Thử lý giải vụ quan tòa làm khống 57 hồ sơ vụ án dân sự

Sự việc chánh án, phó chánh án và thẩm phán ở Đắk Nông bị kỷ luật vì đã tạo ra 57 hồ sơ vụ án dân sự khống đã gây sự chú ý của dư luận, đặc biệt là trong giới công tác ở lĩnh vực pháp luật.

Thủ thuật của các cán bộ tòa án

Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông vào ngày 5-6 đã ra quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với các cán bộ nói trên, gồm các ông (bà): Phạm Văn Phiếm (nguyên Chánh án TAND Đắk Song, hiện là chánh án TAND huyện Tuy Đức, Đắk Nông); Nguyễn Thị Hải Âu (nguyên Phó Chánh án TAND Đắk Song, hiện là phó chánh án TAND huyện Krông Nô, Đắk Nông); Nguyễn Xuân Triệu (nguyên thẩm phán TAND Đắk Song, hiện là thẩm phán TAND huyện Tuy Đức).

Xác nhận với phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM về sự việc trên, lãnh đạo TAND tỉnh Đắk Nông cho biết sẽ có báo cáo với TAND Tối cao, đồng thời có những biện pháp xử lý phù hợp với quy định của ngành. 

Trao đổi với phóng viên ngày 6-6, chánh án một TAND tại TP.HCM đưa ra nhận định về vụ việc trên như sau: Năm thi đua của ngành tòa án tính từ ngày 1-10 năm này đến 30-9 năm sau. TAND Tối cao yêu cầu các đơn vị phải giải quyết xong 85% trên tổng số án thụ lý đối với án dân sự (bao gồm cả án kinh doanh thương mại, hôn nhân gia đình, lao động…). Ví dụ: Thụ lý 100 vụ, giải quyết xong 85 vụ mới hoàn thành nhiệm vụ.

Có thể lấy ví dụ sau đây để lý giải cho việc cán bộ TAND Đắk Song lập khống vụ án: Giả sử tòa này thụ lý 60 vụ, mới giải quyết được 50 vụ (đạt tỉ lệ 83,3%). Do đó cần giải quyết xong thêm một vụ mới đạt tỉ lệ 85%.

Nhưng đến thời hạn thi đua, trong số 10 vụ còn lại chưa giải quyết xong (trong tổng số 60 vụ) thì không có vụ nào có thể giải quyết xong kịp cả. Do đó, cần lập khống thêm bảy vụ khác đã giải quyết xong vào cho đủ chỉ tiêu 85%. Tất nhiên, cách tính khi đó sẽ là: (50 vụ + bảy vụ) : (60 vụ + bảy vụ), tức 57 chia cho 67 (tương đương 85% - vừa đạt chỉ tiêu).

Dĩ nhiên, trong số 60 vụ (đã giải quyết xong 50 vụ) mà đến hạn thi đua có thể giải quyết thêm được vài vụ trong số đó để đạt tỉ lệ cần thiết thì không ai lập khống làm gì.

“Nói chung, người ta (các thẩm phán, tòa án - PV) sẽ cố chạy chỉ tiêu cho được bằng một số vụ án khống sao cho phù hợp với tỉ lệ như phân tích và ví dụ minh họa nêu trên” - vị chánh án nói.

Xác nhận với phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM về sự việc trên, lãnh đạo TAND tỉnh Đắk Nông cho biết sẽ có báo cáo với TAND Tối cao, đồng thời có những biện pháp xử lý phù hợp với quy định của ngành. 

Cần xem lại cách tính thi đua

Chia sẻ thêm với Pháp Luật TP.HCM, vị chánh án này cho rằng có những bất cập trong cách tính thi đua của ngành hiện nay.

Cụ thể, cũng với ví dụ trên, trong số 10 vụ chưa giải quyết xong nhưng hầu hết các vụ là mới thụ lý (chẳng hạn như thụ lý từ tháng 8, đầu tháng 9 hoặc thậm chí là ngày 30-9) thì không thẩm phán nào có thể giải quyết xong cho kịp thi đua trong khi cần làm rất nhiều thủ tục, công việc mới có thể giải quyết xong một vụ án.

“Tuy nhiên, TAND Tối cao đặt ra quy định là không cần biết thụ lý vào thời điểm nào, TAND Tối cao chỉ tổng kết năm thi đua. Những vụ nào chưa hết thời hạn xét xử hay còn thời hạn, làm sao làm phải đạt ít nhất 85%. Quy định này nói chung cũng ngặt” - vị chánh án cho biết.

Vị này cho rằng sẽ hợp lý nếu quy định tỉ lệ 85% trên số vụ đã hết thời hạn giải quyết. Còn hiện nay đang quy định là 85% trên số vụ hết thời hạn giải quyết kể cả như vụ mới thụ lý. Ví dụ như thụ lý ngày 29-9, tính theo năm thi đua thì đến ngày 30-9 là ngày tổng kết, vẫn phải tính đó là một vụ, tòa vẫn phải chịu trách nhiệm giải quyết, mà giải quyết không xong thì coi như để án tồn.

“Có những vụ thẩm phán chỉ mới thụ lý một tháng, một tuần, thậm chí một ngày đã đến tổng kết thi đua mà vẫn tính người ta là án tồn thì sao được?” - vị chánh án nói.

Chia sẻ thêm, vị chánh án cho rằng: Áp lực hiện nay đối với thẩm phán là rất nặng nề. Như tại các tòa quận, huyện ở TP.HCM, mỗi thẩm phán được phân chỉ tiêu xử xong 7-8 vụ/tháng. Nhưng thực tế, con số này đang là gấp đôi, tức 14-15 vụ/tháng/thẩm phán, vượt xa mức yêu cầu.

“Chỉ tiêu đặt ra là vậy. Nhưng nếu một tháng anh xử xong tám vụ, 10 vụ thậm chí 15 vụ (kệ anh) nhưng cuối năm tổng kết anh chỉ đạt tỉ lệ dưới 85 % thì coi như năm đó anh không hoàn thành nhiệm vụ. Vượt năng suất gấp đôi, thậm chí gấp ba nhưng lại không hoàn thành nhiệm vụ. Như vậy là quá khắt khe và bất cập” - vị chánh án nêu quan điểm.

Vị này và một vị chánh án khác cùng chung nhận định rằng hành vi của cán bộ Tòa Đắk Song là sai trái, thậm chí có dấu hiệu của tội phạm. Cả hai nói thêm việc làm này là “không quân tử, không minh bạch, tạo ra sự bất công, vi phạm đạo đức nghề nghiệp”.

Tuy nhiên, động cơ ở đây là chạy chỉ tiêu chứ không có mục đích vụ lợi về tài sản nên biện pháp xử lý về mặt Đảng, chính quyền và kỷ luật theo quy định của ngành tòa án là hợp tình, hợp lý.

 

Giao chỉ tiêu giải quyết đúng hạn 100% các vụ việc

Theo khoản 3 Điều 2 Nghị quyết 96/2019 của Quốc hội ngày 27-11-2019 thì TAND Tối cao phải có giải pháp nâng cao chất lượng xét xử các loại án. Tỉ lệ giải quyết án hình sự đạt trên 88%; án dân sự đạt trên 78%; án hành chính đạt trên 60%.

Trên cơ sở nghị quyết này, TAND Tối cao giao chỉ tiêu thi đua cho tòa án địa phương. Chẳng hạn, theo Chỉ thị 01/2020 của TAND Tối cao thì tòa án các cấp phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội cũng như của TAND: Bảo đảm 100% các vụ việc được giải quyết trong thời hạn luật định. Trong đó, giải quyết, xét xử đạt từ 90% trở lên đối với các vụ án hình sự; đạt từ 85% trở lên đối với các vụ, việc dân sự; đạt từ 65% trở lên đối với các vụ án hành chính; đạt từ 99% trở lên đối với các đề nghị xem xét, áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại tòa án; đạt từ 60% trở lên đối với các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm…

PHƯƠNG LOAN

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...