Thi đố pháp luật ‘chai nước có gián’: Thông điệp cho DN và người tiêu dùng

Đòi bồi thường khác tống tiền

Sáng 9-1, cuộc thi đố pháp luật “Chai nước có gián” do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức đã diễn ra sôi nổi tại hội trường ĐH Luật TP.HCM (cơ sở 2 ở Bình Triệu, quận Thủ Đức, TP.HCM). Ngay từ sáng sớm, hàng trăm sinh viên của các trường có đội tham dự thi đố đã có mặt với đồng phục của trường làm không khí hết sức sôi động, đậm chất sinh viên.

Thành phần ban giám khảo là các chuyên gia pháp luật gồm luật sư (LS) Phạm Công Hùng (nguyên Thẩm phán TAND Tối cao), LS Bùi Quang Nghiêm (Phó Chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM), LS Phùng Thị Hòa (Đoàn LS TP.HCM, thành viên Chương trình Trợ giúp pháp lý miễn phí của báo Pháp Luật TP.HCM).

Thương lượng chứ không đe dọa

Đề thi được thiết kế dưới dạng tiểu phẩm hài với sự diễn xuất của nghệ sĩ Xuân Hương, nghệ sĩ Tiểu Bảo Quốc, diễn viên Chánh Thuận và diễn viên Lê Khâm. Ba đội thi đến từ hai trường ĐH là ĐH Luật TP.HCM (hai đội) và Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Trong hơn ba giờ đồng hồ, các đội trải qua các vòng thi: Phát hiện, suy tính và quyết định. Đề thi yêu cầu các sinh viên phải vận dụng linh hoạt quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, BLDS và BLHS.

Hai vòng thi đầu trả lời trắc nghiệm nên đòi hỏi các đội thi phản xạ nhanh để chọn được đáp án đúng. Dựa vào những tình tiết của tiểu phẩm hài, ban tổ chức sắp xếp những câu hỏi theo các khái niệm pháp lý cơ bản. Từ khái niệm thế nào là người tiêu dùng (NTD), thế nào là hàng hóa có khuyết tật đến quyền của NTD khi phát hiện hàng hóa không đảm bảo chất lượng… đều được các đội thi trả lời rất chuẩn.

Trước câu hỏi: “Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa NTD và doanh nghiệp (DN) về vấn đề bồi thường khi bất ngờ phát hiện sản phẩm bị khuyết tật?”, cả ba đội đều “sảy chân” khi chọn đáp án là cả tòa án và trọng tài. Trong khi theo ban giám khảo, luật quy định trọng tài là cơ quan giải quyết có điều kiện nếu trước đó hai bên có thỏa thuận, còn bình thường thì thẩm quyền là của tòa án. Các đội cũng phân biệt được ngoài thương lượng, khởi kiện thì NTD còn có quyền phản ánh đến các cơ quan nhà nước hoặc các cơ quan báo chí về tình trạng lỗi của sản phẩm. Tuy nhiên, nếu có những hành vi nhằm đe dọa, uy hiếp tinh thần của DN nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì cá nhân NTD đó sẽ bị xử lý về hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Ban giám khảo trao quà cho ba đội thi. Ảnh: PL

Luật không giới hạn mức bồi thường

Phần hấp dẫn nhất của cuộc thi là vòng ba khi mỗi đội bốc thăm để trả lời câu hỏi tự luận, đội bạn nghe và phản biện, đối đáp lại. Phần thi này cả ba đội đều thể hiện khả năng hùng biện sắc sảo, tranh luận sôi nổi, nảy lửa để bảo vệ quan điểm của mình. Không khí trong hội trường lúc này “nóng” lên theo từng câu hỏi. Xen giữa mỗi câu trả lời hoặc đối đáp qua lại giữa các đội là nhiều tràng pháo tay và lời cổ động hào hùng của khán thính giả.

Đội 2 ĐH Luật TP.HCM bốc được câu hỏi về việc NTD đưa ra mức yêu cầu DN phải bồi thường bao nhiêu là hợp lý. Đội lập luận rằng đây là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nên theo khoản 1 Điều 605 BLDS thì hai bên có quyền thỏa thuận. Luật cũng không có quy định về mức bồi thường “cứng” mà phụ thuộc vào thỏa thuận giữa hai bên.

Nghe vậy, Đội ĐH Kinh tế bắt bẻ: “Thương lượng, hòa giải là hai hay một phương thức và việc chứng minh thiệt hại của NTD có ý nghĩa gì?”. “Đó là hai phương thức khác nhau, thương lượng là bước đầu còn hòa giải sau đó và hai bên có thể lựa chọn bên thứ ba tham gia. Theo Nghị quyết 03/2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì việc chứng minh thiệt hại của NTD trong trường hợp này là để bảo vệ lợi ích chính đáng của các bên” - Đội 2 ĐH Luật TP.HCM đáp.

Câu trả lời của đội này được ban giám khảo đánh giá cao và cho gần điểm tối đa 28/30 điểm. LS Hòa đại diện ban giám khảo giải thích thêm: Theo luật thì trong thỏa thuận không có giới hạn về mức bồi thường, đến khi hai bên “lôi” nhau ra tòa thì việc chứng minh thiệt hại phải rất rõ ràng.

Đòi bồi thường cao không phải là tống tiền

Đội ĐH Kinh tế bốc được câu hỏi: Khi NTD đòi bồi thường quá cao thì có đồng nghĩa với việc tống tiền DN hay không? Và đội này trả lời: “Tội cưỡng đoạt tài sản có cấu thành theo bốn yếu tố cơ bản theo quy định của pháp luật chứ không căn cứ vào mức tiền đòi bồi thường cao hay thấp. Giá trị tài sản chỉ có ý nghĩa trong việc định khung hình phạt khi đã xác định ai đó có hành vi phạm tội cưỡng đoạt tài sản. Do đó ranh giới giữa việc đòi bồi thường quá cao với vi phạm hình sự là rất xa”. Câu trả lời này nhận được một tràng pháo tay tán thưởng của khán giả và sự đồng tình của chính “đối thủ” là đội 1 ĐH Luật trước khi đưa ra ba câu hỏi phản biện.

LS Phạm Công Hùng, đại diện ban giám khảo, chấm rất cao cả phần trả lời và phản biện của hai đội. LS Hùng cho rằng đúng là số tiền cao hay thấp không phải là yếu tố cấu thành tội phạm mà chỉ là yếu tố định khung. Việc đòi bồi thường trong trường hợp này không đồng nghĩa với hành vi vi phạm pháp luật hình sự vì theo quy định tại Luật Bảo vệ NTD thì NTD có quyền thương lượng, trên nguyên tắc thỏa thuận của BLDS.

Sinh viên xử lý khủng hoảng quá xuất sắc!

Đội 1 - ĐH Luật bốc được câu hỏi về kỹ năng xử lý thông minh nhất của DN trước tình huống NTD phát hiện sản phẩm có khuyết tật.

Đội này đã tự tin trả lời rằng, trước hết DN phải tự kiểm tra dây chuyền thiết bị và hàng hóa của mình. Thứ hai là phải kịp thời tìm hiểu nguồn tin phát tán và xoa dịu dư luận. Thứ ba, nếu thực sự thấy sản phẩm có lỗi thì kịp thời xin lỗi và thể hiện trách nhiệm của mình thu hồi sản phẩm và bồi thường thiệt hại cho NTD theo quy định, sau đó báo cáo kết quả trung thực, kịp thời với cơ quan quản lý nhà nước.

Phần trả lời này được LS Nghiêm nhận xét là khá chỉn chu và chính xác. “Trong thời gian suy nghĩ rất ngắn mà các em đã nêu ra được những nguyên tắc, căn cứ để giải quyết khủng hoảng theo luật khá chuẩn. Dù chưa có kinh nghiệm thực tế ngoài kiến thức sách vở nhưng tôi cho rằng cách giải quyết này là rất đầy đủ, thuyết phục…” - LS Nghiêm nói.

Gỉải thưởng lớn nhất là tri thức

Kết quả cuộc thi: Đội của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đạt giải nhất với tổng điểm là 195, Đội ĐH Luật 1 đứng thứ nhì với 178 điểm và đội ĐH Luật 2 đứng thứ ba với 153 điểm. Kèm theo giải thưởng mỗi đội đều nhận được một phần quà của ban tổ chức bằng hiện kim tương ứng. Ba thành viên ban giám khảo cũng có những phần quà riêng của mình tặng cho các đội và trường ĐH Luật TP.HCM.

Tuy nhiên, giải thưởng có giá trị lớn nhất mà các bạn sinh viên nhận được đó chính là món quà tinh thần từ lời khen ngợi của ban giám khảo và ban tổ chức. Trước khi công bố kết quả, ban giám khảo nói: “Chúng tôi đều rất vui khi thấy các em còn ngồi ghế giảng đường nhưng đã có kiến thức pháp luật tốt, kỹ năng giải quyết tình huống chuẩn và phong cách hùng biện sắc sảo. Chúng tôi đặt niềm tin rất lớn vào các em, chắc chắn sau này các em sẽ trở thành những người hành nghề luật có trách nhiệm, sáng đạo đức và giỏi nghề”.

Thi đố pháp luật ‘chai nước có gián’: Thông điệp cho DN và người tiêu dùng ảnh 2
 
Đặng Anh Vũ
, thành viên Đội ĐH Kinh tế TP.HCM: Cám ơn Pháp Luật TP.HCM đã tạo điều kiện cho chúng em có một sân chơi bổ ích. Qua cuộc thi này em mong kiến thức sẽ đến được với mọi người, đặc biệt là người dân vùng nông thôn, để không còn xảy ra trường hợp đáng tiếc như anh Minh ở Tiền Giang.
Thi đố pháp luật ‘chai nước có gián’: Thông điệp cho DN và người tiêu dùng ảnh 3
 
Lê Hoàng Nam, thành viên Đội ĐH Luật 1:

Dù không phải là đội chiến thắng nhưng em và các bạn đã làm hết sức để truyền tải kiến thức pháp luật đến mọi người. Không chỉ đội thi mà các bạn sinh viên đều rất hào hứng với chủ đề mà ban tổ chức đưa ra, vì nó thời sự và được nhiều người quan tâm.

Thi đố pháp luật ‘chai nước có gián’: Thông điệp cho DN và người tiêu dùng ảnh 4
 
Trương Hồ Phương Thảo, sinh viên ĐH Luật TP.HCM:

Em thấy đối với các DN thì việc tạo dựng thương hiệu là rất quan trọng. Vì thế nếu họ ứng xử bất lợi cho NTD thì uy tín và thương hiệu của họ sẽ bị ảnh hưởng. Khi xảy ra vụ án con ruồi ở Tiền Giang, tụi em cũng rất băn khoăn, nay theo dõi cuộc thi thì đã giải đáp được rồi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm