Thành lập phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND Tối cao

Ngày 12-1, tiếp tục phiên họp thứ 52, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, phê chuẩn quyết định của Viện trưởng VKSND Tối cao về việc thành lập phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND Tối cao.

Trình bày tờ trình, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho hay việc thành lập phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND Tối cao căn cứ vào khoản 4 Điều 12 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ 1-1-2021) quy định về tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự.

Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí. Ảnh: HOÀNG HẢI

Cũng theo tờ trình, phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND Tối cao có nhiệm vụ thực hiện giám định kỹ thuật hình sự về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử; nghiên cứu khoa học chuyên ngành kỹ thuật hình sự về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử; thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế chuyên ngành kỹ thuật hình sự về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử theo quy định của pháp luật…

VKSND Tối cao xác định vị trí pháp lý, quy mô, tính chất phòng giám định này là đơn vị cấp phòng thuộc Văn phòng VKSND Tối cao. Tuy nhiên, chức năng, nhiệm vụ của phòng Giám định độc lập với chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng VKSND Tối cao; chịu sự quản lý về mặt hành chính của Văn phòng VKSND Tối cao.

Ông Trí cũng cho biết cơ cấu tổ chức của phòng Giám định kỹ thuật hình sự này gồm: trưởng, phó phòng, các giám định viên và công chức khác. Dự kiến biên chế của phòng này sẽ có từ 7- 9 công chức. Trong tổng chỉ tiêu biên chế được giao, VKSND tối cao sẽ sắp xếp biên chế hợp lý, đủ số lượng và chất lượng, không làm tăng thêm biên chế.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng hiện VKSND Tối cao đã có phòng kỹ thuật hình sự thuộc Cục Điều tra. Nay theo quyết định của Viện trưởng lại thành lập phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Văn phòng VKSND tối cao. Như vậy là tồn tại song song hai phòng.

Ông Tùng thông tin thêm: Mô hình của Bộ Quốc phòng là cơ quan giám định kỹ thuật hình sự đặt tại Cục Điều tra của Bộ Quốc phòng. “Ở VKSND Tối cao không đặt tại Cục Điều tra mà lại đặt ở Văn phòng VKSND Tối cao. Đề nghị đồng chí Viện trưởng báo cáo bổ sung thêm tại sao lại cơ cấu tổ chức như vậy? Liệu có trùng lặp với phòng kỹ thuật hình sự thuộc Cục Điều tra của VKSND Tối cao hay không?”- ông Tùng hỏi.

Trả lời sau đó, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết: “Nếu tin được anh em trong nội bộ thì để phòng này thuộc Cục Điều tra là nhanh gọn và quản lý trong hệ thống được. Tuy nhiên, để đảm bảo tính độc lập, sợ rằng cơ quan điều tra lại chỉ đạo cả cơ quan giám định này sẽ không khách quan, có khi lại sinh chuyện nên buộc phải đi chỗ khác”. 

Cũng theo ông Trí, hiện không thể thành lập một vụ, hay phòng độc lập được vì sẽ phát sinh thêm biên chế, tổ chức. Do vậy, VKSND Tối cao quyết định đưa phòng này trực thuộc Văn phòng VKSND Tối cao. 

Ông Trí cũng khẳng định sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn quyết định nói trên, VKSND Tối cao sẽ bổ sung chức năng giám định này cho Văn phòng VKSND Tối cao.

“Chúng tôi đã cân nhắc mãi rồi. Nếu để ở cơ quan điều tra sẽ không khách quan. Khi có người khiếu nại kết quả điều tra thì phức tạp ở chỗ người ta nói người ta không tin ông giám định này vì nó thuộc cơ quan điều tra”- ông Trí nói.

Với 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau đó đã phê chuẩn quyết định của Viện trưởng VKSND Tối cao về việc thành lập phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND Tối cao.

VKSND Tối cao được giám định âm thanh, hình ảnh
VKSND Tối cao được giám định âm thanh, hình ảnh
(PL)- Sau thời gian dài bàn thảo, cuối cùng Quốc hội đã thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, trong đó thêm chức năng giám định cho VKSND Tối cao.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm