Thẩm phán xử oan có được miễn trừ?

Tại phiên chất vấn chánh án TAND Tối cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình oan sai trong tố tụng hình sự mới đây có nội dung chất vấn liên quan đến vụ Cục Điều tra VKSND Tối cao khởi tố nguyên thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP Hà Nội Phạm Tuấn Chiêm về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Chiêm từng là chủ tọa phiên tòa phúc thẩm xử vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn.

Chỉ xét trách nhiệm nếu cố ý vi phạm?

Tại phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương nói việc chỉ khởi tố mỗi chủ tọa phiên tòa (ông Chiêm) là không công bằng bởi các thành viên HĐXX ngang quyền nhau. Ông Đương cũng đặt câu hỏi: “Với tất cả trường hợp tòa đã xét xử, kết án oan khác mà còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì có xử lý hình sự chủ tọa hay không?”.

Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình trả lời: “Việc khởi tố có công bằng hay không, trách nhiệm này thuộc về VKSND Tối cao vì cơ quan điều tra (CQĐT) của VKSND Tối cao đang thực hiện việc khởi tố, điều tra, hồ sơ chưa chuyển sang tòa”. Ông Bình cho biết thêm: “Ở các nước người ta không truy cứu trách nhiệm của thẩm phán vì lỗi vô ý bởi thẩm phán đại diện cho nhà nước để tuyên một bản án. Nếu thẩm phán xử cố ý làm sai thì phải chịu trách nhiệm hình sự và bồi hoàn. Thời điểm thẩm phán Chiêm xét xử chưa có tranh tụng, xét xử chủ yếu là án tại hồ sơ nên không phát hiện được cái sai, đây là nhận thức của thẩm phán. Tới đây, luật phải quy định rõ để các thẩm phán yên tâm công tác”.

Cụ thể hóa quan điểm của chánh án TAND Tối cao, khi góp ý dự thảo BLTTHS (sửa đổi), TAND Tối cao đã đề nghị đưa vào một nguyên tắc rất mới: “Thẩm phán, hội thẩm nhân dân không bị xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự, bồi thường thiệt hại đối với quan điểm, quyết định được đưa ra khi thực hiện quyền hạn xét xử, trừ trường hợp cố ý vi phạm theo quy định của luật. Việc xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với thẩm phán phải có ý kiến của hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia”.

Nếu BLTTHS ghi nhận quyền miễn trừ thì ông Chiêm (ảnh 1) sẽ không bị khởi tố về tội thiếu trách nhiệm… dù đã kết án oan ông Nguyễn Thanh Chấn (ảnh 2).

Phù hợp luật pháp quốc tế

Trong nhiều hội nghị, hội thảo góp ý sửa đổi BLTTHS thời gian qua, nhiều thẩm phán cũng cho rằng xét xử là công tác đặc thù, các phán quyết của HĐXX có thể không tránh khỏi sai sót khi nhận thức về quy định của pháp luật hoặc đánh giá chứng cứ không chính xác, chưa đầy đủ, đặc biệt là trong trường hợp hồ sơ vụ án bị phía CQĐT “dàn dựng”. Vì vậy rủi ro trong nghề nghiệp vẫn có thể xảy ra...

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư (LS) Nguyễn Đức Chánh (Đoàn LS TP.HCM) ủng hộ đề nghị trên của TAND Tối cao. Theo ông, việc miễn trừ trách nhiệm cho thẩm phán, hội thẩm không cố ý vi phạm khi xét xử là cần thiết, trừ trường hợp họ tuyên án mà biết rõ là trái pháp luật. Điều này có thể tránh việc gây rủi ro cho thẩm phán, hội thẩm trong hoạt động nghề nghiệp và ảnh hưởng đến việc xét xử độc lập của họ. Nó cũng phù hợp với luật pháp quốc tế như Các nguyên tắc cơ bản về sự độc lập của hệ thống tòa án (Liên Hiệp Quốc); Tuyên bố Bắc Kinh về nguyên tắc độc lập tư pháp; pháp luật một số nước như Mỹ, Nga, Ba Lan…

Tuy nhiên, LS Chánh lưu ý: Trường hợp thẩm phán, hội thẩm thấy không đủ căn cứ buộc tội hay vụ án còn mâu thuẫn, chưa rõ nhưng vẫn hùa theo CQĐT, VKS cố kết tội bị cáo thì rõ ràng họ đã vi phạm và phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ra bản án trái pháp luật chứ không được hưởng quyền miễn trừ trách nhiệm hình sự.

LS Đặng Thành Trí (Đoàn LS TP.HCM) góp ý: Nếu thẩm phán, hội thẩm không có vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà chỉ đơn thuần do trình độ yếu kém gây ra oan sai thì nên miễn trừ trách nhiệm hình sự, miễn trừ bồi thường nhưng phải chịu xử lý kỷ luật. Ngoài trường hợp này thì không miễn trừ trách nhiệm.

Dễ cẩu thả, gây oan sai

Ngược lại, nhiều chuyên gia khác không ủng hộ đề nghị của TAND Tối cao.

“Bản án, quyết định của tòa không chỉ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng mà còn ảnh hưởng đến chất lượng xét xử, hoạt động tư pháp. Nếu miễn trừ trách nhiệm cho thẩm phán, hội thẩm thì rất dễ dẫn đến tình trạng ra bản án, quyết định một cách cẩu thả, gây oan sai tràn lan” - ThS Trần Thanh Thảo (Trường ĐH Luật TP.HCM) nhận xét.

Theo LS Dương Vĩnh Tuyến (Đoàn LS tỉnh Bình Phước), trách nhiệm của thẩm phán nói riêng, của HĐXX nói chung là xem xét việc truy tố của VKS đối với bị cáo có căn cứ hay không. Nếu truy tố có căn cứ thì HĐXX kết án bị cáo, còn truy tố không có căn cứ, chưa đủ căn cứ thì HĐXX tuyên bị cáo không phạm tội hay trả hồ sơ. Pháp luật đã cung cấp cho thẩm phán, hội thẩm đầy đủ các quyền năng để có thể thực hiện chức trách này mà không ai có thể can thiệp được. Thật vô lý khi thẩm phán, hội thẩm kết án oan một người rồi lại bảo do vô ý nên không bị xem xét gì.

“Từ trước đến nay không ít thẩm phán, hội thẩm vẫn tồn tại tư duy án tại hồ sơ và khi xét xử vẫn nghiêng về hồ sơ buộc tội do CQĐT, VKS cung cấp. Nếu họ có trách nhiệm, công tâm, biết lắng nghe lời trình bày của bị cáo, của người bào chữa, chịu khó nghiên cứu, đánh giá kỹ các chứng cứ buộc tội, gỡ tội cũng như mạnh dạn thực thi quyền tuyên bố bị cáo không phạm tội thì có lẽ án oan đã giảm” - LS Nguyễn Thạch Thảo (Đoàn LS TP.HCM) khẳng định.

Trước các ý kiến cho rằng thẩm phán, hội thẩm có thể bị điều tra viên, kiểm sát viên qua mặt bằng cách làm sai lệch hồ sơ vụ án nên nếu “trảm” họ là oan ức, LS Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn LS TP.HCM) nói: Thật ra khi đọc hồ sơ vụ án, chỉ cần là người trong nghề (thẩm phán, điều tra viên, kiểm sát viên, LS) đều có thể phát hiện ra những điểm bất thường dù “kịch bản vụ án” do CQĐT tạo dựng có hoàn hảo đến đâu. Với niềm tin nội tâm, thẩm phán hoàn toàn có thể cảm nhận, làm rõ và quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung. Nhưng thực tế có những vụ thẩm phán biết có trả hồ sơ cũng không điều tra được gì thêm nên dễ dãi cho qua.

“Trong thực tiễn, câu chuyện “thống nhất án” từ ba cơ quan tố tụng không phải là không có. Nếu quy định quyền miễn trừ trách nhiệm có thể khiến tiêu cực phát sinh thêm. Tuy nhiên, căn cứ, trình tự, thủ tục truy cứu trách nhiệm thẩm phán, hội thẩm cần được quy định cụ thể, rõ ràng hơn, tránh truy cứu oan những người đã cố gắng làm hết trách nhiệm mà hậu quả vẫn xảy ra” - LS Hưng nói.

VKSND Tối cao không tiếp thu đề nghị

Khi tổng hợp và tiếp thu, giải trình ý kiến về dự án BLTTHS (sửa đổi), VKSND Tối cao (cơ quan chủ trì soạn thảo) đã không tiếp thu đề nghị của TAND Tối cao. Theo VKSND Tối cao, nội dung quyền miễn trừ trách nhiệm đối với thẩm phán, hội thẩm nhân dân không thuộc phạm vi điều chỉnh của BLTTHS mà thuộc phạm vi điều chỉnh của BLHS, Luật Tổ chức TAND và quy chế nội bộ của ngành tòa án…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm