TAND Tối cao giải đáp về án treo và đánh bạc

TAND Tối cao vừa ban hành văn bản số 89 thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử.

Muốn được hưởng án treo, phải có nhân thân tốt

Đối với thắc mắc đặt ra là quy định tại Nghị quyết số 02/2018 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao không quy định không cho hưởng án treo đối với trường hợp người phạm tội đang bị khởi tố, điều tra, truy tố trong một vụ án khác hoặc người phạm tội họ còn có hành vi phạm tội khác đã bị xét xử trong một vụ án khác.

Vậy trường hợp bị cáo có đủ điều kiện được hưởng án treo nhưng trong hồ sơ thể hiện bị cáo còn có hành vi phạm tội khác đã bị xét xử hoặc đang bị khởi tố, điều tra, truy tố trong vụ án khác thì có được hưởng án treo không?

Trả lời, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cho rằng theo khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP một trong những điều kiện để cho người bị kết án phạt tù được hưởng án treo là phải có nhân thân tốt.

Trường hợp này, người phạm tội đang bị khởi tố, điều tra, truy tố trong một vụ án khác hoặc người phạm tội còn có hành vi phạm tội khác đã bị xét xử trong một vụ án khác là không bảo đảm điều kiện có nhân thân tốt để cho hưởng án treo.

Ảnh minh họa. 

Căn cứ vào tổng số tiền hay số tiền mỗi bị cáo đánh bạc?

Một vấn đề được đặt ra là đối với vụ án đánh bạc, căn cứ vào tổng số tiền thu được hay số tiền mỗi bị cáo dùng đánh bạc để xem xét trách nhiệm hình sự và quyết định hình phạt đối với mỗi bị cáo?

TAND Tối cao cho rằng trường hợp này, tùy vào vụ việc cụ thể mà xác định trách nhiệm hình sự và mức hình phạt của các bị cáo.

Cụ thể, đối với trường hợp các bị cáo cùng đánh bạc với nhau (như đánh phỏm, đánh chắn, đánh liêng, đánh sâm…) thì căn cứ vào tổng số tiền thu trên chiếu bạc (tổng số tiền dùng vào việc đánh bạc) để xem xét trách nhiệm hình sự.

Số tiền mỗi bị cáo dùng vào việc đánh bạc là một trong những căn cứ để tòa án xem xét, đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm khi quyết định hình phạt đối với mỗi bị cáo.

Đối với trường hợp con bạc đánh với chủ bạc (như lô đề, cá độ bóng đá, đua ngựa, xóc đĩa…) thì việc xác định khung hình phạt và mức hình phạt phải căn cứ vào số tiền từng bị cáo dùng vào việc đánh bạc.

Việc chứng minh số tiền các bị cáo dùng vào việc đánh bạc là trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng.

Có phạm tội cố ý gây thương tích?

Liên quan đến tội cố ý gây thương tích, một tình huống được đưa ra là do có mâu thuẫn từ trước nên một nhóm đối tượng bàn bạc chuẩn bị các loại hung khí như búa đinh, dao phay, kiếm, tuýt sắt dài nhằm mục đích tấn công gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác. Khi đang trên đường đi gây án thì bị phát hiện và được ngăn chặn kịp thời. Trường hợp này nhóm đối tượng trên có bị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích không?

Giải đáp thắc mắc, TAND Tối cao cho rằng khoản 6 Điều 134 của BLHS không bắt buộc người phạm tội phải hoàn thành hành vi khách quan là gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của người khác và cũng không bắt buộc phải có hậu quả xảy ra.

Người có hành vi chuẩn bị một trong các loại công cụ, phương tiện phạm tội như: vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm… hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì đã đủ dấu hiệu về mặt hành vi khách quan để xử lý hình sự người phạm tội.

Do đó, trường hợp nêu trên, các đối tượng mặc dù chưa thực hiện hành vi nhưng đã có sự bàn bạc thống nhất, câu kết chặt chẽ với nhau và đã hoàn thành việc chuẩn bị hung khí nguy hiểm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

Do đó, các đối tượng này có đủ dấu hiệu về mặt hành vi khách quan theo quy định tại khoản 6 Điều 134 của BLHS.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm