Tại sao 3 cảnh sát giao thông đánh tài xế không bị khởi tố?

Sự việc 3 cảnh sát giao thông (CSGT) thuộc Công an huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đánh tài xế xe tải khi người này không chấp hành hiệu lệnh dừng xe đang gây xôn xao dư luận.

Giám đốc công an tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo và công an huyện Việt Yên đã có hình thức xử lý kỷ luật đối với ba CSGT này. Vậy hành vi đánh người của 3 CSGT có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? 

Khó đủ điều kiện xử hình sự

Theo Luật sư (LS) Bùi Quốc Tuấn (Đoàn LS TP.HCM), qua hình ảnh video có thể thấy quá trình thực thi công vụ ba CSGT đã có lời nói không đúng mực, lôi kéo, tát vào mặt tài xế xe tải.

Hình ảnh tài xế bị tổ CSGT kéo ra khỏi ghế lái. Ảnh cắt từ clip

CSGT được quyền dừng phương tiện giao thông để kiểm tra giấy tờ của người và phương tiện tham gia giao thông; lập biên bản, xử lý các hành vi vi phạm hành chính về giao thông; tạm giữ giấy tờ, tạm giữ tang vật, phương tiện;...

Pháp luật không cho phép CSGT được quyền đánh người, trừ trường hợp người vi phạm chống đối, không tuân thủ quy định thì có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính.

Hành vi của người tài xế không dừng xe là sai, nhưng ba CSGT có thể có những biện pháp khác để buộc xuống xe, kiểm tra và xử lý vi phạm. Khi tài xế đã xuống xe cũng không cần phải đánh tới tấp vào mặt, vào người.

Theo LS Tuấn, Điều 134 BLHS quy định, hành vi cố ý gây thương tích phải có tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp như dùng hung khí nguy hiểm, có tính chất côn đồ… thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo đó nếu thương tích của tài xế từ 11% trở lên (khả năng này rất thấp) thì các CSGT này mới bị xử lý hình sự. Ngoài ra ba CSGT đánh bằng tay không và một phần xuất phát từ việc người tài xế vi phạm, nên cũng không thể áp dụng tình tiết có tính chất côn đồ.

Tuy nhiên hành vi này làm xấu đi hình ảnh của người cảnh sát nhân dân. Vì thế cơ quan, đơn vị chủ quản của chiến sĩ cảnh sát đó phải có hình thức kỷ luật thích đáng và tuyên truyền rộng rãi để rút kinh nghiệm.

Xử phạt vì không chấp hành hiệu lệnh

Đồng tình, LS Phạm Tuấn Anh (Đoàn LS TP.HCM) cũng cho rằng hành vi của Ba CSGT chưa đủ cơ sở để xử lý hình sự.

Riêng tài xế xe tải đã không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của CSGT nên cạnh việc bị xử lý về hành vi chở quá tải (nếu vi phạm), người này còn có thể bị xử phạt về hành vi không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông.

Cơ sở là điểm b khoản 5 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt). Mức xử là từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. 

Theo LS Tuấn Anh, hành vi chạy trốn, không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của CSGT còn tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm cho chính bản thân và người đi đường xung quanh. Vì vậy, khi tham gia giao thông có hiệu lệnh dừng xe của CSGT thì người dân nên tuyệt đối chấp hành.

3 cảnh sát giao thông đánh tài xế xe tải

Như PLO đã đưa tin, ngày 29-11, tổ CSGT thuộc Công an huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên tuyến quốc lộ 17, thuộc địa phận huyện Việt Yên.

Các cán bộ CSGT phát hiện chiếc xe ô tô tải 98C-120.98 có dấu hiệu vi phạm chở quá khổ, quá tải nên ra hiệu lệnh dừng xe. Tuy nhiên, tài xế không chấp hành mà điều khiển xe bỏ chạy.

Sau đó, do xe tải rẽ vào đường đê và vướng barie hạn chế chiều cao nên không di chuyển được. Lúc này, tài xế mới dừng lại. Trong lúc xử lý, ba cán bộ CSGT trong tổ công tác đã có lời nói, hành động vi phạm Điều lệnh Công an nhân dân. Hình ảnh từ clip đăng tải trên mạng xã hội cho thấy nhóm CSGT mở cửa xe, kéo tài xế xuống rồi xảy ra xô xát.

Sau đó, Giám đốc công an tỉnh đã chỉ đạo công an huyện Việt Yên xem xét, xử lý kỷ luật điều chuyển ba cán bộ này ra khỏi lực lượng CSGT (bố trí công tác khác), hạ xếp loại cán bộ và không phân công nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông đối với hai cán bộ...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm