Tên công ty “Một Mình Tao” có thể bị từ chối đăng ký

Thông tin về việc đăng ký thành lập Công ty TNHH Một Mình Tao được cộng đồng quan tâm. Cái tên “bắt trend” mạng xã hội những ngày qua nhưng được nhiều người nhận định là mang tính chất đùa cợt, kém văn hóa.
Tính đến chiều qua (2-6), hệ thống thông tin doanh nghiệp (DN) quốc gia vẫn chưa ghi nhận sự ra đời của công ty này.
Trong đời sống hằng ngày, “tao” cũng thường được sử dụng, có lúc là tự xưng một cách gần gũi, thân mật. Tuy nhiên, cách hiểu rộng rãi của xã hội vẫn đúng như Từ điển tiếng Việt (1988 - Hoàng Phê chủ biên) đã giải thích “Tao: Từ dùng để tự xưng khi nói với người ngang hàng hay người dưới, tỏ ý coi thường, coi khinh”. Xưng hô mày - tao bị xem là kém văn hóa, khiếm nhã.
Với ý nghĩa coi thường, coi khinh, đặc biệt gắn với ngữ cảnh “một mình tao” và bối cảnh mạng xã hội thời gian gần đây, việc cá nhân đăng ký tên này cho DN bị đánh giá là coi thường môi trường kinh doanh.
Một lãnh đạo cơ quan đăng ký kinh doanh (ĐKKD) khẳng định tên công ty “Một Mình Tao” sẽ không thể được chấp nhận vì từ ngữ kém văn hóa.
Hơn 20 năm qua, Luật DN đã trải qua nhiều phiên bản, từ Luật DN năm 1999 đến Luật DN 2005, 2014, đến nay là Luật DN 2020. Riêng nội dung về tên DN đã có nhiều điều khoản được thay đổi, “lột xác” hoàn toàn, từ không chấp nhận tên tiếng nước ngoài đến cho phép đặt. Có một số điều khoản lại được giữ nguyên bản, trong đó là quy định cấm đặt tên DN có từ ngữ, ký hiệu “vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc”.
Xuyên suốt hơn 20 năm, có không ít cái tên đã gây tranh luận về tên DN vi phạm hay không.
Trong thực tiễn ĐKKD, cũng có một số người cố tình “trêu ngươi” cơ quan ĐKKD hoặc muốn tạo sự kiện, thu hút sự quan tâm. Ví dụ đã từng có người lập DN vốn 1 Việt Nam đồng. Phải xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước và thuyết phục DN này về sự bất khả thi khi góp vốn 1 đồng và mua sắm tài sản chỉ bằng 1 đồng. DN sau đó chấp nhận.
Vài lần có DN nộp hồ sơ đặt tên “Lầu Xanh” đều bị cơ quan ĐKKD từ chối. Tuy nhiên, cũng có công ty đặt tên trùng với tên một trang web bậy mà cơ quan ĐKKD không thể biết được các trang web này. Sau khi DN được thành lập, cơ quan ĐKKD nhận được phản ánh, đã yêu cầu DN đổi tên.
Cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền quyết định
Luật DN quy định DN không được đặt tên vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc. Tuy nhiên, đây là những phạm trù không thể định nghĩa chi tiết về từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức… Do đó, khi nhận thấy tên DN có dấu hiệu vi phạm quy định trên, cơ quan ĐKKD thường thuyết phục DN tự đổi tên khác. Việc thuyết phục thường kèm lý do đủ “nặng ký” để DN chấp nhận.
Ở nhiều nước khác cũng có quy định về việc đặt tên DN và cũng không thể liệt kê rõ ràng, toàn bộ những tên nào vi phạm, không được đặt. Để tranh luận về một cái tên là vi phạm thuần phong mỹ tục hay không thì rất mất thời gian, công sức của các bên và thường khó đi đến được tận cùng của vấn đề.
Vì vậy, hầu hết các nước, trong đó có Việt Nam, đều trao cho cơ quan ĐKKD quyền quyết định. Cụ thể là Điều 37 Luật DN quy định: “Cơ quan ĐKKD có quyền từ chối chấp thuận tên dự kiến đăng ký của DN” và Điều 18 Nghị định 01/2021 nêu rõ “ý kiến của cơ quan ĐKKD là quyết định cuối cùng. DN không đồng ý có thể khởi kiện”.
Ông BÙI ANH TUẤN, Cục trưởng Cục Quản lý ĐKKD, Bộ KH&ĐT
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm