Thùng nhựa đựng sơn có là hung khí nguy hiểm?

Mới đây, TAND TP Phủ Lý, Hà Nam xử sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Lan Anh (41 tuổi, trú xã Trịnh Xá) sáu tháng tù về tội cố ý gây thương tích.

Ngay sau đó, bị cáo Lan Anh đã có đơn kháng cáo vì cho rằng mình không phạm tội. Đáng chú ý, trong vụ án này vẫn còn có tranh cãi xung quanh vật chứng gây án là cái thùng nhựa đựng sơn có phải là hung khí nguy hiểm hay không.

Xô xát từ việc đốt rác

Theo bản án sơ thẩm, khoảng 15 giờ 30 ngày 20-2-2019, ông Đỗ Đức Thắng mang rác thải sinh hoạt ra đốt trên phần đất trống nhà mình, trước cổng nhà Nguyễn Thị Lan Anh. Thấy vậy, Lan Anh xách thùng nước ra dập lửa. Khoảng năm phút sau, thấy lửa tắt, ông Thắng tiếp tục châm lửa đốt đống rác.

Do khói bay vào nhà mình, Lan Anh xách thùng nước (loại thùng nhựa đựng sơn đã qua sử dụng) hắt vào đống rác và người ông Thắng. Hai bên xảy ra giằng co, Lan Anh dùng chiếc thùng vung về phía đối phương, khiến phần cạnh đáy thùng trúng vào má bên phải ông Thắng gây rách da, chảy máu.

Ông Thắng có đơn đề nghị khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lan Anh. Quá trình điều tra, cơ quan tố tụng thu giữ chiếc thùng đựng nước màu trắng, trên bề mặt ghi chữ ALEX, chiều cao 35 cm, đường kính đáy 25 cm, miệng rộng 30 cm.

Kết luận giám định cho thấy ông Thắng bị tổn hại sức khỏe 2% (sẹo kích thước nhỏ má phải, không ảnh hưởng thẩm mỹ).

Tại tòa, bị cáo Lan Anh thừa nhận hành vi gây thương tích cho người bị hại nhưng cho rằng vì bị tấn công trước nên tự vệ, bản thân cũng không dùng hung khí để gây thương tích. Bị cáo kêu oan, nói mình không phạm tội.

Tuy vậy, HĐXX đã quyết định tuyên phạt Lan Anh sáu tháng tù giam. HĐXX nhận định hành vi của bị cáo có đủ căn cứ cấu thành tội cố ý gây thương tích, quy định tại điểm a khoản 1 Điều 134 BLHS.

HĐXX cũng bác bỏ quan điểm cho rằng chiếc thùng nhựa đựng nước không phải là hung khí nguy hiểm. Bởi trong vụ án này hung khí bị cáo sử dụng là thùng sơn đã qua sử dụng, là vật có kết cấu bằng vật liệu cứng, nặng, có góc cạnh, khi tác động vào các vị trí nguy hiểm trên cơ thể con người (vùng đầu, mặt…) thì đều có thể gây nguy hiểm tới sức khỏe, thậm chí đến cả tính mạng nạn nhân.

Phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Thị Lan Anh. Ảnh: TUYẾN PHAN

Luật sư: Thùng nhựa không thể giống với dao, búa…

Luật sư (LS) bào chữa cho bị cáo cho rằng cơ quan tố tụng khẳng định chiếc thùng nhựa đựng nước là hung khí nguy hiểm để kết tội thân chủ của mình là không thuyết phục.

LS dẫn chứng tiểu mục 2.2 Mục 2 Phần I Nghị quyết 02/2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao quy định “phương tiện nguy hiểm là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khỏe của người bị tấn công”.

Trong đó, điểm a nêu ví dụ về công cụ, dụng cụ như búa đinh, dao phay, các loại dao sắc, nhọn... (có dấu ba chấm, thể hiện còn nữa). Như vậy, chiếc thùng nhựa trong vụ án này là một loại dụng cụ nhưng tính chất nguy hiểm của nó đối với tính mạng, sức khỏe con người rõ ràng là không thể tương đồng với các loại dụng cụ đã được liệt kê tại điểm a như đã nêu.

Mặt khác, LS cho rằng cơ quan tố tụng cần đánh giá tương quan về tỉ lệ tổn thương trên cơ thể người bị hại do chiếc thùng nhựa tạo ra, nó là không đáng kể (2%). “Với phần trăm thương tích như vậy, không thể nói chiếc thùng nhựa đựng nước (trong vụ án này) là hung khí gây nguy hiểm tới sức khỏe, tính mạng được” - LS nói.

Từ những căn cứ trên, LS khẳng định chiếc thùng nhựa đựng nước không phải là hung khí nguy hiểm, do vậy không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị cáo về tội cố ý gây thương tích, quy định tại điểm a khoản 1 Điều 134 BLHS.

Mũ bảo hiểm, thùng nhựa… là hung khí nguy hiểm

LS của bị cáo cho biết nếu giai đoạn phúc thẩm tới đây bị cáo tiếp tục có nguyện vọng mời bào chữa, ông sẽ có văn bản kiến nghị TAND Tối cao hướng dẫn cụ thể thế nào là hung khí nguy hiểm, trong đó điển hình là chiếc thùng nhựa đựng nước có thuộc nhóm này hay không.

Nghị quyết 02/2003 chỉ nêu về các dạng hung khí nguy hiểm và lấy vài ví dụ, sau đó dùng dấu ba chấm (…) chứ không khái quát về tính chất, đặc thù để nhận biết phương tiện nguy hiểm. Do vậy, trên thực tế đã có rất nhiều vụ án tranh cãi thế nào là hung khí nguy hiểm.

Gần đây nhất, ngày 15-8, TAND quận Tân Phú, TP.HCM cũng xử một vụ cố ý gây thương tích, trong đó có sự tranh cãi mũ bảo hiểm có phải là hung khí nguy hiểm không. VKS và LS phía người bị hại thì viện dẫn điểm 3.1 khoản 3 Nghị quyết 01/2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao để khẳng định mũ bảo hiểm là hung khí nguy hiểm, còn LS của bị cáo thì cho rằng không phải. Tất nhiên, cuối cùng TAND quận Tân Phú nhận định đây là hung khí nguy hiểm và phạt bị cáo (tên Phạm Phú Quốc Phương) sáu năm tù.

Nguyên nhân vụ án xuất phát từ ai?

Theo LS của bị cáo, nguyên nhân dẫn đến vụ án là do việc ông Đỗ Đức Thắng mang rác thải sinh hoạt ra đốt trước cổng nhà bị cáo, làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường. Hành vi đốt rác trong khu dân cư là trái quy định, phải bị xử phạt theo Nghị định 167/2013.

Do khói bay mù mịt, bị cáo phải xách nước ra dập lửa là để ngăn chặn hành vi trái pháp luật trên cũng như ngăn ngừa hậu quả xấu có thể xảy ra. Ông Thắng hai lần châm lửa đốt và có lời lẽ thách thức, đây chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới vụ án.

Tuy vậy, cơ quan tố tụng không kiến nghị xử lý hành vi của người bị hại là chưa tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều 6, Điều 20, khoản 8 Điều 166 BLTTHS.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm nhận định bị cáo quanh co, không thành khẩn khai báo là không chính xác. Thực tế, bị cáo thừa nhận hành vi gây thương tích cho người bị hại nhưng khẳng định mình không phạm tội vì không dùng hung khí nguy hiểm. Đây là sự chuyển biến về nhận thức, chứ không phải quanh co. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm