Tác phẩm phái sinh được bảo hộ ra sao?

TAND TP.HCM vừa xử sơ thẩm vụ tranh chấp tác quyền giữa ông Nguyễn Văn Ân với các bị đơn: Ông Võ Thành Tân - Chủ DNTN Nhà sách Thành Nghĩa, Công ty Cổ phần In Bến Tre và NXB Thanh Niên. Vụ án khá phức tạp nên từ lúc thụ lý đến khi xét xử phải mất gần bốn năm.

13 năm không được trả tiền

Trong đơn khởi kiện, ông Ân yêu cầu bồi thường do bị xâm phạm tác quyền đối với quyển Tuyển tập 40 bài luận tiếng Anh do sinh viên quốc tế viết trong năm đầu chuyên khoa đại học.

Ông Ân trình bày: Năm 1994, sau khóa học dành cho các sinh viên quốc tế năm thứ nhất tại Trường ĐH Cộng đồng Hoa Kỳ, ông đã chọn lọc các bài luận văn do các bạn học cùng lớp viết ra, cộng với ba bài luận văn do ông viết rồi biên soạn thành tuyển tập trên. Về nước, ông hợp tác với ông Tân - chủ DNTN Nhà sách Thành Nghĩa để phổ biến cuốn sách này với bút danh An Giang - Nguyễn Văn Ân. Sách do NXB Trẻ TP.HCM cấp phép xuất bản; in số lượng 1.000 cuốn, nhà sách Thành Nghĩa phát hành tháng 8-1996.

Ông Ân nói cuốn sách rất có giá trị nên số lượng sách phát hành lần thứ nhất đến tháng 4-1997 đã bán hết. Sau đó Thành Nghĩa tự tiện tái bản lần thứ nhất in 1.000 cuốn, phát hành tháng 1-1998 nhưng không xin phép tác giả. Khi ông phát hiện, nhà sách mới xin lỗi và trả tiền tác quyền. Nhưng từ sau năm 1998, nhà sách Thành Nghĩa lại tự tiện tái bản tuyển tập này mà không xin phép tác giả. “Đây là in lậu và bày bán công khai ở hệ thống nhà sách Thành Nghĩa suốt 13 năm để gian lận không trả tiền tác quyền” - ông Ân nói.

Ngày 10-10-2010, ông Ân đến một nhà sách và phát hiện quyển sách này vẫn còn bày bán song song với một quyển sách khác có nhan đề Tuyển tập 40 bài luận Anh văn, tác giả cũng là An Giang - Nguyễn Văn Ân nhưng có thêm hai tác giả khác là Võ Liêm An - Võ Liêm Anh nào đó mà ông không biết. Đặc biệt, bìa cuốn sách có một vòng tròn màu tím trong đó có ghi “Trên 20.000 bản đã được bán hết” do NXB Thanh Niên cấp phép xuất bản, Công ty In Bến Tre in, giá bán 40.000 đồng. Ông Ân khẳng định ngoài một số khác biệt ở bìa 1, NXB và giá bán, giữa hai tuyển tập giống nhau 100%, không khác từ nào.

Cuốn sách mà ông Nguyễn Văn Ân cho rằng ông bị xâm hại tác quyền. Ảnh: HOÀNG YẾN

In 1.000 bản, quảng cáo 20.000 bản

Chủ DNTN Nhà sách Thành Nghĩa thì nói: “Tiền nhuận bút đã thanh toán đầy đủ nhưng không hiểu sao ông Ân lại đi kiện. Tất cả ấn bản trên, về phía doanh nghiệp đã làm đầy đủ theo Luật Xuất bản”.

Đại diện NXB Thanh Niên cho rằng: “Khi sử dụng các tác phẩm gốc của nhiều tác giả khác để sáng tạo tác phẩm phái sinh, ông Ân không có xin phép và không có sự đồng ý của các tác giả này, không trả tiền nhuận bút; nay đòi các khoản quyền lợi về tài sản và nhân thân là không đủ tư cách chủ sở hữu quyền tác giả để khởi kiện”. Về thông tin ghi trên bìa “Trên 20.000 bản đã được bán hết”, đơn vị này nói: “Ông Ân biết đây chỉ là chiêu quảng cáo nhưng vì tham nên cố tình bắt lỗi người khác để đòi tiền - kiện đòi gần 2 tỉ đồng. Rất dễ hiểu vì thị trường sách Việt Nam quá ế ẩm, in được 1.000 cuốn/đầu sách là mừng lắm rồi…”.

Tự ý tái bản và thêm tên tác giả

Theo tòa, các bài luận văn tiếng Anh (40 bài) chỉ có ba bài do ông Ân viết, còn lại là của các tác giả ở các nước khác viết, ông Ân đã sưu tầm, biên soạn, tuyển tập và dịch các bài luận này sang tiếng Việt, sáng tạo thành tác phẩm phái sinh… Tác phẩm này do ông Ân tự mình lao động sáng tạo trong biên soạn, tuyển tập, chú giải và dịch từ tiếng Anh ra tiếng Việt, không sao chép của người khác. Việc ông Ân sử dụng các bài luận này không gây thiệt hại đến quyền tác giả. Nên tác phẩm phái sinh này của ông Ân được bảo hộ theo quy định của pháp luật.

Theo hồ sơ, việc in tái bản tuyển tập này lần thứ nhất vào năm 1997, ông Ân đã nhận tiền nhuận bút là có thật và các bên đã tự giải quyết xong. Vấn đề tranh chấp là lần sử dụng tuyển tập này vào năm 2009 của ông Tân khi liên kết xuất bản với NXB Thanh Niên. Ông Tân có nộp cho tòa phiếu chi trả tiền nhuận bút bản phôtô nhưng ông Ân xác định chưa nhận. Bên ông Tân cũng không có chứng cứ gì khác chứng minh đã trả tiền nhuận bút nên có đủ căn cứ xác định các bên sử dụng tác phẩm để xuất bản, phát hành đã xâm phạm tác quyền của ông Ân khi sử dụng tác phẩm vào năm 2009. Việc ông Ân đòi bồi thường thiệt hại về các quyền tài sản và nhân thân đối với hành vi xâm phạm này có căn cứ để xem xét.

Theo tòa, ông Tân đã cho in tác phẩm này, có ghi thêm đồng tác giả là Võ Liêm An - Võ Liêm Anh và cho rằng việc ghi thêm tên hai người này là theo ý kiến của ông Ân nhưng ông Ân không thừa nhận. Trong khi sử dụng tác phẩm này để in và phát hành vào năm 2009, ông Tân không xin phép và không trả tiền cho ông Ân thì không thể để ông Ân có ý kiến yêu cầu ghi thêm các tên này được. Phía ông Tân xác định hai đồng tác giả là không có người thật nên tòa án không thể triệu tập những người này. Bằng việc tự ý ghi thêm tên đồng tác giả vào tuyển tập này khi tái bản, các bên sử dụng tác phẩm đã xâm phạm đến quyền nhân thân của tác giả.

Về số lượng, ông Ân nói bìa sách có ghi “trên 20.000 bản đã được bán hết” nhưng ngày ông cung cấp cuốn sách cho tòa thì bìa trang 3 ghi số lượng in 1.000 cuốn. Các quyết định xuất bản cũng chỉ có số lượng 1.000 cuốn. Ông Tân cũng cho rằng việc in nội dung trên nhằm mục đích quảng cáo để bán được sách.

Từ đó tòa chỉ chấp nhận yêu cầu đối với số lượng in là 1.000, giá bìa 40.000 đồng, tỉ lệ nhuận bút là 14%, thành tiền nhuận bút là 5,6 triệu đồng cho ông Ân.

Bồi thường tổn thất và xin lỗi trên báo

Ngoài ra, HĐXX nhận thấy việc không kịp thời thanh toán tiền nhuận bút, việc in khống “trên 20.000 bản đã bán hết” không nhiều thì ít cũng ảnh hưởng đến thu nhập, việc khai thác tác phẩm của nguyên đơn. Vì vậy tòa chấp nhận một phần yêu cầu của ông Ân, buộc NXB Thanh Niên bồi thường thiệt hại 5 triệu đồng, ông Tân bồi thường thiệt hại 15 triệu đồng.

Cạnh đó, tòa cũng buộc bồi thường thiệt hại về tinh thần 50 triệu đồng cho ông Ân. Chủ nhà sách Thành Nghĩa và NXB Thanh Niên còn có trách nhiệm đăng thông báo xin lỗi và cải chính trên trang chính nội dung các báo, cải chính tên tác giả, xin lỗi về hành vi xâm phạm.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm