Thứ trưởng Bộ Y tế chưa xuất hiện tại phiên xử VN Pharma

10 giờ sáng nay, 24-9, HĐXX TAND TP.HCM đã tiến hành xong phần kiểm tra lý lịch đối với các bị cáo và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ buôn bán thuốc chống ung thư giả tại Công ty cổ phần VN Pharma.

Đáng chú ý, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường (nguyên Cục trưởng Cục Quản lý dược giai đoạn năm 2013) và các cá nhân trong tổ thẩm định Cục Quản lý dược thời điểm năm 2013 cũng được triệu tập đến tòa với tư cách người có quyền, nghĩa vụ liên quan và người làm chứng.

Tuy nhiên, đến giờ này ông Cường chưa xuất hiện. Trong phần thủ tục sáng nay, với chín người trong hội đồng giám định Bộ Y tế mà tòa triệu tập thì một người vắng mặt, hai người ủy quyền do ông Nguyễn Đăng Lâm (Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược) làm trưởng nhóm.

Các bị cáo bị tạm giam trong quá trình điều tra. Ảnh: TRƯỜNG GIANG

Nhiều người phải ngồi bên ngoài theo dõi phiên xử qua màn hình. Ảnh: TRƯỜNG GIANG

Do phiên tòa vắng mặt rất nhiều người nên HĐXX chỉ làm thủ tục đối với những người có mặt.

Đại diện VKS có ý kiến với những người liên quan, người làm chứng vắng mặt, tùy vào diễn biến, tòa có thể triệu tập bổ sung người đến phiên xử.

Bị cáo Nguyễn Minh Hùng bần thần khi biết đối mặt với khung hình phạt lên đến tử hình. Ảnh: TRƯỜNG GIANG

Chủ tọa cho rằng sự vắng mặt của những người liên quan, người làm chứng vắng mặt có đơn và lời khai đầy đủ, xét thấy vắng mặt không ảnh hưởng đến việc xét xử nên HĐXX tiếp tục làm việc.

Hầu tòa có bị cáo Nguyễn Minh Hùng (nguyên chủ tịch, tổng giám đốc VN Pharma), Võ Mạnh Cường (nguyên giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hàng hải quốc tế H&C) được xác định là có vai trò chủ mưu cùng 10 bị cáo còn lại là đồng phạm giúp sức. Các bị cáo bị truy tố đề nghị xét xử theo khoản 4 Điều 157 BLHS.

Bị cáo Phạm Văn Thông được dẫn giải đến phiên tòa. Ảnh: TRƯỜNG GIANG

Liên quan vụ án VN Pharma, ngày 18-9, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Cục Quản lý dược.

Theo kết luận điều tra, bước đầu xác định ông Nguyễn Tấn Đạt (Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược), ông Phạm Công Chiến (Trưởng phòng Quản lý kinh doanh dược, Trưởng phòng pháp chế), bà Lê Thúy Hương (chuyên viên) là những người trong tổ thẩm định, có trách nhiệm thẩm định tính pháp lý của hồ sơ, đơn hàng nhập khẩu thuốc H-Capita 500 mg Caplet của Công ty VN Pharma.

Tổ thẩm định với những cán bộ trên đã hoàn toàn không phát hiện Công ty Austin (Hong Kong), đơn vị bán thuốc cho Pharma, đã hết hạn giấy phép hoạt động, một số nội dung không thống nhất với hồ sơ. Tổ thẩm định cho rằng “hồ sơ đạt yêu cầu”, rồi đề xuất cục trưởng Cục Quản lý dược là ông Cường ký duyệt, cấp phép cho Công ty Pharma nhập hàng.

Bị cáo Quốc. Ảnh: TRƯỜNG GIANG

Ngày 16-9, Thanh tra Chính phủ thông báo kết luận thanh tra việc cấp giấy phép nhập khẩu, giấy đăng ký lưu hành đối với 10 loại thuốc của Công ty Helix, cấp giấy phép hoạt động cho Công ty Helix và việc trúng các gói thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện của VN Pharma.

Thanh tra Chính phủ xác định thuốc chữa bệnh là một loại hàng hóa đặc biệt nhưng trong thời gian qua ngành y tế còn để xảy ra những thiếu sót, vi phạm trong khâu cấp số đăng ký thuốc; khâu cấp phép nhập khẩu thuốc; khâu cấp phép hoạt động về thuốc, nguyên liệu làm thuốc cho doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và công tác đấu thầu cung cấp thuốc cho các cơ sở khám, chữa bệnh. Nếu không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời sẽ có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của nhân dân.

Theo Thanh tra Chính phủ, bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm với vai trò quản lý nhà nước về lĩnh vực dược, Cục trưởng Cục Quản lý dược chịu trách nhiệm với vai trò là người tham mưu, giúp việc cho bộ trưởng Bộ Y tế; đã để xảy ra những thiếu sót, vi phạm qua các thời kỳ.

Bị cáo "chạy án" chục tỉ bất thành

Bị cáo Ngô Anh Quốc (SN 1983, nguyên phó tổng giám đốc Pharma) trong vụ án này vừa bị TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên năm năm tù, Dương Kim Sơn (luật sư tại Hà Nội) 17 tháng 17 ngày tù và Lê Phú Toàn (lãnh đạo doanh nghiệp) 14 tháng 30 ngày tù về các tội đưa hối lộ và môi giới hối lộ.

Theo đó, năm 2015 Cơ quan ANĐT Bộ Công an tiến hành điều tra VN Pharma, do có liên quan, Quốc đã nhờ luật sư Sơn “lo giúp” cho bản thân và hai người khác không bị khởi tố.

Sơn đã cùng với Toàn lo lót với một số cán bộ thuộc VKS Tối cao. Sau đó, Toàn đã tới gặp chị H. là kiểm tra viên thuộc Vụ 2 trình bày sự việc. Chị H. trả lời không giúp được rồi giới thiệu Toàn tới ông Nguyễn Trung T. - kiểm sát viên trung cấp thuộc Vụ 1.

Ông T. cũng trả lời không giúp đỡ được nhưng cũng trao đổi một số vấn đề trong vụ án với Toàn. Sau đó, Toàn nói với Sơn cán bộ kiểm sát đã nhận lời nhưng phải chi 500.000 USD. Luật sư Sơn báo lại cho Quốc và được Quốc chuyển cho hơn 10,8 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau đó Quốc vẫn bị điều tra nên làm đơn tố cáo hành vi của Sơn. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...