Thẩm phán tự ‘điều tra’ để minh oan cho bị cáo

Với kinh nghiệm 36 năm ngồi ghế quan tòa, ông Nguyễn Đức Sáu, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM, từng tuyên nhiều bị cáo không phạm tội. Đã không ít lần ông Sáu phải thân chinh đến tận hiện trường xảy ra vụ án để nghiên cứu, thậm chí phải tự mình “thực nghiệm điều tra”. Nhờ vậy, bản án tuyên vô tội của HĐXX mà ông là chủ tọa có sức thuyết phục cao, vì nó “thấu lý đạt tình”.

Làm sao ở nhiệt độ 800oC mà thép lại nóng chảy!

Gần 30 năm trước, tàu Ninh Cơ - loại tàu chở hàng đông lạnh, tải trọng 1.606 tấn - bất ngờ phát cháy khi đang neo đậu tại cảng thực vật Nhà Bè để sửa máy. Vụ cháy làm ba người bị thiệt mạng và một người khác bị bỏng nặng.

Sau đó, điện trưởng, kỹ sư máy, thủy thủ bị truy tố về hai tội vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy gây hậu quả nghiêm trọng và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Riêng máy trưởng và thuyền trưởng bị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Thụ lý xét xử vụ này, khi đọc biên bản khám nghiệm hiện trường, ông Sáu giật mình bởi có một chi tiết không ổn: Lưới thép chảy thành những giọt sáng bóng. Về mặt khoa học, thép chỉ nóng chảy ở nhiệt độ từ 1.600oC trở lên. Trong khi đó, kết quả giám định xác định vụ cháy nổ do hỗn hợp khí hơi dầu gây ra..., nhiệt độ của vụ cháy khoảng 800 độ.

Ngoài ra, vụ án còn có thông tin về việc thành viên tàu buôn bán hóa chất gây nên cháy. Hồ sơ và lời khai tại tòa của một bị cáo cũng thể hiện vấn đề này.

Hàng ngàn bánh heroin đã được chủ tọa Nguyễn Đức Sáu (thứ năm từ trái) trích xuất đến tòa để mọi người chứng kiến, cảm nhận sự kinh hoàng của tội phạm ma túy. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Thị sát hiện trường để minh oan hai bị cáo

Với kinh nghiệm của người lính đặc công, ông Sáu đánh giá: Không thể là cháy nổ hóa chất, bởi nếu hóa chất để một đống trong hầm tàu thì khi cháy thành tàu sẽ phải sùi biến dạng.

Kết thúc hai ngày xét xử, ông Sáu đã mời đoàn công tác có mặt tại ụ sửa chữa cảng Ba Son để kiểm chứng lại những đánh giá khi nghiên cứu hồ sơ và nghe tranh tụng tại tòa. Tàu khi đó đã đưa vào ụ sửa chữa và rút nước trong ụ tàu ra, đoàn đã vào kiểm tra từng chi tiết.

Ông Sáu đã chỉ ra rằng sơn thành tàu có vết răn đều hình bản đồ, hoàn toàn không có hiện tượng sùi biến dạng. Hơn nữa, khi rã máy tàu (để sửa chữa), hơi nóng và hơi dầu bốc lên thành một lượng đậm đặc mà không thoát ra ngoài được. Hơi dầu gặp nhiệt độ trên 200oC của bóng đèn 500 W nên bốc cháy, tạo nhiệt độ tăng đột biến thì sẽ gây ra nổ. Đây mới chính là nguyên nhân gây ra vụ cháy nổ. Việc gắn thêm bóng đèn 500 W trong hầm máy là do điện trưởng tự làm, thậm chí thuyền phó trực ban cũng không được báo cáo.

Khi tàu neo đậu, phải căn cứ vào điều lệ, chức trách thuyền viên trên tàu biển Việt Nam. Theo đó, thuyền trưởng và máy trưởng không phải trực ca, trừ những tàu làm nhiệm vụ, trực bến, phục vụ bến cảng, cứu hộ… với tính chất công việc không kéo dài quá 12 tiếng. Vụ án này, trước khi sửa tàu, thuyền trưởng và máy trưởng đã họp phổ biến kế hoạch và phân công nhiệm vụ nên việc họ vắng mặt trên tàu khi xảy ra cháy không trái quy định…

Bản án được viết xong thì trời đã hừng đông. Án được tuyên ngay trong buổi sáng hôm đó. Điện trưởng, kỹ sư máy, thủy thủ lãnh án về hai tội danh bị truy tố. Máy trưởng và thuyền trưởng do vô can nên được tuyên không phạm tội.

Tuyên án xong, ông Sáu tổ chức họp báo, chính thức trả lời những nghi ngờ của dư luận. Bản án viết trong đêm trắng này sau đó đã được cấp phúc thẩm hoàn toàn đồng tình.

Giải oan cho người “làm ơn mắc oán”

Đến nay, hẳn không còn nhiều người nhớ đến vụ Phạm Việt Nam Hòa Bình - người được minh oan sau 17 tháng tù giam vì cứu người bị tai nạn giao thông. Nhưng với cựu Thẩm phán Nguyễn Đức Sáu, vụ án này khiến ông nhớ mãi vì nó điển hình cho chuyện “làm ơn mắc oán” khi bị cáo vô tư cứu người bị nạn nhưng lại bị níu áo vào vòng tù tội.

Bình là lái xe lam tải, chuyên chở rau từ ngoại thành vào các chợ trung tâm bỏ mối. 11 giờ trưa một ngày tháng 11-1994, Bình đi ngang hương lộ 11 (quận Tân Bình) thì thấy có người bị tai nạn giao thông nằm trên đường. Anh quay xe lại đưa nạn nhân vào bệnh viện, hoàn tất các thủ tục rồi đi giao rau tiếp.

Mấy ngày sau, Bình bị bắt vì lời khai của hai người: Một người thu hoạch hoa màu trên cánh đồng rau ven đường, một người là người cùng lưu thông trên đường khi ấy. Họ nói chính mắt họ trông thấy xe lam của Bình tông xe nạn nhân, gây gãy kín xương đùi và vỡ xương bánh chè người đi xe máy.

Đọc các biên bản khám nghiệm, ông Sáu đã hoài nghi về việc buộc tội Bình. Trong khi Bình một mực kêu oan thì phía VKS cương quyết bảo lưu quan điểm truy tố. Ông quyết định trực tiếp khảo sát và nhận thấy rằng vụ tai nạn là cú đâm đụng trực diện, đầu chiếc xe máy bể nát, trong khi xe lam lại không hề hấn. Xe máy đã bị tác động từ phía bên phải chứ không phải bên trái (là phía xe của Bình).

Hơn nữa, nếu để hai phương tiện di chuyển áp sát ngược chiều nhau thì những vết trầy xước của xe máy không đụng được vào thành của xe lam. VKS cho rằng sau khi gây tai nạn, Bình đã đưa xe đi sửa nhưng thực tế thì Bình liên tục chạy giao hàng, không có thời gian nghỉ sửa xe…

Bấy nhiêu đó đã đủ để Phạm Việt Nam Hòa Bình được tuyên không phạm tội vi phạm các quy định về an toàn giao thông. Bình được tự do, về nhà làm mướn mưu sinh, tiếp tục làm người tử tế và sẵn sàng cứu giúp người bị tai nạn khác khi họ cần đến mình.

Có những vụ án nếu chỉ căn cứ vào hồ sơ vụ án để xét xử thì người thẩm phán khó có thể đưa ra được phán quyết đúng đắn nhất trong tình huống phức tạp. Khi xét xử, thẩm phán trước hết là con người nhìn vào một con người, soi rọi mọi ngóc ngách của vụ án để xem có gì oan khuất đằng sau đó. Khi đã tin chắc, thẩm phán mới đưa ra phán quyết. Khi đó người thẩm phán mới có thể thanh thản với lương tâm của mình.

Ông NGUYỄN ĐỨC SÁU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm