Tham nhũng ở khu vực tư làm xói mòn các giá trị

Lâu nay khi nói đến tham nhũng là nói đến những người có chức, có quyền trong bộ máy công quyền chứ không ai quan tâm đến những người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực tư. Bởi khu vực kinh tế tư nhân làm gì có tham nhũng? Tuy nhiên, chúng ta đang trong quá trình hội nhập sâu vào quan hệ quốc tế. Trong quá trình đó, một số quyền lực nhà nước được chuyển dần cho các doanh nghiệp, tổ chức tư nhân. Các tổ chức này phát triển mạnh mẽ, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế-xã hội. Và hành vi tham nhũng trong khu vực tư cũng gây ra những hậu quả nguy hiểm không kém hành vi tham nhũng trong khu vực công. Nếu ở khu vực công, tham nhũng làm suy yếu hiệu lực quản lý nhà nước, giảm lòng tin của nhân dân vào chế độ thì ở khu vực tư, tham nhũng làm thất thoát tài sản, suy giảm năng lực, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến lợi ích của người lao động. Và dù tham nhũng ở khu vực công hay tư thì cũng đều làm xói mòn các giá trị, chuẩn mực đạo đức và xã hội.

Trước đây khi tiềm lực kinh tế ở khu vực tư còn hạn chế do các loại hình kinh tế tư nhân chưa phát triển thì tham nhũng ở khu vực tư gần như không có hoặc có nhưng không đáng kể. Ngày nay kinh tế tư nhân đã chiếm một tỉ phần không nhỏ trong nền kinh tế quốc dân. Các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty, công ty ngày càng lớn mạnh. Các quan hệ xã hội trong khu vực tư nhân cũng thay đổi. Những hành vi mua chuộc, hối lộ của cấp dưới đối với cấp trên, của các vị lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty, công ty đối với quan chức nhà nước, đối với nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế không hiếm. Những hoạt động “đi đêm, lót tay”, hoa hồng bất hợp pháp… của các doanh nghiệp để giành hợp đồng, lợi thế, cơ hội làm ăn vẫn âm ỉ xảy ra. Trong các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty, các công ty tư nhân cũng không thiếu những vụ hối lộ, chạy chức, chạy quyền; không thiếu những hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản; nhiều người có chức vụ, quyền hạn làm giàu trên mồ hôi nước mắt của người lao động.

Thực tiễn đấu tranh chống tội phạm cho thấy nhiều vụ việc xảy ra trong khu vực kinh tế tư nhân như: Tham ô tài sản, nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ; lạm quyền; sử dụng trái phép tài sản của đơn vị vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật… xảy ra nhưng không xử lý được. Bởi những người có chức vụ, quyền hạn đó không phải là người của cơ quan công quyền, họ không phải là người thực hiện một công vụ.

Vì vậy, đã đến lúc cần mở rộng khái niệm “tội phạm về chức vụ và người có chức vụ, quyền hạn” quy định tại Điều 277 Bộ luật Hình sự theo hướng không chỉ đối với những người “thực hiện một công vụ” mà bao gồm cả những người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực tư nhân. Có như vậy thì nguyên tắc “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” mới thực sự được thực thi.

Về kỹ thuật lập pháp, nên quy định các tội phạm về tham nhũng thành một chương riêng (Chương XII), đứng sau chương Các tội xâm phạm an ninh quốc gia để khẳng định rằng tham nhũng cũng là giặc nội xâm, cần phải trừng trị nghiêm khắc. Có như vậy mới thể hiện tính răn đe và phòng ngừa loại tội phạm này.

Công ước phòng, chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc có đề cập đến việc xử lý hành vi tham nhũng trong lĩnh vực tư. Do đó, chúng ta cần nghiên cứu thấu đáo để quy định cho phù hợp với công ước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm