Thu 20 viên kim cương của chủ tiệm vàng là sai

Vụ việc ông Nguyễn Cà Rê mang 100 USD đến tiệm vàng Thảo Lực (Công ty TNHH MTV SX-TM Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, Cần Thơ) bán và bị phạt tiếp tục được dư luận quan tâm vì hé lộ nhiều tình tiết mới. Trong đó, lấn cấn về pháp lý liên quan đến việc thu giữ và tịch thu sung công 20 viên kim cương và nhiều viên đá nhân tạo ngoài tờ 100 USD được chú ý hơn cả.

Kim cương để trong tủ gia đình, không bày bán?

Ngày 27-10, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Hồng Lực, Giám đốc Công ty TNHH MTV SX-TM Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực, chủ tiệm vàng Thảo Lực (gọi tắt là Công ty Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực), cho biết 20 viên kim cương bị tịch thu là tài sản của vợ chồng ông tặng nhau và được cất trong tủ cá nhân, không trưng bày, cũng không bày bán.

Theo ông Lực, ngày 30-1, ông Nguyễn Cà Rê vào tiệm vàng nói là đi lỡ đường nhưng không có tiền nên muốn đổi 100 USD để trả tiền xe. Lúc đầu ông không đồng ý đổi vì biết tiệm mình không được phép đổi nhưng ông Rê năn nỉ nhiều lần nên đổi giúp. Ngay lúc đó, trinh sát đã đứng kế bên và bắt quả tang.

Sau đó công an tạm giữ toàn bộ vàng trắng, bạch kim, đá nhân tạo, đá quý (20 viên kim cương), sổ sách chứng từ và cả đầu thu camera. “Tuy nhiên, tôi không hiểu vì sao 20 viên kim cương tôi cất trong tủ cá nhân chứ không trưng bày để bán cũng bị tạm giữ” - ông Lực nói.

Ông Lực nói: “Đối với hành vi đổi USD trái phép là tôi đã sai nhưng mức phạt cần được xem xét lại. Thực sự do muốn giúp anh Rê tôi mới đổi tiền cho ảnh, chứ ở tiệm tôi không thực hiện mua bán ngoại tệ. Bằng chứng là ngoài 100 USD đổi cho anh Rê thì công an không phát hiện thêm đồng USD nào khác”.

Cũng theo ông Lực, việc UBND TP ra quyết định tịch thu sung công quỹ 20 viên kim cương là chưa chuẩn. Vì số kim cương này ông mua đã từ rất lâu, không đồng loại mà có kích cỡ khác nhau và không bày bán mà chỉ là quà của vợ chồng ông tặng nhau mỗi dịp sinh nhật. Đây là tài sản riêng của gia đình, ông không trưng bày cũng không mua bán, vì lâu lâu mới mua nên không có nguồn gốc. Ông cũng đã hai lần làm đơn cứu xét gửi UBND, Công an, VKSND TP Cần Thơ về việc giải quyết thỏa đáng số kim cương nhưng cuối cùng vẫn bị tịch thu sung công.

Trong khi đó, vợ ông Lực cho biết hơn 19.000 hột đá nhân tạo của vợ chồng bà cũng để trong hộc tủ cùng với 20 viên kim cương chứ không bày ra kệ nhằm mục đích bán cho khách hàng. Theo bà, những viên đá này bà mua về để cho thợ gia công gắn vào các món đồ khác chứ không bán trực tiếp cho khách hàng. Bà cũng cho biết mong muốn được nhận lại số tài sản này cùng với kim cương.

Ông Lê Hồng Lực và chiếc tủ (ảnh phải) được ông cho là nơi cất 20 viên kim cương của gia đình. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Thu và sung công không đúng

Theo TS Nguyễn Văn Tiến, Trường ĐH Luật TP.HCM, chủ tiệm vàng có hành vi thu đổi USD không đúng nên việc xử phạt và tịch thu tang vật là bình thường. Tuy nhiên, đối với việc tịch thu sung công 20 viên kim cương vì cho rằng chủ tiệm vàng có hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ thì cần phải xem xét lại.

Tập quán của người Việt Nam thường hay cất giữ kim khí quý, đá quý (như vàng, bạc, kim cương...) nhưng không có luật nào bắt người dân phải đăng ký những tài sản này khi đang lưu giữ.

Cơ quan chức năng có biên bản khám nhà ở của ông Lực rồi thu giữ kim cương và đá nhân tạo nhưng trong quyết định xử phạt lại phạt pháp nhân là Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực. Như vậy, chưa làm rõ tài sản này là của cá nhân vợ chồng ông Lực hay của công ty nhưng lại quy kết công ty kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, xử phạt và tịch thu là không đúng.

Bởi lẽ công an không có căn cứ chứng minh số kim cương này là của công ty, không tận mắt chứng kiến, không bắt quả tang ông Lực đem ra giao dịch. Trong khi theo ông Lực, số kim cương này được cất trong tủ của gia đình chứ không trưng bày, không mua bán. Việc chứng minh hành vi vi phạm thuộc trách nhiệm của cơ quan chức năng, ông Lực không có nghĩa vụ chứng minh số kim cương này là của mình. Trường hợp ông Lực thừa nhận số kim cương này là của công ty đem ra kinh doanh thì không có gì để bàn cãi, nhưng ông đã khẳng định đây là tài sản của cá nhân vợ chồng ông.

Việc đánh đồng số kim cương là tài sản của Công ty Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực để xử phạt và tịch thu chung với hột đá nhân tạo là chưa đủ căn cứ pháp lý. Do không đủ cơ sở chứng minh số kim cương là của công ty dùng vào mục đích buôn bán nên cần phải trả lại cho vợ chồng ông Lực.

Đồng tình, luật sư Trịnh Văn Hiệp, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Nam, cũng cho rằng cơ quan chức năng cũng không có chứng cứ nào thể hiện số kim cương này là tài sản của công ty và công ty có thực hiện hành vi buôn bán. Trong biên bản khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (VPHC) ngày 30-1 cũng không thể hiện số tài sản này là của Công ty Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực, trong khi chủ công ty này (pháp nhân bị xử phạt) lại khẳng định đó là tài sản riêng của vợ chồng ông.

Điểm đ khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý VPHC 2012 quy định nguyên tắc xử lý vi phạm: Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh VPHC. Tức là phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ (người ký quyết định xử phạt) phải có trách nhiệm chứng minh Công ty Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực đã có vi phạm là kinh doanh 20 viên kim cương không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Nếu không chứng minh được mà lại xử phạt công ty về hành vi kinh doanh số kim cương này và tịch thu là trái luật.

Vụ việc tương tự

Tháng 4-2014, Công an quận Bình Thạnh, TP.HCM bắt quả tang hành vi đổi 100 USD lấy tiền VNĐ xảy ra tại tiệm vàng Hoàng Mai. công an đã khám xét, niêm phong hơn 500 lượng vàng và thu giữ hơn 14.000 USD tại tiệm vàng này để xử lý. Sau đó, chủ tiệm vàng khiếu nại việc thu giữ số USD và số vàng trong tiệm. Cuối cùng công an đã phải dỡ niêm phong vàng và trả lại tiền USD tạm giữ cho tiệm vàng, chỉ giữ lại 100 USD vi phạm. Tháng 6-2016, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, đã ký quyết định xử phạt ông Dương Công Kiên (nhân viên tiệm vàng Hoàng Mai) 400 triệu đồng về hành vi thu mua ngoại tệ trái phép.

N.NGA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm