Thí điểm thẩm phán mặc áo choàng khi xử

Sáng 20-9, tại buổi họp báo về tình hình hoạt động của các tòa trong 10 tháng đầu năm 2016, TAND Tối cao đã ra mắt mẫu trang phục mới của thẩm phán, dự kiến triển khai thực hiện thí điểm trong tháng 10-2016.

Thẩm phán mặc áo choàng dài tay

Theo đại diện TAND Tối cao, trang phục hiện nay của đội ngũ cán bộ, công chức ngành tòa án nói chung và thẩm phán nói riêng có nhiều bất cập: Chưa có hệ thống lễ phục, thẩm phán chưa có trang phục xét xử riêng, chất liệu vải chưa phù hợp tính chất thời tiết của các vùng miền… Vì vậy, TAND Tối cao đã xây dựng đề án đổi mới trang phục cán bộ, công chức ngành tòa án, trong đó có trang phục của thẩm phán, hội thẩm.

Yêu cầu đặt ra là trang phục mới phải thể hiện tính trang nghiêm, tính chuyên nghiệp của đội ngũ thẩm phán, góp phần nâng cao kỷ cương, kỷ luật, tác phong lễ tiết, danh dự, trách nhiệm nghề nghiệp, hình ảnh của người trực tiếp làm công tác xét xử - hình ảnh của công lý. Trang phục này phải được nghiên cứu trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc trang phục thẩm phán của các quốc gia trên thế giới, đảm bảo tính kế thừa truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng phải đảm bảo tính hiện đại về hình thức, màu sắc, tính năng sử dụng...

Quá trình lựa chọn mẫu trang phục, TAND Tối cao đã tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến các cơ quan hữu quan.

Mẫu trang phục của thẩm phán bốn cấp được thiết kế giống nhau để đảm bảo tính đồng bộ, chỉ khác ở vải phối và viền. Ngoài ra, chất liệu trang phục sẽ được lựa chọn phù hợp với đặc điểm thời tiết của từng vùng miền. Việc thí điểm được thực hiện tại TAND Tối cao, ba TAND Cấp cao, năm TAND TP trực thuộc trung ương, bốn TAND tỉnh An Giang, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Điện Biên.

Việc có áp dụng đại trà hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau khi có báo cáo đánh giá kết quả thí điểm và đề xuất của chánh án TAND Tối cao (trước ngày 1-7-2017).

Từ phải sang: Trang phục thẩm phán sơ cấp, thẩm phán trung cấp, thẩm phán cao cấp, thẩm phán TAND Tối cao. Ảnh: Đ.MINH

Đến năm 2018 chấm dứt việc tòa phải thuê trụ sở

Cũng tại cuộc họp báo, ông Bùi Danh Tiếu (Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính TAND Tối cao) cho biết tính đến ngày 31-9 có 35 tòa cấp huyện chưa có trụ sở làm việc. Đây chủ yếu là những tòa được thành lập kèm theo những cơ quan hành chính mới được thành lập từ năm 2010. “Đến nay đã quyết định khởi công 14 trụ sở tòa cấp huyện, 13 trụ sở được chuẩn bị đầu tư trong năm nay, còn lại được đầu tư trong năm 2017. Như vậy, dự kiến đến năm 2018 sẽ hoàn thiện, đưa vào hoạt động 35 trụ sở” - ông Tiếu nói.

Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn cho biết thêm: Nghị quyết 49 về cải cách tư pháp của Bộ Chính trị năm 2005 có đề cập đến việc xây dựng hệ thống tòa án sơ thẩm khu vực. Vì vậy từ năm 2005, với các đơn vị có địa giới hành chính tách ra cũng như một số đơn vị tòa án chưa có trụ sở, TAND Tối cao chờ đến khi thành lập tòa án sơ thẩm khu vực thì sẽ đầu tư sau. Tuy nhiên, đến năm 2014, Luật Tổ chức TAND mới quy định tòa án sơ thẩm đặt tại cấp huyện. Do vậy từ năm 2014, TAND Tối cao mới xây dựng kế hoạch đầu tư các trụ sở này.

Cũng theo ông Sơn, TAND Tối cao đang đề nghị những địa phương có điều kiện phát triển kinh tế có thể hỗ trợ cho hệ thống tòa án, đầu tư vào hệ thống phòng xử thân thiện cho Tòa án gia đình và người chưa thành niên.

BLHS 2015: 195 quy định có lợi cho bị can, bị cáo

Tại cuộc họp báo, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và quản lý khoa học Chu Thành Quang cho biết TAND Tối cao vừa ban hành Công văn 276 kèm danh mục 195 quy định trong BLHS 2015 có nội dung có lợi cho bị can, bị cáo. Công văn 276 trước mắt có giá trị giúp thẩm phán nhận diện các quy định có thể chứa đựng những nội dung có lợi cho bị can, bị cáo khi giải quyết các vụ án cụ thể. Tuy nhiên, khi áp dụng, thẩm phán, hội thẩm vẫn phải có trách nhiệm nghiên cứu những quy định được liệt kê trong danh mục để đảm bảo rằng việc áp dụng này có lợi cho bị can, bị cáo nhưng cũng không được bỏ lọt tội phạm.

Trước ý kiến cho rằng vì sao một vấn đề quan trọng như vậy mà Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao không ban hành ngay nghị quyết hướng dẫn, ông Quang lý giải để ban hành nghị quyết thì phải qua bảy bước với thời gian tối thiểu là 60 ngày. “Nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn là cần áp dụng ngay quy định có lợi của BLHS 2015 cho bị can, bị cáo, trước mắt TAND Tối cao ban hành công văn này. Những vấn đề cần hướng dẫn trong nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sau” - ông Quang cho biết.

Sắp công bố án lệ mới

TAND Tối cao đang xem xét 18 bản án, quyết định để lựa chọn các nội dung phát triển thành án lệ. Dự kiến trong tháng 10-2016, TAND Tối cao sẽ tiếp tục công bố những bản án, quyết định được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao lựa chọn làm án lệ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm