Tăng án, tăng mức bồi thường vì tòa sơ thẩm xử nhẹ

Theo hồ sơ, khoảng 12 giờ 30 ngày 7-3-2016, bà Lê Thị Liên cùng con có mâu thuẫn, cãi nhau với hàng xóm là bà Phan Thị Thanh.

Hai bên ẩu đả, bà Nguyễn Thị Sang (mẹ chồng bà Liên) đến can ngăn ôm sau lưng bà Thanh. Do bà Thanh nhào người về phía trước nên bà Sang tuột tay làm bà Thanh ngã xuống đường, bị gãy xương đùi trái (thương tích 35%)…

Lúc này, Lê Văn Trung (con bà Thanh) đi chơi về thấy mẹ bị đánh nằm dưới đất nên lấy ca acid loãng đem đổ trước nhà bà Sang để hăm dọa.

Lương Thanh Toàn (con rể bà Liên) thấy vậy dùng viên gạch ném trúng bàn tay phải của Trung gãy xương bàn II, làm can nhựa rơi xuống đất. Trung bỏ chạy vào nhà thì Toàn cầm một cây gỗ đuổi theo, giật bung cửa, rồi dùng đoạn cây đang cầm ném trúng mắt trái của Trung làm vỡ nhãn cầu (thương tích 45%).

Xử sơ thẩm tháng 8-2017, HĐXX TAND TP Tuy Hòa đã tuyên phạt Lương Thanh Toàn ba năm sáu tháng tù; buộc phải bồi thường cho bị hại hơn 70,2 triệu đồng... Sau đó, bị cáo kháng cáo xin giảm án; người bị hại kháng cáo đề nghị tăng hình phạt và phần bồi thường dân sự.

Tại phiên tòa phúc thẩm cuối tháng 11-2017, luật sư bào chữa cho bị cáo đề nghị HĐXX xem xét, chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giảm cho bị cáo một phần hình phạt, vì bị cáo được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ mà cấp sơ thẩm chưa xem xét như người bị hại có lỗi, gia đình bị cáo có hoàn cảnh khó khăn; ngoài ra do người bị hại đem acid đổ ra ngoài đường để hù dọa nên bị cáo mới dùng gạch ném gãy tay là thuộc trường hợp vượt quá tình thế cấp thiết…

HĐXX TAND tỉnh Phú Yên nhận định: Chỉ vì bị hại Trung có hành động bức xúc việc mẹ của mình bị đánh gây thương tích và đang đe dọa tiếp tục tấn công nên mới đem acid loãng đổ ra ngoài đường. Bị cáo thấy vậy không có hành động khuyên ngăn, giải thích mà ngay lập tức dùng gạch ném gãy tay và tiếp tục cầm cây truy đuổi bị hại. Mặc dù bị hại đã bỏ chạy và bị cáo đã được can ngăn, đóng cửa nhưng bị cáo vẫn giật bung cánh cửa, xông vào nhà dùng cây ném bị hại trúng mắt trái làm vỡ nhãn cầu (thương tích 45%). Cấp sơ thẩm đã truy tố, xét xử bị cáo về tội cố ý gây thương tích theo khoản 3 Điều 104 BLHS là có căn cứ, đúng tội, chứ không thuộc trường hợp phạm tội do vượt quá tình thế cấp thiết như luật sư bào chữa cho bị cáo đã trình bày.

Về hình phạt, xét bị cáo là người có đầy đủ năng lực hành vi và năng lực chịu trách nhiệm hình sự; bản thân bị cáo có nhân thân xấu từng bị áp dụng biên pháp giáo dục tại xã sáu tháng về các hành vi đập phá tài sản, gây rối trật tự công cộng và bị kết án ba năm tù về tội chứa mại dâm nhưng không tích cực sửa chữa lỗi lầm, lại tiếp tục phạm tội, tính chất phạm tội ngày càng manh động, quyết liệt, thể hiện ý thức bất chấp pháp luật, xem thường sức khỏe người khác; đã gây thương tích nặng và để lại hậu quả lâu dài cho người bị hại. Khi quyết định hình phạt, cấp sơ thẩm chưa đánh giá hết tính chất, mức độ phạm tội và hậu quả mà bị cáo gây ra, đồng thời áp dụng Điều 47 BLHS để quyết định mức hình phạt dưới khung và chỉ xử phạt bị cáo ba năm sáu tháng tù là quá nhẹ, cần chấp nhận kháng cáo của bị hại tăng hình phạt đối với bị cáo.

Về trách nhiệm dân sự, cấp sơ thẩm buộc bị cáo bồi thường các khoản tiền điều trị tại bệnh viện, tiền mất thu nhập, tiền bồi dưỡng sức khỏe, tiền công người nuôi trong thời gian năm bệnh viện, tiều tàu xe… là phù hợp; nhưng không chấp nhận yêu cầu của bị hại về khoản tiền giảm thu nhập trong khi bị hại bị tổn hại về sức khỏe tới 45%, phải khoét bỏ mắt trái là không thuyết phục và chỉ buộc bị cáo bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần bằng 20 tháng lương cơ sở là thấp. Do đó, cần buộc bị cáo phải bồi thường thêm cho bị hại khoản tiền giảm thu nhập trong thời gian một năm là 36 triệu đồng, tăng tiền bù đắp tổn thất về tinh thần lên 40 tháng lương cơ sở bằng 52 triệu đồng; tổng cộng các khoản buộc bị cáo phải bồi thường cho bị hại hơn 132,2 triệu đồng.

Từ đó, TAND tỉnh Phú Yên đã tuyên phạt như trên. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm