Thẩm phán bị ‘tuýt còi’ vì áp lệnh sai

Tháng 8-2019, TAND huyện Đức Hòa, Long An thụ lý vụ Công ty X. (TP.HCM) tranh chấp hợp đồng kinh doanh thương mại với Công ty Y. (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Nội dung khởi kiện Công ty X. yêu cầu Công ty Y. phải thanh toán số tiền mua hàng và lãi là hơn 30 tỉ đồng.

Trong quá trình giải quyết vụ án, Công ty X. có đơn đề nghị TAND huyện áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) về việc cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định theo khoản 12 Điều 114, Điều 127 BLTTDS. Cụ thể, Công ty X. yêu cầu tòa cấm Công ty Y. thực hiện thay đổi người đại diện theo pháp luật.

Ngày 8-7-2019, thẩm phán được phân công giải quyết vụ án ban hành quyết định áp dụng BPKCTT với nội dung như trên. Cùng ngày, Chi cục Thi hành án dân sự huyện ra quyết định thi hành án và hai ngày sau đến trụ sở Công ty Y. niêm yết quyết định này.

Công ty Y. khiếu nại yêu cầu tòa thu hồi, hủy bỏ quyết định của thẩm phán và chánh án TAND huyện có quyết định giải quyết khiếu nại. Theo chánh án, quyền yêu cầu áp dụng BPKCTT là tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự. Mục đích là để thu thập và bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có, tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng xảy ra… nhằm đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.

Nội dung vụ án này là tranh chấp hợp đồng mua bán giữa Công ty X. đối với Công ty Y. Việc Công ty Y. có thay đổi người đại diện theo pháp luật cũng không làm thay đổi tư cách pháp nhân của công ty này và không làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án giữa hai công ty.

Công ty X. cho rằng việc thay đổi người đại diện theo pháp luật của Công ty Y. sẽ làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án là không có cơ sở. Công ty X. thực hiện quyền yêu cầu áp dụng BPKCTT nhưng không đưa ra được chứng cứ chứng minh quyền lợi của mình bị xâm phạm hoặc bị đe dọa xâm phạm trong quá trình giải quyết vụ án theo Điều 111 BLTTDS.

Theo chánh án TAND huyện, thẩm phán ban hành quyết định áp dụng quyết định theo yêu cầu của Công ty X. là chưa chuẩn, không đúng khoản 1 Điều 111 BLTTDS. Công ty Y. khiếu nại yêu cầu thu hồi, hủy bỏ quyết định này là có căn cứ nên được chấp nhận. Vì vậy chấp nhận khiếu nại của Công ty Y. hủy bỏ quyết định áp dụng BPKCTT của thẩm phán.

Tiếp đó, ngày 7-10-2019, Công ty Y. có đơn yêu cầu thẩm phán đã ban hành quyết định áp dụng BPKCTT và Công ty X. phải liên đới bồi thường thiệt hại vật chất và tinh thần cho mình là 100 triệu đồng do áp dụng sai.

Ngày 22-10-2019, TAND huyện tiếp tục có văn bản trả lời yêu cầu này cho rằng yêu cầu của Công ty Y. không phải là yêu cầu phản tố của bị đơn. Nếu Công ty Y. có cơ sở chứng minh được việc áp dụng BPKCTT của thẩm phán đã gây thiệt hại cho mình thuộc căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường nhà nước thì đề nghị Công ty Y. thực hiện thủ tục khởi kiện vụ án khác. Cơ sở pháp lý là Điều 7 Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước 2017.

Ngày 10-2, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Công ty Y. cho biết vẫn giữ nguyên yêu cầu bồi thường và muốn được giải quyết trong cùng vụ án này, không khởi kiện thành vụ án khác.

Cơ sở để tòa hướng dẫn Công ty Y. kiện vụ án khác

1. Nhà nước có trách nhiệm bồi thường khi có đủ các căn cứ sau đây:

a) Có một trong các căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Có thiệt hại thực tế của người bị thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo quy định của luật này;

c) Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại.

(Trích khoản 1 Điều 7 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm