Tình máu mủ ruột rà sao bằng căn nhà tiền tỷ...

Mẹ già hơn 80 tuổi đứng đơn khởi kiện đứa con gái lớn sau nhiều lần đòi lại nhà bất thành. Vì tuổi già sức yếu, cụ không đến tòa mà ủy quyền cho một người con khác làm đại diện. Cuộc đấu lý giữa những người con tại phiên tòa phúc thẩm tại TAND TP.HCM căng thẳng khiến người ngồi ghế thẩm phán xét xử đau lòng. 

Mất tình máu mủ, ruột rà

Cụ NTY (sinh năm 1933) kiện yêu cầu tòa hủy hợp đồng tặng cho căn nhà trong hẻm đường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM giữa vợ chồng cụ và con gái lớn NMK. Cụ Y. cho rằng vợ chồng mình đã bị lừa dối trong việc thực hiện giao dịch này.

Trong đơn kiện và các bản khai, cụ Y. trình bày hai cụ có năm người con (ba gái, hai trai). Căn nhà trên do vợ chồng tạo lập và được cấp giấy chứng nhận vào năm 2007. Sau đó hai cụ xây dựng lại căn nhà, tăng diện tích sử dụng và được cấp giấy mới vào tháng 5-2015.

Khi vợ chồng cụ đã già yếu, cụ ông bị lẫn (sau đó tòa tuyên mất năng lực hành vi dân sự - PV) thì người con gái lớn là bà K. nói là phải chuyển quyền sở hữu nhà cho mình vì sợ Nhà nước thu hồi. bà K. nói hai cụ làm hợp đồng tặng cho mình, sau đó bà sẽ chia đều lại cho các em. Về người làm chứng trong hợp đồng tặng cho thì cụ Y. khai là do bà K. sắp xếp, mọi thủ tục đều do bà K. sắp đặt. Sau khi tặng cho nhà thì cụ Y. mới biết những thông tin mà bà K. nói là không đúng sự thật. Cụ đã yêu cầu bà K. phải chuyển trả lại căn nhà nhưng không kết quả.

Bị khởi kiện, bà K. cho rằng những người em đều có quốc tịch và cư trú tại Mỹ, không có điều kiện để về Việt Nam thường xuyên nên chỉ có bà chăm sóc cha mẹ. Ngoài thời gian và công sức chăm sóc thì bà còn bỏ ra rất nhiều tiền để lo cho cha mẹ.

Hai cụ biết và hiểu rõ tính bà không tham lam, không tính toán nên mới có ý tặng cho bà căn nhà đang ở để bù trừ vào các chi phí bà đã chi trả, gồm cả việc bà đã tu bổ, gia cố, sửa chữa và xây cất thêm. Ngoài ra, khi hai cụ làm thủ tục tặng cho nhà là hoàn toàn tự nguyện, minh mẫn, sáng suốt và không có ai ép buộc.

Vì thế, bà K. không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn vì việc tặng cho căn nhà là tự nguyện, không ép buộc, lừa dối.

“Hãy vì cha mẹ…”

Phiên tòa không có mặt cụ Y. mà bà A., một người con gái khác của cụ, làm đại diện cho nguyên đơn. Diễn biến tại tòa khá căng thẳng khi hai bên đương sự không ngần ngại chỉ trích, nói xấu nhau. Vị chủ tọa đã phải nhắc nhở các đương sự cũng như luật sư không dùng những từ ngữ hình sự và nói xấu nhau vì đây là phiên xử dân sự.

Bà K. luôn miệng đòi phải có cụ Y. tại tòa để kiểm chứng ý chí, để HĐXX đánh giá xem bà có phải là người lừa đảo hay không. Bà K. cũng khẳng định chỉ giữ giùm tài sản cho cha mẹ, không giành giật, chiếm đoạt mà chỉ là quản lý sử dụng. Chỉ khi vị thẩm phán hỏi: “Theo bà, đưa cha mẹ đến nơi pháp đình để các con nói này nói khác là tốt hay xấu?” thì bà K. mới tạm yên. Luật sư của bị đơn thì đề nghị tòa phúc thẩm hủy án để tiếp tục hòa giải gia đình.

Trong khi đó, đại diện nguyên đơn là bà A. phản bác cho rằng ý kiến muốn gặp cha mẹ của bà K. là không đúng. Bà A. cho rằng giai đoạn TAND quận 3 giải quyết sơ thẩm, cha mẹ đã đến tòa hai lần nhưng bà K. đã cố tình không đến tòa mà chỉ có luật sư và người đại diện theo ủy quyền. “Cha mẹ già yếu, đi xe hai tuyến đường dài từ Bình Dương lên tòa nhưng chị không có mặt. Lần thứ ba không gặp được chị, mẹ hỏi: “Đi tới chừng nào nữa con, làm khổ cha mẹ thế này”” - bà A. kể.

Nghe đôi bên tranh luận không có điểm dừng, vị chủ tọa cắt lời, nói: “Tại sao các đương sự phải căng thẳng làm gì, có vụ thừa kế phức tạp nhiều dòng con, chúng tôi vẫn có thể hòa giải được. Mình hãy vì cha mẹ bỏ qua hết những chuyện quá khứ để cha mẹ yên ổn, đừng bên nào nói xấu nữa. nói với tòa, tòa cũng không giải quyết được…”.

Nhưng rồi cuộc đấu lý lại tiếp tục. Vị chủ tọa lại phải lên tiếng: “Hai bên không nên nói xấu nhau nữa, cùng là con do cha mẹ sinh ra mà…”. Chủ tọa cho biết khi đọc hồ sơ này, bà cảm thấy rất đau lòng vì hai bên đương sự cùng là ruột rà với nhau. Khi cha mẹ đã già yếu, thay vì làm điều tốt đẹp để họ được sống những ngày cuối đời yên ổn thì lại tranh chấp nhau. “Nếu không có căn nhà này thì sao? Các anh chị đâu có thiếu tiền, không khó khăn. Các anh chị đều là người khá giả, đi nước ngoài, ăn học thành ông này bà kia, cái gì của cha mẹ thì hãy trả lại cho họ…” - vị chủ tọa phân tích.

Phiên tòa bỗng chùng xuống, các đương sự cúi đầu. Lúc này chỉ còn giọng của vị thẩm phán khiến họ phải suy nghĩ: “Vì căn nhà mất hết tình cảm có đáng không? một giọt máu đào hơn ao nước lã. Đâu chỉ có đời các anh chị, còn đời con, đời cháu, đời chắt. Đừng vì những mâu thuẫn, chấp nhặt. Hãy bỏ qua vì cha mẹ không còn sống được bao lâu nữa…”.

Cuối cùng tòa phúc thẩm tuyên buộc bà K. trả lại giấy tờ nhà đất trên cho cụ Y.

Tòa sơ thẩm cũng thuận tình, đạt lý

Xử sơ thẩm, TAND quận 3, TP.HCM tuyên chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Theo tòa, ý chí của các bên đều là giữ giùm nhà chứ không phải tự nguyện tặng cho nhà. Do thiếu hiểu biết pháp luật, tin tưởng lời bà K. chỉ giữ giùm nhà nên vợ chồng cụ Y. đã ký hợp đồng tặng cho nhà. Vì thế cụ Y. có yêu cầu hủy hợp đồng tặng cho. Mặt khác, ngày 5-5-2015 vợ chồng cụ Y. mới được cấp giấy tờ nhà nhưng từ ngày 27-3-2015 bà K. đã ủy quyền cho chồng nhận tặng cho nhà, chứng tỏ bà K. đã có chuẩn bị, tính toán từ trước…

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm