TAND huyện Củ Chi vẫn xét xử lưu động

Dự kiến vụ án sẽ được đưa ra xét xử tại Cụm văn hóa xã An Nhơn Tây (Củ Chi). Hai bị cáo trong vụ án này là NVC và HTS, bị truy tố về tội cố ý gây thương tích.

Hiện nay luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TP.HCM, bào chữa cho bị cáo C.) đã có đơn gửi đến TAND huyện Củ Chi, TAND TP.HCM, VKSND các cấp và Huyện ủy huyện Củ Chi kiến nghị không xét xử lưu động vụ án này. Đồng thời luật sư Dũng cũng đề nghị TAND huyện Củ Chi trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vì cho rằng vụ án còn nhiều khuất tất.

Theo luật sư Dũng, đầu năm 2018, tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác ngành tòa án năm 2018, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã nhấn mạnh từ năm 2018 ngành tòa án sẽ dừng việc xét xử lưu động. Dự kiến tháng 7-2018, TAND Tối cao sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng quan điểm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao là không tổ chức phiên tòa lưu động nữa.

Chúng tôi đã liên hệ ông Vũ Tùng Lâm (Chánh án TAND huyện Củ Chi) để đặt vấn đề liệu TAND huyện này tiếp tục xét xử lưu động thì có trái quan điểm chỉ đạo của chánh án TAND Tối cao và Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Ông Lâm hứa sẽ trả lời trong tuần sau.

Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Phan Trương Hiền (Viện trưởng VKSND huyện Củ Chi), cho biết việc xét xử lưu động rất được UBND và Huyện ủy huyện Củ Chi quan tâm. Bởi lẽ Củ Chi là huyện vùng sâu, vùng xa, hình thức xét xử này phù hợp để tuyên truyền pháp luật cho bà con.

Nhận xét về mặt pháp lý, ĐBQH Nguyễn Đức Sáu (nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM) nói các tòa án nên chủ động từ bỏ hẳn việc xét xử lưu động vì quan điểm của chánh án TAND Tối cao và Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao là một quan điểm thực tế mang tính khách quan.

“Theo tôi biết thì hầu hết các tòa án đã dừng việc xét xử lưu động. Ưu điểm của xét xử lưu động là đạt được hiệu quả tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, qua đó góp phần răn đe phòng ngừa tội phạm. Tuy nhiên, thực tiễn việc xét xử lưu động đã để lại nhiều hệ quả. Xét xử lưu động không chỉ gây áp lực đối với những người tiến hành tố tụng mà còn với bị cáo, gia đình bị cáo và cả bị hại... Về chuyên môn, xét xử tại trụ sở sẽ giúp HĐXX tâm lý thoải mái, bình tĩnh, đưa ra phán quyết chính xác hơn, còn xét xử lưu động không có lợi cho việc xét hỏi, điều tra công khai tại tòa. Giả sử xuất hiện chứng cứ mới mà trong quá trình nghiên cứu hồ sơ HĐXX không phát hiện, nếu cứ tuyên án thì sẽ bị hủy sửa, còn hoãn xử thì tốn kém do đã phải huy động lực lượng” - ông Sáu nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm