Tính trách nhiệm của cán bộ từ vụ cụ ông 102 tuổi

Hành trình nhọc nhằn trong việc thi hành bản án của cụ ông 102 tuổi Đặng Hoàng Tây cho thấy vẫn còn tình trạng né tránh, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ.
Trong công tác thi hành án dân sự (THADS) hiện có luật và các nghị định hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục nhưng cơ quan THA lại thiếu quyết liệt để thực hiện nhiệm vụ được giao.
Để có được kết quả tòa phúc thẩm tuyên thắng, cụ Tây đã trải qua nhiều thời gian với hành trình vất vả và có lẽ không ít lần cụ phải đấu tranh với bản thân vì người mà cụ khởi kiện chính là con ruột. Ấy vậy mà sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực, một lần nữa cụ Tây phải nhọc nhằn với quá trình THA ở những năm tháng cuối đời. 
Tháng 8-2020, cụ Tây yêu cầu THA thì một tuần sau đó Chi cục THADS huyện ra thông báo từ chối THA và hướng dẫn đến gặp chi nhánh văn phòng ĐKĐĐ huyện. Cụ Tây làm theo nhưng nơi đây lại kêu chờ vì lý do phải “đợi thỉnh thị ý kiến cấp trên”.

Cụ Đặng Hoàng Tây trên hành trình đòi lại quyền lợi chính đáng của mình. Ảnh: ANH HÀO 

Tại các cơ quan mà chúng tôi đến liên hệ, cán bộ đều có lý lẽ để giải thích cho việc từ chối yêu cầu của cụ Tây. Cơ quan THA thì cho rằng đây là việc của văn phòng ĐKĐĐ, còn lãnh đạo văn phòng ĐKĐĐ thì bảo rằng để thi hành bản án phải xuất phát từ cơ quan THA. Trong khi theo các quy định tại Luật THADS, khi nhận được yêu cầu thi hành bản án, cơ quan THA phải ra quyết định THA và có văn bản đề nghị các bên liên quan thực hiện (nếu đã có quy chế phối hợp). 
Trong vụ này, đúng ra Chi cục THADS huyện phải ra văn bản yêu cầu con trai của cụ Tây nộp lại giấy chứng nhận QSDĐ, rồi giao lại cho văn phòng ĐKĐĐ huyện để tiến hành thu hồi và cấp mới giấy chứng nhận cho cụ. Thế nhưng không hiểu sao cơ quan THA huyện lại đẩy trách nhiệm sang văn phòng ĐKĐĐ cùng cấp để nơi đây lúng túng giải quyết, phải xin ý kiến cấp trên và kêu chờ. 
Vụ việc của cụ Tây có thể chỉ là một trong nhiều vụ việc mà có sự đùn đẩy trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền đối với hoạt động công vụ trong lĩnh vực của mình. 
Cần nói thêm rằng kết quả công tác THADS tỉnh Hậu Giang năm 2020 không đạt hai chỉ tiêu cơ bản được Quốc hội, Bộ Tư pháp giao và bị xếp loại D. Theo đánh giá, nguyên nhân chủ yếu là sự non kém về nghiệp vụ của cán bộ trong ngành dù đã được đưa đi tập huấn, bồi dưỡng.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, cán bộ của cơ quan nhà nước cần có đủ tâm và tầm, trong đó sự quyết đoán, vận dụng đúng và đủ các quy định của pháp luật chính là yếu tố quyết định. Nếu cán bộ e dè, sợ trách nhiệm và đẩy trách nhiệm thì sẽ làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào cơ quan công quyền nói chung và ngành THA nói riêng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm