Thứ trưởng Trương Quốc Cường: Từ người liên quan đến bị can hiện tại

Ngày 31-10-2019, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố 7 bị can nhằm tiến hành làm rõ hành vi buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 ghi xuất xứ từ Canada xảy ra tại VN Pharma trong thời gian từ năm 2012 đến năm 2014 (được gọi giai đoạn 2 vụ VN Pharma).
7 bị can bị khởi tố về tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, theo Điều 194 Bộ luật Hình sự 2015 gồm: Nguyễn Minh Hùng (sinh năm 1978, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma - viết tắt là VN Pharma), Võ Mạnh Cường (sinh năm 1978, nguyên Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại hàng hải Quốc tế H&C), Nguyễn Trí Nhật (sinh năm 1975, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty VN Pharma), Ngô Anh Quốc (sinh năm 1984, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty VN Pharma), Phan Cẩm Loan (sinh năm 1973, nguyên Phó trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty VN Pharma), Lê Thị Vũ Phương (sinh năm 1982, nguyên Kế toán Trưởng Công ty VN Pharma), Phạm Quỳnh Trang (sinh năm 1980, nguyên nhân viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại hàng hải Quốc tế H&C).
Đồng thời CQĐT tống đạt lệnh bắt tạm giam với 2 bị can Ngô Anh Quốc và Nguyễn Trí Nhật. Ngoài ra, hai bị can Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường đã bị bắt giam thuộc giai đoạn 1 của vụ án.
Đến ngày 26-3 CQĐT, đã hoàn thành ra kết luận điều tra vụ án buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại TP.HCM, các tỉnh, thành phố khác và Cục Quản lý dược - Bộ Y tế”.
Từ đó chuyển hồ sơ sang VKSND tối cao, đề nghị truy tố bị can Hùng, Cường và 7 người khác về tội buôn bán hàng giả theo khoản 4, Điều 194, BLHS.

Phiên xử tháng 9-2019 vụ VN Pharma giai đoạn 1 triệu tập ông Cường tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Ảnh: H.GIANG

CQĐT quyết định truy nã và tạm đình chỉ điều tra đối với bị can Nguyễn Lê Xuân Khang. CQĐT xác định Khang là đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Tuy nhiên, Khang  đã xuất cảnh khỏi Việt Nam vào ngày 16-7-2014 và chưa có thông tin nhập cảnh nên quyết định truy nã và tạm đình chỉ điều tra vụ án đối với Khang.  Khi nào bắt được Khang sẽ phục hồi điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của Khang, làm rõ sự liên quan của các cá nhân tại năm doanh nghiệp trên để xử lý theo quy định pháp luật.

Liên quan vụ án, bà Nguyễn Thị Thu Thủy (cựu phó trưởng phòng quản lý giá thuốc Cục Quản lý dược) bị đề nghị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo khoản 3, điều 356, BLHS.

Nguyễn Minh Hùng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma. Ảnh: H.GIANG

Nguyễn Việt Hùng (cựu phó cục trưởng Cục Quản lý dược Bộ Y tế); Phạm Hồng Châu (cựu trưởng phòng đăng ký thuốc Cục Quản lý dược) và Lê Đình Thanh (công chức Cục Hải quan TP.HCM) cùng bị đề nghị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 3, điều 360, BLHS.

Đến tháng 7, Bộ Công an hoàn tất kết luận điều tra bổ sung và tiếp tục đề nghị truy tố 13 bị can như trên. Tuy nhiên sau đó, hồ sơ tiếp tục bị trả hồ sơ điều tra bổ sung. Trong cả hai lần điều tra trước đó, Bộ Công An xác định ông Cao Minh Quang (cựu thứ trưởng Bộ Y tế) có trách nhiệm liên đới trong việc để hai loại thuốc H2K Levofoxacin và H2K Ciprofloxacin được cấp số đăng ký không đúng quy định.
Ông Quang có bút phê đồng ý cấp tất cả số đăng ký cho sản phẩm đạt yêu cầu và giao Cục Quản lý dược ban hành quyết định công bố thuốc nước ngoài được phép lưu hành tại Việt Nam. 
Căn cứ ý kiến phê duyệt trên, ngày 23-12-2010, ông Trương Quốc Cường (khi đó là Cục trưởng Cục Quản lý dược, nay là Thứ trưởng Bộ Y tế) ký quyết định công bố 214 thuốc nước ngoài được phép lưu hành tại Việt Nam trong đó có H2K Levofloxacin và H2K Ciprofloxacin.
Bộ Công an xác định ông Quang với vai trò là Chủ tịch hội đồng xét duyệt thuốc, người quyết định cuối cùng việc cấp số đăng ký thuốc, có trách nhiệm liên đới trong việc để 2 thuốc H2K Levofoxacin và H2K Ciprofloxacin được cấp số đăng ký không đúng quy định. Tuy nhiên, căn cứ kết quả điều tra, tài liệu chứng cứ chưa đủ căn cứ xử lý hình sự đối với ông Quang.
Liên quan các chuyên gia thẩm định, thành viên hội đồng xét duyệt cấp phép hoạt động cho Helix, Health 2000 và các cá nhân được VN Pharma thuê viết hồ sơ đăng ký thuốc của Helix, căn cứ kết luận giám định của hội đồng giám định Bộ Y tế và kết quả điều tra đến nay không đủ căn cứ xử lý hình sự.
Trong phiên xử sơ thẩm VN Pharma tháng 9-2019, TAND TP.HCM đã triệu tập Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường (thời điểm vụ án xảy ra vụ án ông Cường là Cục trưởng Cục Quản lý dược) tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Để làm rõ các vấn đề của vụ án, HĐXX còn quyết định triệu tập 9 thành viên trong hội đồng giám định Bộ Y tế. Công ty VN Pharma, Viện kiểm nghiệm thuốc TP.HCM và Cục quản lý dược cũng được triệu tập đến tòa với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Đến ngày 3-11, CQĐT đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với ông Cường về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm