Tiền gửi ngân hàng bị lấy mất, ai bồi thường?

Mới đây, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã chấp nhận kháng cáo, sửa án phần trách nhiệm bồi thường trong vụ án Đặng Thị Nguyệt Thu, nguyên kế toán trưởng Công ty Cacao Việt Nam Chi nhánh TP.HCM, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đáng chú ý là quan điểm của hai cấp tòa có sự khác nhau về trách nhiệm bồi thường số tiền đối với các ngân hàng (NH).

Chiếm đoạt tiền từ ngân hàng

Theo hồ sơ, lợi dụng nhiệm vụ kế toán trưởng Công ty Cacao, từ tháng 11-2007 đến tháng 8-2013 Thu sử dụng nhiều thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của công ty. Cụ thể, Thu đã giả chữ ký chủ tài khoản trên các ủy nhiệm chi, lệnh chi, séc... ghi khống nội dung rồi thực hiện các giao dịch tại bốn NH để chuyển tiền từ Công ty Cacao đến các tài khoản người quen để chiếm đoạt.

Thu đã lập các ủy nhiệm chi tại NH 1 chiếm đoạt của công ty 754 triệu đồng; tại NH 2 chiếm đoạt 832 triệu đồng; tại NH 3 chiếm đoạt gần 1,1 tỉ đồng và tại NH 4 chiếm đoạt gần 1,4 tỉ đồng.

Tính đến khi bị phát hiện, Thu đã chiếm đoạt trên 4 tỉ đồng của Công ty Cacao. Trong đó bị cáo sử dụng 800 triệu đồng để thanh toán cho các đối tác của công ty. Do đó Thu phải chịu trách nhiệm hình sự đối với số tiền 3,2 tỉ đồng.

Níu áo ngân hàng

Xử sơ thẩm tháng 8-2015, TAND TP.HCM tuyên phạt Thu 18 năm tù, về dân sự buộc bị cáo bồi thường cho Công ty Cacao số tiền đã chiếm đoạt.

Không đồng tình về phần dân sự, Công ty Cacao kháng cáo cho rằng số tiền đang trong tài khoản NH bị chiếm đoạt thì có trách nhiệm của các NH trong quá trình “gác cửa” giữ tiền của công ty.

Đầu năm 2016, TAND Cấp cao chấp nhận kháng cáo, xử hủy phần dân sự, trả hồ sơ để TAND TP.HCM xem xét lại và làm rõ trách nhiệm của các NH liên quan trong vụ án.

Tuy nhiên, xử sơ thẩm lại, TAND TP.HCM vẫn giữ nguyên quan điểm ban đầu, cho rằng hành vi của bị án Thu (bản án phần tội danh và mức án của bị cáo đã có hiệu lực) diễn ra trong một thời gian dài nhưng công ty hoàn toàn không kiểm tra, giám sát và không phát hiện ra sai phạm trong các thủ tục chi, thanh toán, tất cả phó mặc cho bị án. Chính từ sự quản lý lỏng lẻo, Thu đã sử dụng các chứng từ được giám đốc ký khống để đến NH thực hiện các giao dịch. Thậm chí, Thu còn giả chữ ký giám đốc trên 60 chứng từ. Chữ ký giả của Thu giống y thật và chỉ bị phát hiện là giả khi giám định tại cơ quan chuyên môn.

Hơn nữa, chữ ký giả được đóng xác nhận bởi con dấu thật của công ty đã được đăng ký tại các NH khi mở tài khoản. Chính điều này đã giúp Thu qua mặt các nhân viên NH.

Mặt khác, trong quy chế của các NH không có quy định phải giám định chữ ký chủ tài khoản khi tiếp nhận hồ sơ thanh toán, rút tiền tại NH. Trong các trường hợp này, NH đã thực hiện và kiểm soát đầy đủ các quy định theo pháp luật… Do đó, yêu cầu của Công ty Cacao về việc quy kết NH có lỗi và buộc các NH có trách nhiệm bồi thường cho công ty là không có cơ sở chấp nhận. Bị đơn dân sự Thu có trách nhiệm bồi thường số tiền này là hợp lý.

Công ty Cacao tiếp tục kháng cáo với lý do các NH có lỗi trong việc không phát hiện chữ ký giả để bà Thu chiếm đoạt được tiền của công ty. NH thu tiền quản lý tài khoản của khách thì phải có nghĩa vụ canh cửa, có trách nhiệm quản lý tài khoản của khách.

Các NH khẳng định mình làm đúng quy trình, không có lỗi trong vụ việc này nên không đồng ý có trách nhiệm bồi thường. Đại diện VKS cũng đồng tình với quan điểm này.

Ngân hàng không thể vô can

Tuy nhiên, xét xử phúc thẩm vào tháng 10, tòa lại cho rằng kháng cáo Công ty Cacao là có cơ sở.

HĐXX cho rằng trong suốt quá trình điều tra cũng như tại các phiên tòa, đại diện các NH đều thừa nhận có phần lỗi nhưng do chữ ký giả của Thu quá giống chữ ký giám đốc nên không phát hiện ra. Nếu con dấu đóng trên các lệnh chi hoặc ủy nhiệm chi là thật nhưng chữ ký không đúng thì NH cũng không chấp nhận thực hiện lệnh hay ủy nhiệm chi đó. Như vậy, để chiếm đoạt tiền của công ty Thu đã giả chữ ký của giám đốc để lừa NH, không phải lừa công ty. Khâu cuối cùng mà bị án Thu qua mặt để chiếm đoạt trót lọt số tiền trong tài khoản của công ty là tại các NH đang quản lý tiền của công ty.

HĐXX nhận định là người quản lý tiền của khách nhưng lại thiếu thận trọng, để người khác lừa chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách là lỗi thuộc về NH, không thể đổ thừa cho việc giả chữ ký quá tinh vi, không phát hiện được để chối bỏ trách nhiệm. Theo quy định tại Quyết định 1284/2002 của thống đốc NH Nhà nước thì các NH nêu trên phải chịu trách nhiệm do lỗi của mình gây ra.

Ngay từ đầu, Công ty Cacao đã yêu cầu xác định tư cách tham gia tố tụng của các NH là nguyên đơn dân sự và buộc bị cáo Thu (bị đơn dân sự) bồi thường cho các NH. Còn các NH phải có trách nhiệm trả lại cho Công ty Cacao số tiền Thu đã chiếm đoạt. HĐXX xét kháng cáo Công ty Cacao là có cơ sở. Từ đó HĐXX phúc thẩm sửa án, xác định các NH là nguyên đơn dân sự, Công ty Cacao là người có quyền và nghĩa vụ liên quan. HĐXX đã buộc bị cáo Thu bồi thường cho các NH và các NH có trách nhiệm hoàn trả tiền cho Công ty Cacao.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm