Thầy cho trò diễn 'cảnh nóng': Tòa đình chỉ xét xử

Ngày 15-9, TAND quận 12, TP.HCM tiếp tục xử sơ thẩm vụ kiện yêu cầu hủy các quyết định kỷ luật và bồi thường thiệt hại giữa nguyên đơn là ông Phạm Quốc Đạt (là giáo viên, sinh năm 1985, ngụ quận Gò Vấp) và bị đơn là Trường THPT Võ Trường Toản (quận 12, TP.HCM).

Phát biểu quan điểm, đại diện VKSND quận 12 cho rằng việc xem xét yêu cầu của nguyên đơn hủy quyết định xử lý kỷ luật là không thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án. Từ đó, các vấn đề yêu cầu bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần phát sinh từ quyết định xử lý kỷ luật của nhà trường đối với nguyên đơn là không có cơ sở để xem xét. VKS đề nghị HĐXX đình chỉ xét xử.

Nhận định, HĐXX cho rằng nguyên đơn được tuyển dụng theo quy định của luật viên chức, việc giải quyết khiếu nại về xử lý kỷ luật sẽ được giải quyết theo Luật Khiếu nại. Giải quyết khiếu nại lần đầu là Trường THPT Võ Trường Toản và trường này đã giải quyết đúng quy định. Quyết định kỷ luật số hai đối với ông Đạt không phải là quyết định kỷ luật buộc thôi việc.

Đồng thời, quan hệ giữa nguyên đơn và bị đơn không phải là tranh chấp lao động, không thuộc thẩm quyền của tòa án. Từ đó, HĐXX chấp nhận đề nghị của VKS, tuyên đình chỉ vụ án.

Ông Phạm Quốc Đạt tại tòa ngày 15-9. Ảnh: M.VƯƠNG 

HĐXX tuyên án ngày 15-9. Ảnh: M.VƯƠNG

Trước đó, tại ngày xét xử đầu tiên (10-7) nguyên đơn đã thay đổi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu bị đơn hủy các quyết định xử lý kỷ luật, xin lỗi công khai tại trường, đăng cải chính xin lỗi trên ba số báo liên tiếp.

Đồng thời, nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải bồi thường vật chất và tinh thần bao gồm tiền mất thu nhập từ việc không được giảng dạy, chi phí thuê luật sư... tổng cộng hơn 135,9 triệu đồng.

Sau đó, phiên tòa được tạm dừng để làm rõ một số tình tiết của vụ án. Cạnh đó, toà cũng xin ý kiến của cơ quan chuyên môn về hoạt động ngoại khoá có phù hợp với mục đích giảng dạy hay không.

Ngày 10-8, Sở GD&ĐT trả lời bằng văn bản nêu tác phẩm "Quan âm Thị Kính" thuộc bài đọc thêm trong chương trình Ngữ văn lớp 7, còn "Bỉ vỏ" không nằm trong chương trình giảng dạy ở bậc trung học phổ thông. 

Việc quản lý hoạt động chuyên môn nói chung, hoạt động ngoại khoá nói riêng được căn cứ vào kế hoạch tổ bộ môn và hiệu trưởng phê duyệt.

Sở GD&ĐT TP.HCM cho rằng nếu xét ở góc độ hoạt động ngoại khóa, phải xem xét kế hoạch tổ chức, nội dung, mục đích cụ thể của hoạt động này. Tổ bộ môn, nhà trường đã xây dựng và hiệu trưởng nhà trường duyệt thì mới có đủ căn cứ trả lời "có phù hợp với mục đích giảng dạy ở bậc phổ thông trung học hay không".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm