‘Thẩm phán không khoan nhượng với tham nhũng, lãng phí’

Ngày 12-1, TAND Tối cao đã tổ chức hội nghị triển khai công tác ngành năm 2017 (dự kiến diễn ra trong ba ngày). Báo cáo của TAND Tối cao cho hay năm 2016, các tòa án đã giải quyết hơn 432.000 vụ việc các loại trong tổng số hơn 462.000 vụ việc đã thụ lý. Tỉ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán là 1,27%, giảm 0,08% so với cùng kỳ năm 2015.

Xử nghiêm án tham nhũng

“Công tác giải quyết, xét xử các vụ án hình sự trong năm qua về cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật” - báo cáo của TAND Tối cao nhận định. Cũng theo TAND Tối cao, đối với các bị cáo phạm tội về tham nhũng (TN), chức vụ, kinh tế, các tòa đều áp dụng hình phạt nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay. Khi xem xét cho các bị cáo hưởng án treo, các HĐXX đều cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá thận trọng các tình tiết của vụ án cũng như nhân thân người phạm tội. Các bị cáo được tòa cho hưởng án treo thường tham gia vụ án với vai trò thứ yếu, nhất thời phạm tội hoặc bị rủ rê, lôi kéo, có nhiều tình tiết giảm nhẹ.

Tuy nhiên, TAND Tối cao nhìn nhận còn một số trường hợp đánh giá tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, vai trò của bị cáo chưa tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, dẫn đến sai sót khi quyết định hình phạt. Một số tòa án không xem xét kỹ nhân thân của bị cáo nên cho bị cáo đã hai lần bị kết án được hưởng án treo, hay tòa cấp phúc thẩm cho bị cáo hưởng án treo mà không có thêm tình tiết giảm nhẹ nào so với cấp sơ thẩm. Cạnh đó, một số tòa địa phương chưa khắc phục triệt để tình trạng án quá hạn giải quyết do lỗi chủ quan của tòa, chưa khắc phục triệt để việc bản án tuyên không rõ ràng…

Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Đ.MINH

Thẩm phán phải có bản lĩnh, dũng khí

Tới dự và phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhận xét năm qua chất lượng xét xử các loại vụ án tiếp tục được nâng lên, tiến độ giải quyết án được đẩy nhanh. Trong quá trình xét xử, các tòa đã chú trọng bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm và người phạm tội. “Tranh tụng tại phiên tòa tiếp tục được mở rộng với không khí dân chủ hơn và chất lượng ngày càng được nâng cao” - Chủ tịch nước nói.

Cũng theo Chủ tịch nước, các vụ án lớn, trọng điểm, phức tạp được tập trung chỉ đạo giải quyết sát sao, nhất là các vụ án kinh tế, TN mà dư luận quan tâm; hình phạt áp dụng tương xứng với tính chất, mức độ phạm tội của bị cáo. Ngành tòa án cũng chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám đốc một số vụ án hình sự có đơn kêu oan và nghiêm túc khắc phục hậu quả các trường hợp oan, sai...

Chủ tịch nước yêu cầu ngành tòa án cần chủ động phối hợp chặt chẽ với CQĐT, VKS và các cơ quan có liên quan để đẩy nhanh tiến độ, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh án TN nhằm sớm trừng trị nghiêm khắc kẻ phạm tội, thu hồi tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt, thất thoát, đồng thời thể hiện thái độ quyết tâm đấu tranh, đẩy lùi TN của Đảng, Nhà nước trước nhân dân. Trong quá trình xử lý án, cùng với việc xét xử nghiêm minh thì cần làm rõ nguyên nhân, điều kiện dẫn đến TN; kiên quyết khởi tố vụ án tại phiên tòa nếu phát hiện tội phạm mới và người phạm tội mới. Thông qua mỗi vụ án, cần làm rõ trách nhiệm của công tác quản lý, những kẽ hở của cơ chế, chính sách hay khiếm khuyết của pháp luật để chủ động tham mưu với Ðảng, Nhà nước và kiến nghị các cơ quan hữu quan áp dụng biện pháp phòng ngừa, khắc phục hữu hiệu.

“Thẩm phán làm công tác này phải luôn giữ cho mình thật sự liêm chính, chí công vô tư; phải là người có bản lĩnh, dũng khí, kiên quyết đấu tranh bảo vệ cái đúng, không khoan nhượng với TN, lãng phí” - Chủ tịch nước dặn dò.

Khắc phục hậu quả oan sai

Theo TAND Tối cao, năm qua các tòa đã thụ lý tám yêu cầu bồi thường oan thuộc trách nhiệm của tòa (đã giải quyết dứt điểm hai vụ). TAND Tối cao cũng tích cực phối hợp với các cơ quan tư pháp trung ương tiến hành xác minh và minh oan cho một số trường hợp được xét xử từ nhiều năm trước nhưng trong thời gian gần đây mới phát hiện bị oan và được dư luận rất quan tâm như vụ ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), vụ ông Trần Văn Thêm (Bắc Ninh), vụ ông Hàn Đức Long (Bắc Giang).

Ngoài ra, các tòa cũng đã thụ lý 32 vụ kiện dân sự mà người bị oan khởi kiện các cơ quan yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (đã giải quyết được 22 vụ). Trong đó có 21 vụ yêu cầu cơ quan tố tụng bồi thường, bảy vụ yêu cầu cơ quan quản lý hành chính nhà nước bồi thường; ba vụ yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự bồi thường...

Rút kinh nghiệm về thủ tục phá án

Theo TAND Tối cao, tỉ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa đạt chỉ tiêu theo yêu cầu tại các nghị quyết của Quốc hội. Vẫn còn trường hợp trả lời không có căn cứ kháng nghị nhưng sau đó chánh án TAND Tối cao phải kháng nghị để giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

Việc ra quyết định kháng nghị trong một số trường hợp có tính thuyết phục chưa cao hoặc không cần thiết. Cạnh đó, một số quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đánh giá chứng cứ thiếu chính xác, chưa toàn diện, bỏ sót nội dung. Nhận định, lập luận trong quyết định kháng nghị và quyết định giám đốc thẩm có mâu thuẫn. Nội dung một số kháng nghị chưa chỉ ra được hoặc chỉ ra nhưng không đầy đủ sai sót trong bản án bị kháng nghị; áp dụng không đúng và không đầy đủ các văn bản pháp luật có liên quan…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm