Tài xế container hất văng CSGT là cố ý giết người?

Bước đầu tài xế Châu (26 tuổi, trú thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ, Bình Định) khai do vi phạm, bị kiểm tra bất ngờ nên hoảng loạn dẫn đến hành động dại dột.

Cần xem xét vì CSGT ngăn cản sai?

Thiếu tá Nguyễn An Ninh, Phó Trưởng phòng CSGT Hà Tĩnh, cho biết Công an huyện Can Lộc đã lấy test đo nồng độ cồn và lấy mẫu nước tiểu tài xế Châu để xét nghiệm. Qua đo nồng độ cồn cho thấy Châu không sử dụng rượu bia khi lái xe. Tuy nhiên, mẫu xét nghiệm nước tiểu để xem có sử dụng heroin hay không thì chưa có kết quả.

Tài xế Châu bị chặn xe, bắt giữ ngay tại hiện trường trên quốc lộ 1A (đoạn qua huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) và đang bị tạm giữ hình sự. Bước đầu tài xế Châu khai nhận do vi phạm, bị kiểm tra bất ngờ nên hoảng loạn dẫn đến hành động dại dột.

Tài xế Châu tại cơ quan công an.

Vấn đề đặt ra là hành vi của tài xế Châu có dấu hiệu của tội giết người hay chỉ có thể xử lý về tội cố ý gây thương tích hoặc chống người thi hành công vụ?

Một thẩm phán cho rằng hậu quả của vụ án là nghiêm trọng nhưng cần xem lại hành động đu gương chiếu hậu để ngăn vi phạm tài xế của CSGT có đúng hay không. Bởi ban đầu tài xế chỉ vi phạm hành chính, biện pháp xử phạt là bằng tiền, không phải tội phạm hình sự, buộc phải ngăn chặn nếu không sẽ xảy ra hậu quả lớn.

Vì thế CSGT có thể dùng các kỹ thuật khác để ngăn cản việc vi phạm này như báo cho trạm kế tiếp để chặn xe, hoặc phạt nguội qua hình ảnh ghi lại. Không nhất thiết sau khi yêu cầu dừng mà phương tiện không dừng thì cứ phải đu bám theo, dễ gây ra tai nạn và hậu quả khác.

Theo Điều 5 Thông tư 01/2016 của Bộ Công an (về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ) không có quy định về việc cho phép CSGT truy đuổi người vi phạm mà chỉ cho phép CSGT thông dừng xe của người điều khiển vi phạm lại một cách an toàn. Theo Điều 87 Luật Giao thông đường bộ 2008 (quy định về tuần tra, kiểm soát của CSGT đường bộ) cũng không có quy định cho CSGT quyền truy đuổi hoặc ngăn chặn người vi phạm giao thông bằng cách đu theo xe. Vì thế chưa kết luận được hành vi của tài xế là giết người.

Hành vi cố ý giết người?

Tuy nhiên, theo luật sư (LS) Bùi Quốc Tuấn (Đoàn LS TP.HCM), trường hợp này phải xác định là hành vi cố ý giết người. Bởi đây là hành vi trái pháp luật gây ra bởi lỗi cố ý, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là người CSGT bị thương nặng.

Tài xế Châu đã biết được CSGT đang đu bám trên gương chiếu hậu theo là nằm trong tình thế nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng tài xế đã không dừng phương tiện và thực hiện theo hiệu lệnh dừng của CSGT là sai. Tài xế đang điều khiển xe đầu kéo là sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ. Hành vi cố ý đánh võng, lắc tay lái ép người CSGT rơi xuống đường để bỏ chạy là lỗi cố ý dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng.

Hiện trường CSGT bị thương.

Ngoài ra, điểm a khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2013 quy định: “Mọi hành vi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh”. Việc truy đuổi đến cùng người vi phạm giao thông bỏ chạy được đặt ra khi có hiệu lệnh dừng xe của CSGT. Trong trường hợp nếu có dấu hiệu phạm tội hoặc hành vi vi phạm nghiêm trọng mà người vi phạm vẫn cố tình bỏ chạy thì vẫn có thể được truy đuổi nhưng phải đảm bảo an toàn.

Hậu quả khiến CSGT bị thương nặng, thiệt hại xảy ra là do tài xế cố tình bỏ chạy để né tránh việc vi phạm hành chính. Vì thế phải xác định và xem xét tội giết người chứ không phải là tội khác liên quan.

Đồng tình, LS Nguyễn Toàn Thiện (Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Bình Thuận) nói: “Qua hình ảnh trong clip thì không thể cho rằng việc CSGT rơi xuống đường là rủi ro, không phải do lỗi của tài xế Châu. Đành rằng cần đánh giá lại cách thức ngăn chặn vi phạm của người làm nhiệm vụ là CSGT đúng hay sai, nhưng chuyện nào ra chuyện ấy…”.

Việc cố tình đánh vô lăng nhằm mục đích hất CSGT xuống đường của tài xế là cố ý, bất chấp tính mạng, sức khỏe của người khác. Hậu quả CSGT không thiệt mạng là ngoài ý muốn của tài xế Châu. Bởi trong hoàn cảnh ấy tài xế buộc phải nhận thức được đây là tình huống rất nguy hiểm phải dừng xe lại để bảo vệ tính mạng cho người thi hành công vụ.

Hành vi cố ý của tài xế là vi phạm pháp luật hình sự, hậu quả là thiệt hại nghiêm trọng tới sức khỏe và tính mạng của người CSGT đã xảy ra, do đó phải xem xét xử lý nghiêm bằng tội giết người. 

Tính mạng Thượng úy Đức nguy kịch

Sau khi bị hất văng xuống đường, đồng đội và người dân đã đưa Thượng úy CSGT Nguyễn Anh Đức đến BV đa khoa Hồng Lĩnh cấp cứu. Do bị thương quá nặng, chiều tối cùng ngày Thượng úy Đức được chuyển lên BV đa khoa Hà Tĩnh cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Đêm 30-6, Thượng úy Đức được chuyển ra Hà Nội cấp cứu nhưng sức khỏe chưa tiến triển, đang còn nguy kịch. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm