Thụ lý án chậm 5 ngày, thẩm phán sẽ bị kiểm điểm

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình vừa có văn bản trả lời nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Hồng Phong (Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang) liên quan đến Quyết định (QĐ) số 120 về quy chế xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong TAND.

Theo đó, ngày 18-11-2017, tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, ông Phong (lúc đó là chánh án TAND tỉnh Hậu Giang, hiện là phó chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM) đã chất vấn.

Nội dung: “Ngày 19-6-2017, chánh án TAND Tối cao đã ban hành QĐ số 120 về quy chế xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong TAND. Tôi chỉ đề cập đến chức danh thẩm phán, ở Mục 1 Chương II của quyết định xử lý trách nhiệm thẩm phán từ Điều 9 đến Điều 16, hình thức xử lý là kiểm điểm trước cơ quan đến chưa xem xét đề nghị bổ nhiệm lại thẩm phán (ví dụ, xử lý đơn khởi kiện để quá hạn là năm ngày làm việc thì phải kiểm điểm trước cơ quan). Tòa án địa phương chúng tôi khi triển khai thực hiện QĐ này rất băn khoăn, nếu áp dụng các hình thức trên không biết tòa án còn cán bộ để xét xử không. Chức danh tư pháp trong TAND đã chịu sự điều chỉnh của Luật Cán bộ, công chức nay lại thêm điều chỉnh của QĐ 120. Tôi xin hỏi QĐ 120 của chánh án TAND Tối cao có phải là sợi dây tự trói mình không?”.

Thời điểm đó, do thời gian phiên chất vấn có hạn nên chánh án TAND Tối cao chưa kịp trả lời. Nay ông Nguyễn Hòa Bình có Văn bản số 90 trả lời ĐBQH.

Văn bản nêu, theo quy định của Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức TAND năm 2014 thì TAND là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp. Trong công tác xét xử, người thẩm phán có vai trò đặc biệt quan trọng. Mỗi phán quyết của tòa án mà thẩm phán là người chủ tọa phiên tòa sẽ liên quan đến các quyền quan trọng của con người, như quyền tự do và quyền tài sản, quyền nhân thân, thậm chí là cả quyền sống.

Do đó, việc xây dựng đội ngũ thẩm phán tòa án các cấp tinh thông về nghiệp vụ; có bản lĩnh chính trị, nghề nghiệp vững vàng; hết lòng phục vụ nhân dân, có ý thức thượng tôn pháp luật và đặc biệt phải có tinh thần trách nhiệm cao với công việc là yêu cầu hết sức quan trọng. Mặt khác, việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ đối với cán bộ, công chức tòa án cũng phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức.

Từ trước đến nay, việc tăng cường trách nhiệm cán bộ, công chức, trong đó có các thẩm phán trong thực thi công vụ luôn được lãnh đạo TAND Tối cao qua các thời kỳ đặc biệt quan tâm và có nhiều văn bản để chỉ đạo thực hiện. Các nội dung của quy chế xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong TAND được ban hành kèm theo QĐ số 120 của chánh án TAND Tối cao về cơ bản kế thừa các quy định trước đây, có sửa đổi, bổ sung cho cụ thể và phù hợp với hiện nay...

Theo Văn bản số 90, thực tế cho thấy các quy định trước đây liên quan đến kỷ cương, kỷ luật công vụ đối với cán bộ, công chức tòa án là cần thiết và đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc duy trì và đảm bảo kỷ cương, kỷ luật công vụ tại các tòa án. Mặt khác, quá trình ban hành quy định này cũng được tiến hành thận trọng và chặt chẽ. Mục đích việc ban hành quy chế xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong TAND là nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm trong xử lý công việc của các chức danh tư pháp của tòa án, trong đó có thẩm phán…

Cụ thể hóa hàng loạt hành vi của thẩm phán 

Thẩm phán bị xử lý trách nhiệm bằng hình thức kiểm điểm trước cơ quan khi: Xử lý đơn khởi kiện để quá thời hạn năm ngày làm việc; xử lý đơn yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự để quá thời hạn bảy ngày; thụ lý vụ, việc chậm quá thời hạn năm ngày; trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự không đúng; để từ một đến ba vụ, việc quá thời hạn dưới sáu tháng mà không có lý do chính đáng; ra hoặc không ra một quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng; ra bản án, quyết định, sau khi được công bố trên cổng thông tin điện tử tòa án có nhiều sai sót; chậm ra bản án, cấp trích lục, giao hoặc gửi bản án không đúng…

Xử lý bằng hình thức tạm dừng thực hiện nhiệm vụ trong thời gian 30 ngày khi: Ra từ hai quyết định tạm đình chỉ xét xử, giải quyết vụ, việc không có căn cứ; để từ trên ba vụ, việc quá thời hạn dưới sáu tháng hoặc một vụ, việc trở lên quá thời hạn từ sáu tháng trở lên; chậm ra bản án, cấp trích lục, giao hoặc gửi bản án không đúng; trong một năm ra bản án xử phạt hai bị cáo hình phạt tù cho hưởng án treo, cảnh cáo, phạt tiền (hình phạt chính), cải tạo không giam giữ không đúng...

(Lược trích Điều 9 và 10 QĐ số 120)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm