Thư ký tòa mua tài sản của bị đơn

Bà Trần Thị Trinh ở thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk có đơn gửi các cơ quan chức năng phản ánh một thư ký của TAND thị xã này. Bà cho rằng thư ký này (người nhận đơn kiện của bà) đã mua tài sản của bị đơn khiến bị đơn không còn tài sản để thi hành án (THA) sau khi bà thắng kiện.

Thắng kiện cũng như không!

Bà Trinh trình bày: Hồi tháng 5-2016, bà khởi kiện bà NTKH ra TAND thị xã Buôn Hồ đòi hơn 2,1 tấn cà phê nhân xô và 47 triệu đồng. Trong quá trình giải quyết vụ án, bà Trinh yêu cầu tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đề phòng bà H. tẩu tán tài sản.

Tuy nhiên, theo bà Trinh, Thẩm phán C. giải thích (bằng miệng) với bà rằng bà phải nộp tiền bảo đảm thì mới ra quyết định ngăn chặn. Bà Trinh cho rằng do số tiền quá lớn nên bà không có tiền để nộp.

Ngày 19-9-2016, bà Trinh biết được bà H. đã chuyển nhượng toàn bộ tài sản gồm hai lô đất ở thị xã Buôn Hồ cho bà Y., thư ký tòa án, người tiếp nhận đơn kiện của bà Trinh nộp đơn khởi kiện. Việc chuyển nhượng này đã qua công chứng. Đến ngày 23-9-2016, Văn phòng Đăng ký đất đai đã thực hiện xong thủ tục chuyển nhượng cho bà Y. Một tuần sau, tức ngày 30-9-2016, TAND thị xã Buôn Hồ mở phiên tòa sơ thẩm tuyên buộc bà H. phải trả cho bà Trinh hơn 1,8 tấn cà phê nhân xô và 45 triệu đồng.

“Tôi thắng kiện nhưng giờ bà H. không còn tài sản nào khác để THA. Tôi phải biết kêu ai bây giờ! Trước đó, tôi đã báo cho các cơ quan chức năng biết vụ chuyển nhượng tài sản giữa bà H. và thư ký tòa Y. và yêu cầu họ ngăn chặn không cho bà Y. đứng chủ quyền nhưng không được chấp nhận” - bà Trinh cho hay.

Bà Trần Thị Trinh cho rằng thư ký tòa mua tài sản của bị đơn nên bây giờ bà khó có thể đòi được nợ. Ảnh: DK

Làm vậy là gây bức xúc cho nguyên đơn

lãnh đạo TAND thị xã Buôn Hồ đã trả lời bà Trinh bằng văn bản rằng: “Đối với yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo đảm việc THA… bà Trinh phải gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý, giấy tờ có giá vào ngân hàng… để bảo vệ lợi ích của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, theo quy định tại khoản 4 Điều 133 và khoản 1 Điều 136 BLTTDS. Vì vậy, việc giải thích của thẩm phán C. là đúng quy định của pháp luật, song cách giải thích dẫn đến có sự hiểu lầm của bà Trinh là thẩm phán gây khó khăn”.

Về việc thư ký tòa nhận chuyển nhượng tài sản của bị đơn, TAND thị xã Buôn Hồ nhận định: “Bà Y. là thư ký tòa được lãnh đạo phân công thụ lý hồ sơ khởi kiện. Bà Y. được biết rằng vụ án giữa bà Trinh với bà H. đang được tòa thụ lý giải quyết nhưng bà Y. vẫn nhận sang nhượng tài sản của bà H., việc làm đó đã gây bức xúc cho bà Trinh”. Lãnh đạo tòa này khẳng định chưa có căn cứ xác định bà Y. có hành vi giúp sức tẩu tán tài sản của bà H.

Sẽ xem xét khi thư ký tòa đi làm lại

Để tìm hiểu rõ hơn về vụ việc, PV đã liên lạc với ông Nguyễn Duy Hữu, Chánh án TAND tỉnh Đắk Lắk, qua điện thoại. Ông Hữu cho biết: “Hiện bà Y. đang nghỉ chế độ thai sản, giờ mình phải làm theo đúng luật”. PV hỏi giải quyết đúng luật là giải quyết thế nào, ông Hữu nói: “Tôi không thể cho biết được, PV muốn tìm hiểu thì đến tòa thị xã (Buôn Hồ), họ giải thích cho nghe”.

Trả lời qua điện thoại, ông Hoàng Minh Chức, Phó Chánh án TAND thị xã Buôn Hồ, nói: “Hiện thư ký Y. đã nghỉ sinh, đợi khi nào cô ấy đi làm thì mới xem xét được đúng hay sai. Không có vi phạm thì thôi, nếu có vi phạm thì thẩm quyền giải quyết thuộc tòa án tỉnh”.

Luật không cấm nhưng không nên làm thế

Về việc thư ký tòa mua đất của bị đơn, nếu đây là mua bán ngay tình thì pháp luật không cấm thư ký hay thẩm phán không được quyền xác lập giao dịch đó với đương sự. Nhưng với cương vị là lãnh đạo của một tòa, tôi sẽ không đồng ý để thư ký tòa hay thẩm phán của mình đi mua bán với đương sự trong vụ án như thế. Nếu bà Trinh có căn cứ cho thấy mục đích chuyển nhượng tài sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ thì bà có quyền khởi kiện ra tòa yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch mua bán đất giữa bà Y. và bà H. là giao dịch vô hiệu.

Lãnh đạo một tòa thuộc TAND TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm