKS 24 quận, huyện phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp cùng cấp để xử lý, giải quyết kịp thời các vụ, việc phát sinh nhằm phục vụ nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19, bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm” - ông Tiến nhấn mạnh.

Chỉ một số công chức tại Chi cục THADS quận Tân Bình, TP.HCM được phân công mới đến cơ quan làm việc. Ảnh: VĂN CẦN

Không vì dịch bệnh mà giam bị cáo lâu hơn

Ở TAND TP.HCM, ngay sau khi có chỉ thị của Thủ tướng và công văn của TAND Tối cao, Chánh án TAND TP.HCM Lê Thanh Phong đã yêu cầu cán bộ thuộc trường hợp làm việc tại nhà phải tập trung nghiên cứu pháp luật, nội dung vụ việc, sẵn sàng tiếp tục thực hiện việc xét xử, giải quyết án khi hết dịch.

Chánh tòa chuyên trách, trưởng các bộ phận trực thuộc TAND TP.HCM và chánh án TAND 24 quận, huyện tùy theo tình hình của đơn vị, phân công, bố trí cán bộ, công chức trực làm việc tại cơ quan. Đồng thời, các đơn vị này phải báo cáo cho TAND TP thông tin về công tác phòng, chống dịch bệnh trong đơn vị mình và diễn biến công việc hằng ngày vào lúc 16 giờ.

“Bắt đầu từ ngày 1-4, tòa chúng tôi sẽ bố trí một lãnh đạo tòa, một thẩm phán, hai thư ký đến cơ quan trực. Đối với thẩm phán có việc gấp về tố tụng cần phải xử lý ngay (như áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, phát hành án mà tòa đã xử và ra quyết định đòi hỏi phải trong thời hạn) thì mới vào cơ quan làm việc. Cán bộ còn lại sẽ làm việc tại nhà như nghiên cứu văn bản, luật…” - một lãnh đạo tòa chuyên trách chia sẻ.

Chia sẻ với PV, Chánh án TAND huyện Bình Chánh Đỗ Quốc Đạt cho biết tòa này bố trí ca trực gồm một lãnh đạo tòa, hai thẩm phán, hai thư ký, văn phòng và bảo vệ. Do hồ sơ không được mang về nhà nên cán bộ thay phiên nhau đến cơ quan nghiên cứu hồ sơ.

“Một số cán bộ, công chức có người nhà làm ở các cơ sở y tế, chúng tôi cũng nhắc nhở phải thật cẩn thận để phòng, chống dịch bệnh và sắp xếp cho ít vào cơ quan hơn. Cán bộ nữ mà đang mang thai thì cũng tránh tiếp xúc công dân, sắp xếp cho làm việc ở nhà” - ông Đạt nói.

Chánh án Đạt cho biết ông đã lưu ý các thẩm phán tuyệt đối tránh làm ảnh hưởng đến quyền lợi bị can, bị cáo trong những vụ án hình sự. “Đặc biệt, đối với bị cáo đang bị truy tố có khung hình phạt bằng với thời gian đang bị tạm giam hoặc thậm chí có thể cho hưởng án treo nhưng không vì dịch bệnh mà tòa tiếp tục tạm giam họ. Vì nếu được tòa xử sớm, biết đâu họ được mãn hạn tù sớm hoặc không phạm tội thì tòa tuyên không phạm tội chứ không thể chờ hết dịch mới đưa ra xét xử. Chúng tôi vừa đảm bảo việc phòng, chống dịch COVID-19 và phải thực hiện đúng quy định pháp luật” - ông Đạt nêu.

Cấp trên hạn chế tiếp xúc với cấp dưới

Ngay sau khi có thông báo của Tổng cục THADS và Cục THADS TP.HCM, Chi cục THADS quận 9 đã thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch COVID-19. Để tránh lây lan dịch bệnh, lãnh đạo Chi cục THADS quận 9 yêu cầu cán bộ phòng nào thì làm việc ở phòng đó, không được ăn uống chung với nhau. Cơ quan này cũng hạn chế cán bộ, công chức tiếp xúc trực tiếp với nhau. Chẳng hạn cấp dưới muốn trình ký văn bản thì chụp gửi qua email rồi gửi ở phòng tiếp công dân, lãnh đạo tự xuống lấy… 

Dành thời gian nghiên cứu hồ sơ

Tương tự, trong cao điểm chống dịch, ngành thi hành án dân sự (THADS) TP.HCM cũng đã bố trí công việc phù hợp để đảm bảo vừa chống dịch, vừa không để công việc ùn ứ.

Ngay trong ngày 31-3, ông Vũ Quốc Doanh, Cục trưởng Cục THADS TP.HCM, yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc ngành bố trí cho công chức, người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà. Cạnh đó, thủ trưởng các đơn vị còn phải chịu trách nhiệm phân công, theo dõi, giám sát việc thực hiện công việc của công chức, người lao động, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao, tăng cường trao đổi thông tin trực tuyến.

Các thủ trưởng phân công lãnh đạo trực cơ quan để xử lý các vấn đề phát sinh (nếu có), phân công người trực nhận văn bản đi, đến (nếu có)… để duy trì hoạt động, đảm bảo an toàn cho đến khi có thông báo mới của cơ quan có thẩm quyền…

Ở Chi cục THADS quận Tân Bình, trước đây cơ quan THA phải đi cơ sở để xác minh, nay chấp hành viên chủ yếu làm việc ở nhà, dành thời gian nghiên cứu hồ sơ. Việc gì cần xin ý kiến của lãnh đạo thì gửi qua email. Đây cũng là một trong những đơn vị được đánh giá cao về việc tận dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội… để hướng dẫn người dân làm thủ tục, hồ sơ THA nhanh chóng, an toàn và tiện lợi nhất mà không cần đến trực tiếp tại trụ sở.

Tất cả phiên tòa đều phải hoãn

Ngày 6-4, theo ghi nhận, lực lượng bảo vệ TAND TP.HCM tiếp tục thực hiện việc kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang và sát khuẩn tay trước khi vào tòa. Công việc này được triển khai từ khi có chỉ thị hỏa tốc (ngày 10-3) của Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình làm việc trong hoàn cảnh phòng, chống dịch COVID-19. 

Những ngày đầu tháng 4, dù lịch xử đã được ấn định trước đó nhưng các phiên tòa đều được hoãn. Nhiều cán bộ, công chức, người lao động tận dụng công nghệ thông tin  làm việc ở nhà, số còn lại thì làm ở cơ quan, theo tinh thần chỉ đạo của TAND Tối cao.

Tòa tiếp tục tạm dừng việc nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, tài liệu chứng cứ và tiếp công dân trực tiếp tại trụ sở (chỉ nhận qua đường bưu điện). Tòa cũng tiếp tục tạm dừng việc cấp tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng và các tài liệu chứng cứ cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp (làm qua dịch vụ bưu chính, qua phương tiện điện tử…).

HOÀNG YẾN 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm