Cuộc chiến chống tin giả mùa dịch - Bài 3

Thế giới ứng phó với tin giả ra sao?

Tin giả không phải vấn đề mới nhưng đã sinh sôi mạnh mẽ trong đại dịch COVID-19. Hồi tháng 2-2020, tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã dùng lại một thuật ngữ cũ là “infodemic”, tạm dịch là “đại dịch tin giả”, để cảnh báo về những thông tin sai lệch liên quan tới COVID-19.

Phần lớn quốc gia trên thế giới đều nhìn nhận tính nghiêm trọng của đại dịch tin giả nguy hiểm không kém COVID-19 và có những cách tiếp cận khác nhau với vấn nạn này.

Xử lý bằng luật sự ch động ca chính ph

Là nơi khởi phát của dịch COVID-19, Trung Quốc tỏ rõ chính quyền sẽ không khoan nhượng với những người tạo ra và phát tán tin giả trong bối cảnh dịch bệnh. Người dân luôn được nhắc nhở về những luật và hình phạt có thể đối mặt nếu vi phạm. Thông tin về các vụ việc liên tục được cập nhật tới công chúng. Đặc biệt trong tuần từ ngày 20 đến 27-2-2020, số vụ khởi tố liên quan đến phát tán tin giả tăng vọt ở Trung Quốc.

Trung tâm chống tin giả của thái lan. Ảnh: reuteurs

Trước khi các “làn sóng” infodemic liên quan tới COVID-19 xảy ra, Singapore đã thông qua luật phòng chống tin giả trên không gian mạng, chính thức có hiệu lực từ tháng 10-2019. Vụ án đầu tiên được xử theo luật này liên quan tới tin giả được lan truyền hôm 27-1-2020 rằng bệnh nhân COVID-19 đầu tiên tử vong ở Singapore là một phụ nữ. Cho đến thời điểm đó, Singapore chưa ghi nhận ca tử vong nào vì dịch bệnh.

Đối tượng chính bị luật này điều chỉnh là nguồn phát tán tin sai sự thật. Luật yêu cầu từ người dùng mạng xã hội cho đến nền tảng phải đăng đính chính, thừa nhận nội dung sai lệch và dẫn liên kết đến trang web kiểm chứng thông tin chính thức của nhà nước. Nếu bất tuân, hình phạt có thể là phạt tiền hoặc thậm chí án tù lên tới 10 năm. Trong giai đoạn dịch, hàng chục yêu cầu đính chính căn cứ theo luật POFMA được ban hành, theo trang tin Channel News Asia.

Tương tự, một số nước Đông Nam Á khác cũng siết chặt quy định về thông tin liên quan tới đại dịch. Hồi tháng 3, Malaysia áp mức phạt tiền và án tù lên tới ba năm đối với người tung tin giả về COVID-19, theo hãng tin Al Jazeera. Chính phủ Thái Lan đã yêu cầu Trung tâm Chống tin giả của nước này phối hợp cùng cảnh sát và bộ, ngành liên quan đối phó tin giả trên các nền tảng mạng một cách nhanh chóng. Đầu năm nay, cảnh sát Thái Lan đã bắt giữ ít nhất 35 người vì đăng tin sai sự thật.

Liên minh châu Âu (EU) còn lập ra một ủy ban chuyên trách về tin giả và đòi hỏi quyền tiếp cận kho dữ liệu của các mạng xã hội. Các nền tảng được yêu cầu dán cảnh báo ở các thông tin sai lệch và gắn thẻ cả những nguồn tin đã được xác nhận là đáng tin cậy. EU còn thành công thuyết phục các mạng xã hội và cơ quan truyền thông lớn ký bộ quy tắc hành vi, quy định các bên phải cam kết hạn chế và đối phó tin giả.

GS Kasisomayajula Viswanath, chuyên gia về truyền thông sức khỏe tại Trường Y tế Cộng đồng T.H. Chan thuộc ĐH Harvard (Mỹ), cho rằng một số chính phủ và hệ thống y tế cộng đồng chưa được chuẩn bị đầy đủ để ứng phó với nguy cơ trên không gian mạng. Ông đề xuất thành lập một hệ thống giám sát tương tự công cụ theo dõi các bệnh truyền nhiễm để theo dõi các nội dung sai lệch. Từ đó, các cơ quan hữu quan sẽ có thể ngay lập tức cung cấp ra thông tin đáng tin cậy, chính xác để chống lại tin sai lệch.

Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc - bà Melissa Fleming cho rằng có hai giai đoạn infodemic. “Làn sóng” đầu tiên chủ yếu là những tin giả xoay quanh virus và các thuyết âm mưu về nguồn gốc của nó. “Làn sóng” thứ hai xuất hiện từ tháng 11-2020, xoay quanh những tin giả về vaccine.

Nghiên cứu của nhóm chuyên gia ĐH Công nghệ Nanyang (NTU) cho biết ở giai đoạn đầu đại dịch, các tin giả tập trung vào yếu tố khoa học và y tế. Đến giai đoạn về sau, tin giả liên quan đến các chính sách ứng phó của chính phủ xuất hiện nhiều hơn. 

Người dân và chính quyền cùng ngăn chặn tin giả

TS Tara Kirk Sell, chuyên gia về an ninh sức khỏe tại Trường Y tế Cộng đồng Bloomberg thuộc ĐH Johns Hopkins (Mỹ), đề xuất chiến lược truyền thông chống tin giả về dịch bệnh với đầu trụ cột. Đầu tiên là sự can thiệp kịp thời vào các thông tin giả và nguồn phát tán. Thứ hai, cần chủ động quảng bá những nguồn thông tin chính xác. Thứ ba, tăng cường “sức đề kháng” của người dân trước tin giả. Cuối cùng là một chiến lược tầm quốc gia, với sự đóng góp từ nhiều nguồn bao gồm báo chí, chính phủ, quan chức y tế cộng đồng, giới khoa học, các nền tảng mạng xã hội và người dân.

Một nhóm nghiên cứu cho rằng trong giai đoạn tin giả liên quan nhiều tới các chính sách chống dịch như hiện nay, vai trò của báo chí chính thống cần được đề cao. Theo đó, các hãng thông tấn cần qua việc diễn giải nhanh chóng, chính xác và kịp thời, giúp người dân hiểu đúng và đầy đủ những biện pháp mà nhà chức trách đang thực hiện, theo tờ The Straits Times.

Tuy nhiên, cuộc chiến tin giả cũng liên quan đến nhiều tác nhân hơn do báo chí chính thống phải cạnh tranh với nhiều nền tảng thông tin khác. Một khảo sát do Viện Reuters (ĐH Oxford, Anh) thực hiện từ tháng 4 cho thấy giữa các nền tảng, mạng xã hội được nhiều người (30%) cho là trung tâm của việc lan truyền các tin tức sai lệch về COVID-19. Theo khảo sát được thực hiện tại tám nước (Argentina, Brazil, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Anh và Mỹ), mức độ tiếp cận của các cơ quan thông tấn tới nhóm người trẻ 18-24 thấp hơn hẳn so với các nhóm tuổi khác.

Bộ trưởng Tư pháp Singapore K. Shanmugam hồi đầu năm nay từng khẳng định tính cần thiết phải ban hành luật để quản lý các nền tảng mạng xã hội. Ông nhận thấy tin giả trên mạng xã hội là do mô hình kinh doanh của họ đòi hỏi sự chú ý của người dùng và cáo buộc các nền tảng này lợi dụng cái gọi là quyền tự do ngôn luận của người dùng để “trục lợi”, theo hãng tin Reuters. Ông Shanmugam khẳng định một quan điểm đang được thế giới ngày càng đồng thuận là cuộc chiến chống tin giả không thể “khoán trắng” cho các nền tảng.

TS Sell ủng hộ quan điểm không thể đổ toàn bộ trách nhiệm ứng phó tin giả cho các công ty công nghệ, đặc biệt trong những tình huống y tế cộng đồng khẩn cấp. Bà ủng hộ rằng những chỉ dẫn về chính sách can thiệp nên được đảm nhận bởi một cơ quan độc lập và “trọng chứng” để các khuyến nghị và chỉ dẫn được trung lập.

GS Viswanath cũng cho rằng các nền tảng mạng xã hội cần chứng tỏ trách nhiệm nhiều hơn để góp phần ngăn chặn tin giả nguy hại. Ông ủng hộ quan điểm cần có một nhóm giám sát độc lập để theo dõi sự lan truyền của tin giả và có hành động phù hợp. Đồng thời, nếu không có sự chung tay của toàn bộ chủ thể trong xã hội, từ nhà nước, truyền thông chính thống đến trách nhiệm của người dân trong việc tiếp thu và sử dụng thông tin.

Nhấn mạnh vai trò của cả cộng đồng, một số nước phát triển các nền tảng để người dân trực tiếp xác minh, báo cáo tin giả. Hàn Quốc định hướng phát triển cơ chế hợp tác công - tư để khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tự nguyện xóa bỏ và ngăn chặn thông tin sai lệch. Nền tảng của chính quyền Seoul còn cho phép các cá nhân xác thực hoặc báo cáo tin giả. Iran cũng lập ra một nền tảng với chức năng tương tự.

 

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để chống tin giả

Công ty Công nghệ Google xác định trí tuệ nhân tạo (AI) là “nỗ lực mạnh mẽ nhất chống lại thông tin sai lệch”. Giữa tháng 5, Google đã giới thiệu hai công nghệ AI hỗ trợ xác thực thông tin và thể hiện quan điểm khách quan, song cả hai mới được phát triển ban đầu và cần thời gian để hoàn thiện, theo The Straits Times.

Trước đó, công ty khởi nghiệp Logically (Anh) đã đặt mục tiêu phát triển một giải pháp kết hợp AI và con người để kiểm tra tính xác thực của các tin tức, hình ảnh và nội dung các bình luận, theo tờ Forbes. Công ty đã ra mắt một ứng dụng điện thoại, mở đầu tại thị trường Anh và Ấn Độ trước khi được triển khai ở Mỹ giúp giải quyết vấn nạn tin giả trước cuộc bầu cử năm 2020.

Các mô hình AI của Logically sẽ gắn nhãn mức độ tin cậy của nguồn nội dung với các mức thấp, trung bình hoặc cao và cho biết một bài báo là đáng tin cậy hoặc không, dựa trên kết quả so sánh các nội dung tương tự từ hơn 100.000 nguồn. Các thuật toán không chỉ kiểm tra nội dung văn bản mà còn cả siêu dữ liệu và hình ảnh.

AdVerif.ai là một công ty AI mong muốn giữ cho người dùng an toàn trước các nội dung không phù hợp, sai lệch, giả mạo hoặc thư rác. Các thuật toán FakeRank của công ty giúp các nhà quảng cáo, nhà xuất bản và mạng quảng cáo kiểm duyệt nội dung, đảm bảo tuân thủ các chính sách của công ty để cuối cùng bảo vệ người dùng và giữ an toàn cho danh tiếng của thương hiệu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm